Câu chuyện của cô giáo người Vân Kiều, Hồ Thị Trung (sinh năm 1982, người dân tộc Vân Kiều ở thôn Kreng - nay thuộc thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp) hiến đất xây trường đã vượt qua khỏi khuôn khổ của xã Hướng Hiệp, đỉnh Voi Mẹp hay cả huyện Đakrông bởi hành động đó không chỉ là tấm lòng của một cô giáo người Vân Kiều mà nó còn là tấm gương về người tốt, việc tốt.
Chiều Hoàng hôn cuối năm, khi không khí Tết Nguyên đán chưa về đến bản làng của xã Hướng Hiệp, được cán bộ của Phòng Giáo dục và Đào tạo Đakrông chúng tôi tìm đến lớp học của cô giáo Hồ Thị Trung để nghe về câu chuyện hiến đất xây trường.
Năm học này, cô giáo Hồ Thị Trung chuyển tới điểm trường Kreng 1 để dạy học, vừa kịp lúc cô giao trẻ cho phụ huynh xong.
Điểm trường Kreng hôm nay. Ảnh: LC |
Khi ngỏ ý được hỏi về chuyện hiến đất xây trường, cô Trung ngượng ngùng: “Cũng không có gì to tát cả anh ạ. Nhà em tặng là em tặng thôi ạ”.
Nói về quá trình hiến đất xây trường, cô Trung cho biết, khi lập gia đình, vợ chồng cô giáo Trung được cha mẹ cho một mảnh đất đủ rộng để vừa định cư, vừa trồng hoa màu ngay cạnh nhà.
Năm 2003, bố chồng cô Trung là cán bộ thôn, có hỏi ý hai vợ chồng cô về việc hiến đất xây trường học vì khu đất của vợ chồng cô Trung là đẹp nhất và nằm ở vị trí bằng phẳng nhất của thôn Kreng trước kia.
Kể lại thời điểm đó, cô Trung cho biết, lúc đó đường xá đi lại vô cùng khó khăn, cuộc sống của bà con Vân Kiều cũng rất cực, việc có trường, có lớp giữ trẻ sẽ giúp ích rất nhiều cho bà con, do vậy sau khi bàn bạc, hai vợ chồng cô Trung cùng đồng ý hiến đất.
Lần đầu tiên, 800m2 đất đã được gia đình cô Trung hiến tặng, trên nền đất của gia đình cô đã mọc lên phòng học khang trang của một tổ chức phi chính phủ xây tặng.
Nói về việc mình hiến đất, cô Trung chia sẻ, “mình là giáo viên và cũng là người ở đây nên cũng muốn đem cái chữ mình học được để chăm sóc, dạy dỗ cho các cháu.
Từ suy nghĩ đó, tôi hy vọng các cháu có nơi để học tập, phụ huynh không phải vất vả đưa con đi học xa với sự bất tiện về đường xá, nhất là mùa mưa lũ”.
Cô giáo Hồ Thị Trung bên điểm trường khi xưa là mảnh vườn của gia đình. Ảnh: LC |
Việc hiến đất xây dựng trường của cô giáo Trung đã tạo điều kiện cho con em thôn Kreng đi lại thuận tiện, giúp bà con dân bản yên tâm lao động sản xuất.
Cũng sau việc hiến tặng, cô Trung đã được đào tạo thành cô giáo và dạy học tại chính điểm trường được dựng xây lên.
Sau 10 năm, với nhu cầu dạy và học mới, điểm trường Kreng tiếp tục có nhu cầu về phòng học, chính quyền địa phương tiếp tục vận động gia đình cô giáo Trung hiến tặng thêm phần đất gần nhà để trường có thể tiếp tục mở rộng.
Cán bộ phải làm gương, người lớn làm gương cho con trẻ |
Không mất quá nhiều thời gian để suy nghĩ, gia đình cô giáo Trung tiếp tục hiến thêm 81m2 đất ở để trường được mở rộng hơn.
Lần này, chính quyền địa phương, nhà trường đã hỗ trợ gia đình cô giáo Trung 10 triệu đồng.
Dù hiện tại, đất ở của gia đình cô Trung bị thu hẹp, thậm chí không có đất vườn nhưng gia đình cô vẫn cảm thấy vui vì ngôi trường được xây dựng khang trang, các cháu được học hành trong không gian thoáng mát, sạch đẹp.
Cô Trung bảo: “Tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản làm sao mình có thể đóng góp một phần nhỏ cho giáo dục địa phương, giảm bớt khó khăn và giúp đỡ con em đồng bào mình có cơ hội được chăm sóc, giáo dục tốt hơn. Mình cho là mình cho chứ cũng chẳng phải nghĩ ngợi gì”.
Cô giáo Hồ Thị Trung cùng cô giáo Trần Thị Thu - Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Hiệp thăm điểm trường Kreng. Ảnh: LC |
Cô giáo Trần Thị Thu - Hiệu trưởng Trường mầm non Hướng Hiệp cho biết: “Việc hiến đất xây trường của cô giáo Trung là việc làm rất đáng biểu dương, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường Mầm non Hướng Hiệp nói chung và chất lượng giáo dục ở điểm trường Kreng. Đến nay điểm trường Kreng là điểm đẹp nhất của trường Mầm non Hướng Hiệp”.
Nói về người đồng nghiệp của mình, cô giáo Thu cho biết, cô giáo Hồ Thị Trung là một cô giáo tuy người dân tộc thiểu số nhưng rất nhiệt huyết với công việc, chăm học hỏi, chuyên môn tốt và chăm học hỏi.
Được biết cô giáo Trung dù trình độ đào tạo từ ban đầu chỉ hết Trung học cơ sở nhưng cũng là một trong những người có trình độ cao nhất bản Kreng khi đó. Khi được tuyển dụng, cô Trung vừa làm vừa học và đã đạt trình độ đại học và tiếp tục học hỏi chuyên môn, kinh nghiệm từ đồng nghiệp.
Hiện tại, các phòng học của điểm trường Kreng đã được hoàn thiện với đầy đủ cơ sở vật chất, phòng học đảm bảo dạy học theo yêu cầu giáo dục mới.
Đứng trên mảnh đất khi xưa của gia đình, nay là một ngôi trường khang, cô giáo Trung nở nụ cười mãn nguyện vì những cống hiến cho giáo dục địa phương.