Chuyện mặn-ngọt-chua-cay từ quà tết của một người thầy

27/01/2017 06:38
Nguyễn Văn Lự
(GDVN) - Giá như ai cũng hiểu thầy cô để đừng làm gì tổn thương liêm sỉ và lòng tự trọng của họ, thì đời sống tinh thần của nhà giáo sẽ vui mãi mỗi mùa hoa đào nở!

LTS: Người ta thường nói "của cho không bằng cách cho". Và chuyện tặng quà nhau cũng vậy, đôi khi món quà gì cũng không quá quan trọng với người nhận mà vấn đề là cách tặng quà.

Ngày Tết, thầy giáo Nguyễn Văn Lự chia sẻ về những câu chuyện về cách tặng quà khác nhau và cảm nhận của người được tặng quà.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Từ lâu lắm rồi, ngày Tết của thầy cô được học trò xem như dịp để bày tỏ tình nghĩa tri ân. Thành quen, các lớp học sinh thống nhất chuyển từ thăm hỏi chúc mừng tại gia sang hình thức tặng quà.

Mỗi lớp, qua cố vấn của chủ nhiệm, đã chọn những món quà ý nghĩa nhất. Chúng tôi nói đùa với nhau, giáp Tết thế nào chả được học trò mua tặng nên muốn sắm sửa gì cũng phải đợi sau khi nghỉ thật, kẻo lại mua hai lần.

Anh chị em nào môn phụ dạy nhiều lớp, nếu các em trao liền một hôm thì có lẽ phải gửi lại chở dần mỗi lần vài ba túi.

Món quà không phải ít hay nhiều, không phải tính theo giá cả bao nhiêu mà thật sự là tấm lòng chân thành của học sinh, của phụ huynh nên thật ý nghĩa, động viên và an ủi thầy cô kịp thời.

Thông thường mồng ba Tết, các trò thăm thầy cô. Học sinh nông thôn, cấp 1, cấp 2, ngoài món quà của cả lớp, ngày Tết vẫn tốp vài ba em vui vẻ, khép nép đến nhà thầy cô chủ nhiệm, hay môn chính.

Với nhiều giáo viên, giá trị quà tặng không quan trọng bằng cách được tặng quà. (Ảnh minh họa trên danviet.vn)
Với nhiều giáo viên, giá trị quà tặng không quan trọng bằng cách được tặng quà. (Ảnh minh họa trên danviet.vn)

Sau niềm vui được gặp thầy cô, sau nhưng lời trò chuyện là lời chúc thật thà đến nôm na. Các em xem đó như làm được việc lớn lắm, ý nghĩa lắm.

Vài viên kẹo hay chút hoa quả, không khí ngày xuân làm khoảng cách thầy trò ngắn lại trong từng chuyện vui về học hành và linh tinh chuyện.

Học sinh cấp 3 được bố mẹ cho tự do từng nhóm kéo nhau đi rộn ràng hơn, tưng bừng hơn.

Kế hoạch bao giờ cũng bắt đầu từ thầy cô quan trọng nhất, chủ nhiệm, đến các thầy môn chính theo khối xét đại học.

Sự bạo dạn và tâm lý tuổi mới lớn mang vui xuân trải khắp con đường các em qua vào làm Tết thầy cũng rộn rã thêm.

Những khuôn mặt tươi trẻ và những bộ đồ đẹp mắt như sắc điệu hoa lá mùa xuân làm rực rỡ thêm ngõ nhỏ. Thật ấm cúng và vui vẻ biết bao, chật căng ngôi nhà tiếng cười nói, tiếng thầy trò và đôi khi cả lời ca tiếng nhạc.

Câu chuyện thăm hỏi, học hành, riêng tư của thầy thật thân tình xóa đi mặc cảm, trầm lặng nghiêm trang vốn có giữa thầy và trò.

Chuyện mặn-ngọt-chua-cay từ quà tết của một người thầy ảnh 2

Biếu Tết cấp trên chỉ lợi lộc cho Hiệu trưởng, giáo viên và trường không được gì

Công cuộc thăm chúc Tết của các em có thể kéo dài cả ngày, nhiều khi thông trưa nên hao sức và mệt nhanh.

Đôi khi, thầy trò cùng nhau hạ bữa đơn sơ chén rượu nhạt, miếng bánh chưng lại thêm gần gũi, thêm hiểu nhau hơn.

Đó là phong tục truyền thống tri ân tuyệt đẹp các thế hệ trò vẫn thực hiện mỗi độ hoa đào nở.

Đó là nét đẹp ngày xuân ấm lòng thầy và trò, khởi đầu cho một năm nhiều  mơ ước, nhiều thử thách và thành công.

