Có giáo viên ở trường cao đẳng cả kỳ học, năm học không có nổi một tiết đứng lớp

26/08/2019 06:45
Thùy Linh
(GDVN) - Theo Thạc sĩ Lê Thị Ngoãn, việc các trường cao đẳng sư phạm địa phương phần lớn lại trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo nên còn nhiều bất cập.

Ngành sư phạm là một ngành đào tạo nghề - nghề giáo nên việc đào tạo nghề phải phù hợp với nhu cầu xã hội.

Vì vậy, cần cân nhắc cách làm ra sao để tránh đào tạo ra những cử nhân thất nghiệp, nhất là thất nghiệp không phải vì các em yếu kém mà do các môn này đang thừa giáo viên

Đặc biệt, khi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu quyết tâm ngành sư phạm sẽ tuyển được những thí sinh ưu tú nhất, điểm đầu vào sư phạm nằm trong top đầu, thì thực trạng câu chuyện buồn ở các trường cao đẳng sư phạm địa phương vẫn diễn ra. Đó là vấn đề tuyển sinh đầu vào và vấn đề sinh viên cao đẳng sư phạm ra trường không xin được việc làm. 

Nhiều trường cao đẳng sư phạm cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn tuyển. (Ảnh minh họa: VOV)
Nhiều trường cao đẳng sư phạm cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn tuyển. (Ảnh minh họa: VOV)

Trước thực tế này, Thạc sĩ Lê Thị Ngoãn – Trường Cao đẳng sư phạm Nam Định chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam những băn khoăn về thực trạng các trường cao đẳng sư phạm địa phương trong bối cảnh hiện nay.

Được biết, đối với hệ cao đẳng, sau khi các trường cao đẳng nghề, trường dạy nghề chuyển về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quản lý thì Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ còn quản lý các trường cao đẳng sư phạm.

Tuy nhiên, theo cô Ngoãn, việc các trường cao đẳng sư phạm địa phương phần lớn lại trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo nên còn nhiều bất cập. 

Cụ thể, cô Ngoãn nêu, do xiết chặt biên chế, Sở Giáo dục và Đào tạo quy định trường cao đẳng sư phạm không được tuyển mới giáo viên nhưng phải nhận giáo viên do Sở điều động, khâu tuyển dụng giáo viên do Sở tuyển dụng, trường cao đẳng sư phạm chỉ nhận giáo viên do Sở Giáo dục và Đào tạo điều về.

Giáo sư Trần Hồng Quân: Các trườnng sư phạm nên theo hướng đa ngành nghề
Giáo sư Trần Hồng Quân: Các trườnng sư phạm nên theo hướng đa ngành nghề

Hơn nữa, trường cao đẳng sư phạm có chức năng đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và bồi dưỡng nghiệp vụ Quản lý giáo dục cho Hiệu trưởng, Hiệu phó, cán bộ nguồn trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;

Tuy nhiên, trường cao đẳng sư phạm lại chưa được Sở xem như một chủ thể trong việc cập nhật, bồi dưỡng việc đổi mới chương trình, phương pháp dạy học ở trường mầm non, phổ thông.

Vì thế trường cao đẳng sư phạm chưa phát huy được hết vai trò của mình trong việc đổi mới Giáo dục ở mầm non và phổ thông. 

Tình hình này có thể cải thiện và phụ thuộc vào mối quan hệ của lãnh đạo nhà trường với lãnh đạo Sở và các phòng chức năng của Sở.

Đặc biệt, trong xây dựng chương trình kế hoạch bồi dưỡng giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giữa trường cao đẳng sư phạm với Sở chưa thật sự thống nhất nên vai trò của các trường cao đẳng sư phạm chưa được đề cao.

Do đó, hiện nay trường cao đẳng sư phạm vẫn chưa được bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Mà hiện nay lượng sinh viên ít nên vấn đề đào tạo lại của các trường cao đẳng sư phạm là vấn đề đáng được quan tâm sẽ giải quyết được việc làm cho giáo viên.

Cùng với đó, cô Ngoãn cũng cung cấp thông tin thêm rằng, nhiều trường cao đẳng sư phạm cho biết đang gặp rất nhiều khó khăn về nguồn tuyển.

