Cô giáo 9X người Mường và những tiết học xuyên biên giới

16/06/2019 06:36
Vũ Ninh
(GDVN) - Năm 2016, Hà Ánh Phượng vừa hoàn thành xong chương trình Thạc sỹ xung phong về công tác tại một trường miền núi theo diện thu hút nhân tài của tỉnh Phú Thọ.

“Nếu anh có viết: Cô thạc sĩ 9x người dân tộc thiểu số và những tiết học xuyên biên giới thì em cũng không có ngại đâu anh.

Trước có anh nhà báo sợ em ngại bị gọi là dân tộc nhưng em thấy tự hào” – Cô giáo Hà Ánh Phượng mở đầu cuộc trò chuyện với những lời như thế.

Vẫn còn nhiều giáo viên như thầy Ninh Văn Dậu
Vẫn còn nhiều giáo viên như thầy Ninh Văn Dậu

Quả thật có tận mắt chứng kiến những “tiết học xuyên biên giới” do cô Phượng đảm nhiệm tại trường Trung học Phổ thông Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) thì mới thấy rất đáng tự hào.

Điều gì khiến cho các em học sinh (mà có đến 80% là người dân tộc thiểu số) lại chăm chú và mong chờ các tiết học tiếng Anh như thế?

Tất cả là nhờ nỗ lực tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy và đặc biệt là tạo ra một môi trường học tập tiếng Anh năng động, thú vị.

Và không ai khác người tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để dạy tiếng Anh tại một trường miền núi thuộc tỉnh Phú Thọ là cô Hà Ánh Phượng.

Năm 2016, cô Phượng xung phong về trường cấp 3 Hương Cần. Nặng lòng với học sinh nơi đây cô luôn suy nghĩ làm cách nào để các em có thể học giỏi tiếng Anh và yêu thích tiếng Anh.

Nghĩ là làm cô vận dụng những kiến thức đã góp nhặt trong giảng đường Đại Học, vận dụng và xây dựng một môi trường học tập tiếng Anh chủ động, thông minh và sáng tạo.

Cách dạy và học tiếng anh của cô Phượng áp dụng hình thức học trực tuyến thông qua diễn đàn giáo viên quốc tế.

Lớp học tiếng Anh "xuyên biên giới" của cô trò Hà Ánh Phượng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Lớp học tiếng Anh "xuyên biên giới" của cô trò Hà Ánh Phượng (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Theo cô Phượng: Hình thức học tập này cô đã tiếp xúc từ 4 năm trước. Nhưng năm 2018 là năm đầu tiên cô áp dụng hình thức dạy và học tiếng Anh này tại ngôi trường cô đang công tác.

Phương pháp học tiếng Anh này đơn giản chỉ cần một chiếc laptop, một tài khoản skype và tham gia diễn đàn giáo viên toàn cầu và một đường truyền internet ổn định là có thể kết nối với hàng tỷ giáo viên, học sinh trên toàn thế giới.

So với hiệu quả thì phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn với cách dạy tiếng Anh truyền thống.

Sự hiệu quả này không cần phải thể hiện thông qua những con số, những thống kê.

Chỉ cần nhìn vào nét mặt hào hứng của học sinh trong mỗi giờ tiếng Anh cô Phượng đứng lớp, tiếng cười nói và giao lưu với các bạn năm châu bốn biển là có thể hiểu.

Học sinh của cô Phượng sau một năm học theo mô hình này đã không còn rụt rè và rất tự tin giao tiếp với những người bạn nước ngoài.

Tiết học tiếng Anh được lồng ghép với những hoạt động giao lưu văn hóa sôi nổi (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Tiết học tiếng Anh được lồng ghép với những hoạt động giao lưu văn hóa sôi nổi (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Phượng tâm sự : “Phương pháp học này rất hiệu quả. Đầu tiên sẽ tạo một môi trường học tập ngoại ngữ cho học sinh.

Học sinh sẽ có cơ hội được giao tiếp và tìm hiểu văn hóa với các bạn đồng trang lứa trên toàn thế giới.

Không phải theo kiểu có một ông Tây nào đó nói chuyện với các em mà sẽ kết nối với các lớp học trên toàn cầu.

Vào mỗi buổi học khác nhau tôi sẽ cho các em học những chủ đề tự do hoặc lựa chọn chủ đề tương đương để kết nối với các trường khác trên thế giới”.

Hà Nội thi viết về Tấm gương Nhà giáo Thủ đô tiêu biểu
Hà Nội thi viết về Tấm gương Nhà giáo Thủ đô tiêu biểu

Những tiết học tiếng Anh hiệu quả. Học sinh được trải nghiệm học và du lịch qua màn ảnh nhỏ.

Thi thoảng các em còn tổ chức những buổi nấu ăn hoặc thuyết trình về văn hóa của dân tộc mình với bạn bè trên thế giới.

Một học sinh ở Mỹ, một học sinh ở Ấn Độ, một học sinh ở Việt Nam...Khác màu da, khoảng cách địa lý xa xôi nhưng có thể nhìn thấy nhau mỗi ngày, giao tiếp và kể cho nhau nghe những câu chuyện văn hóa, học tập và cuộc sống thường ngày.

Cô Phượng xứng đáng được gọi là "cô giáo 4.0", đại diện cho một hình mẫu giáo viên trẻ trung, năng động và ứng dụng yếu tố công nghệ phục vụ công tác giảng dạy.