Ngày Tết với học trò thời @ mau mắn qua đi nhưng với thầy cô giáo còn mãi trong thẳm sâu tâm hồn nỗi vương vấn.

Niềm vui ngắn chửa tày gang, mỗi mùa xuân đến mái tóc thầy cô lại thêm nhiều sợi bạc.

Màu bạc không phải vì bụi phấn vương tóc như ngày xưa dùng phấn mộc trên bảng gỗ. Bao nhiêu bộn bề giữa mớ bòng bong của giáo dục nước nhà làm khổ thầy trò: chuyện học, chuyện thi, chuyện tiền và việc làm…

Ngày Tết thầy trò không chỉ gượng cười gượng vui cho khỏa lấp cái sự nhọc nhằn và vô lý không thể tránh nơi học đường mà còn chúc nhau cố gắng giữ sức khỏe và có nhiều niềm vui mới.

Hơn ba trăm ngày dồn dập, việc đuổi theo, nỗi lo bài vở, thi thố đuổi theo đã lấy đi của thầy, của trò nhiều giờ phút thảnh thơi quý giá trong quỹ thời gian đời người giới hạn.

Thầy trò như người lính vào trận đánh lớn hỏa mù mĩ từ làm mờ mịt phương hướng để ngày trở về ngộ ra: thế này là thế nào?

Trong những sự đau nhân tình thế thái, có lẽ, kỹ sư tâm hồn đau nhất khi bất lực nhìn con em mình, nhìn trò của mình lao vào học, lao vào thi rồi ba bốn năm học nghề để thất nghiệp.

Trong hàng chục cái khổ tâm lớn, không gì khổ bằng thầy cô biết mình làm việc bất lương, cẩu thả với nghề, lừa dối trò và giả dối với mình, lương tâm cắn dứt mà vẫn nhắm mắt làm hết ngày này tháng khác.

Trong ánh hào vinh quang nghề giáo, cử nhân sư phạm không nhục nhã nào bằng, khi nói một đằng, làm một nẻo.

Chuyện mặn-ngọt-chua-cay từ quà tết của một người thầy ảnh 3

Trường nào dám không đi Tết từ lãnh đạo huyện đến Giám đốc Sở?

Thầy cô im lặng đâu chỉ vì miếng cơm và hạnh phúc gia đình, tương lai con cái đến mức bỏ quên lòng tự trọng.

Biết làm là sai mà vẫn làm; biết đồng nghiệp làm sai mà vẫn phải khen.

Nhục nhã vì sự đớn hèn hay run sợ vì thế lực xấu xa thống trị?

Trong những nỗi hổ thẹn của con người, không có gì hổ thẹn nào bằng, vì tiền, vì sự giàu sang mà thầy cô nhẫn tâm dồn ép học trò học thêm, động viên học trò học thêm.

Không ít thầy cô đớn hèn không đủ dũng khí để xấu hổ khi cho con học tối nhà thầy!

“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, thầy cô cứ kêu hoài, trách người ta hoài mà không biết tự trách mình, không dám nhận lỗi của mình.

Trong hàng tá hờn tủi, thầy cô thấm thía nhất, gần Tết, đứng lặng nhận quà của học trò. Phần lớn các em tranh thủ, gặp đâu trao quà ở đó, với những lời vội vã “nhân dịp Tết đến, chúng em có chút quà tặng thầy cô”

Cũng có những lớp rút kinh nghiệm không biết thầy cô có dùng không mà mua hoặc để thầy cô đỡ vất vả chuyển về, nhờ cô chủ nhiệm trao giùm phong bì. Đúng là nhận thì tủi quá, từ làm sao đây?

Vẫn biết thầy cô nào cũng nhận quà Tết cơ quan, vẫn biết chẳng đáng là bao nhưng tình là chính, tôi và bạn đều cảm ơn và nhận xách về cho đỡ tủi thân.

Giá như, các học trò gặp riêng, dăm ba lời giản dị thì món quà kia sẽ thú vị và ý nghĩa biết bao! Giá như thầy cô cố vấn không nên cầm cả tập phong bì chia đến tận tay đồng nghiệp thì đồng tiền ấy sẽ ý nghĩa biết bao!

Giá như ai cũng hiểu thầy cô để đừng làm gì tổn thương liêm sỉ và lòng tự trọng của họ, thì đời sống tinh thần của nhà giáo sẽ vui mãi mỗi mùa hoa đào nở!

Năm Thân chưa qua, năm Dậu sắp tới, tôi xin chúc quý đồng nghiệp năm mới nhiều niềm vui mới với những món quà ý nghĩa nhất, mới nhất!

Nguyễn Văn Lự