Bởi lẽ, hiện nay trên địa bàn cả nước có quá nhiều trường đại học công lập và tư thục, số lượng tuyển sinh hàng năm quá lớn nên đã thu hút gần hết học sinh của tỉnh.

Và sinh viên học trường cao đẳng sư phạm ở tỉnh rất khó tìm kiếm việc làm, lý do là họ không được tuyển vào viên chức nhà nước.

Tăng sĩ số học sinh để giảm biên chế giáo viên là lợi bất cập hại

Cô Ngoãn nêu ví dụ: Ở Tỉnh Nam Định vài năm gần đây không tuyển giáo viên Trung học cơ sở nên số lượng học sinh vào học ngành Trung học cơ sở ở trường Cao đẳng sư phạm Nam Định là rất ít, có rất nhiều ngành trong nhiều năm không tuyển được sinh viên.

Trong tình trạng các trường cao đẳng sư phạm tuyển sinh khó khăn, lượng sinh viên ít, giáo viên không có việc làm, có giáo viên cả kỳ học, năm học không có một tiết đứng lớp do không tuyển được sinh viên ngành đào tạo. 

Hiện nay, dù đã bố trí kiêm nhiệm, phụ trách thêm công tác đoàn, hội, chuyển giáo viên lên làm phòng ban và giữa các đơn vị trong trường nhưng đơn vị không thể giải quyết hết việc làm cho số giảng viên không có giờ dạy. Đây là nguồn lao động chuyên môn cao, trình độ thạc sĩ là đa số, không nằm trong diện tinh giản biên chế. 

Do đó, hiện nay vấn đề tạo động lực làm việc cho giảng viên các trường cao đẳng sư phạm là cần thiết để các giáo viên vẫn tìm ra hướng đi và gắn bó với nghề mình đã chọn. Chính vì vậy, cô Ngoãn đề xuất 5 giải pháp. 

Thứ nhất, trang bị cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, bổ sung nâng cấp, đầu tư hệ thống phòng thực hành, phòng thí nghiệm bằng các dự án, chương trình…sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Thứ hai, có sự thống nhất chỉ đạo về chủ trương từ Đảng ủy, Ban giám hiệu và các tổ chức đoàn thể để triển khai kịp thời các văn bản nhằm tăng cường nhận thức, động viên và quán triệt, tuyên truyền và chỉ dẫn lộ trình đổi mới.

Thông qua các diễn đàn sinh hoạt chuyên đề của Đảng ủy, chính quyền, công đoàn, nhà trường đã đề ra các biện pháp, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới trong giáo dục.

Thứ ba, nhà trường có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các giảng viên đi học tiến sĩ, thạc sỹ, các giảng viên làm đề tài nghiên cứu khoa học, viết tài liệu giảng dạy. Tích cực đầu tư cơ sở vật chất cải thiện môi trường làm việc cho cán bộ, giáo viên.

Nhà trường đã mở các lớp bồi dưỡng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và nghiên cứu, tổ chức các hội nghị chuyên đề, thúc đẩy hoạt động đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường.

Thứ tư, các hoạt động trọng tâm nhằm tăng cường bồi dưỡng giáo viên về chuyên môn.

Thứ năm, cần có giải pháp mạnh tác động tác động đến nhận thức, lợi ích của giáo viên để tăng tính cạnh tranh trong hoạt động giảng dạy ở các trường cao đẳng sư phạm.

Ví dụ, với tình trạng không có sinh viên như hiện nay, được sự ủng hộ của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định và của Ban giám hiệu Trường Cao đẳng sư phạm Nam Định, Ban chủ nhiệm khoa Tự nhiên của trường Cao đẳng sư phạm Nam Định đã phối hợp với các trường trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Nam Định để các giáo viên trong khoa xuống trường dạy học theo định hướng giáo dục STEM cho đối tượng học sinh các trường trung học cơ sở được đánh giá đạt chất lượng cao, tạo việc làm, trau dồi trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên trong khoa và nhà trường.

Thùy Linh