Ngược dòng về những năm 2009, khi đó cô Hà Ánh Phượng đã ghi danh tên mình vào Giải thưởng Hoa Trạng Nguyên- một trong những giải thưởng vinh danh những gương mặt xuất sắc nhất khối Trung học Phổ thông trên cả nước.

Cô thi đỗ Trường Đại học Hà Nội với ước mơ cháy bỏng được đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp giáo dục.

Điều gì khiến cho một Thạc sỹ trẻ, cầm trong tay tấm bằng giỏi lại quyết định trở về quê hương và theo đuổi con chữ. Phải chăng đó là tình yêu nghề và sự công hiến cho ngành giáo dục.

Cô Phượng luôn muốn những học sinh của mình dù là học sinh nghèo, học sinh dân tộc phải có cơ hội được học tập, được trải nghiệm và trang bị vốn sống.

Bởi học tiếng Anh không phải chỉ nghe, nói, đọc viết. Mà học tiếng Anh còn là cơ hội để tìm hiểu văn hóa các quốc gia trên thế giới.

Cô Phượng đang giao lưu và giảng dạy với một lớp học tại Mỹ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cô Phượng đang giao lưu và giảng dạy với một lớp học tại Mỹ (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Phượng cho rằng việc xây dựng một môi trường học tập ngoại ngữ là cái thức tế nhất. Cô cho biết:

“Bản thân tôi tin việc học tiếng Anh phải bắt đầu từ việc tạo ra một môi trường học tập.

Ngay như các em học sinh của tôi. Thời gian đầu các bạn còn ngại khi kết nối với các nước khác.

Nhưng bây giờ các em đã tự tin hơn. Nhiều hôm còn yêu cầu cô cho kết nối với học sinh ở nước này, nước khác hay mạnh dạn nói bạn kia xinh, bạn kia giỏi. Các em đã tự tin và không còn sợ giao tiếp nữa”.

Học sinh được nói chuyện với nhau! Thích lắm. Trong căn phòng học chừng 40m2 những học sinh râm ran giao tiếp với những bạn nước ngoài.

Bản thân cô Phượng cũng dành nhiều thời gian để tham gia giảng dạy các lớp học tại những quốc gia như Ấn Độ, Hoa Kỳ, các quốc gia châu Phi...Cô Phượng đang dạy cho rất nhiều học sinh tại khu ổ chuột của Ấn Độ.

Điều làm cô cảm thấy thực sự thích thú và say mê đó chính là văn hóa đa dạng của các quốc gia trên thế giới.

Cô tâm sự: “Tôi cũng có cơ hội được dạy cho học sinh trên toàn thế giới từ nước Mỹ hoa lệ cho đến các khu ổ chuột ở Ấn Độ.

Các buổi dạy như thế sẽ giúp mình tăng cường được vốn kiến thức, biết nhiều hơn về cách tổ chức lớp học cũng như có thể trang bị tốt kỹ năng nghiệp vụ”.

Những thành công từ phương pháp dạy của cô Hà Ánh Phượng đang được Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ ghi nhận.

Bên cạnh công việc giảng dạy hàng ngày, cô Phượng còn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm dạy học cho các đồng nghiệp tại Phú Thọ và nhiều tỉnh khác.

Học sinh có cơ hội giới thiệu văn hóa dân tộc, quốc gia đến với bạn bè năm châu (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Học sinh có cơ hội giới thiệu văn hóa dân tộc, quốc gia đến với bạn bè năm châu (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cá nhân người viết và cô Hà Ánh Phượng đều đồng tình mô hình dạy học tiếng Anh đang được áp dụng tại trường cấp 3 Hương Cần nên được nhân rộng vì có rất nhiều ưu điểm.

Thứ nhất: Tạo ra một môi trường học tiếng Anh sáng tạo và thú vị dành cho các em học sinh. Các em không chỉ được giao tiếp mà còn học được văn hóa, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia.

Thứ hai: Chi phí đầu tư không quá tốn kém chỉ cần một nick skype, một laptop và một đường truyền ổn định là có thể tham gia diễn đàn giáo viên quốc tế.

Thứ ba: Mô hình này còn giúp cho các giáo viên nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiệp vụ thông qua việc giảng dạy tại một số quốc gia.

Thứ tư: Nguồn thông tin rất đáng tin cậy do nhiều nước họ có một cơ chế xét tuyển giáo viên vô cùng chặt chẽ.

Cô Hà Ánh Phượng bày tỏ: “Theo tôi mô hình này cực kỳ đáng để nhân rộng. Đối với một trường miền núi như Hương Cần không có điều kiện để thuê người nước ngoài về.

Chúng tôi tổ chức các buổi học như thế này tiết kiệm rất nhiều. Nguồn giáo viên trên diễn đàn cũng rất chất lượng và được kết nối chặt chẽ. Trên đấy sẽ có tên trường, thông tin giáo viên, thông tin lớp học.

Các thầy cô muốn tham gia chỉ cần lập một cái nick skype. Các thầy cô chỉ cần học một buổi là làm được hết.

Chi phí đầu tư không tốn kém vì hầu như hiện nay giáo viên nào cũng có laptop và các trường đều có hệ thống kết nối internet”.

Những tiết học tiếng Anh xuyên biên giới do cô Phượng đứng lớp vẫn hàng ngày đi du lịch 5 châu 4 biển.

Cảm ơn những cô giáo 4.0 hiện đại, trẻ trung và sáng tạo như cô Phượng.

Nhờ đó sự học mới vươn xa đến cả những vùng khó khăn, nghèo đói. Suy cho cùng triết lý của giáo dục chính là: “Không biên giới”.

Vũ Ninh