Còn tâm lý kèn cựa từng điểm số, hành trình đổi mới đánh giá cần có thời gian

07/12/2020 06:03
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, học sinh là sản phẩm chịu sự tác động của nhiều phía nên nhận thức về đánh giá của các em chịu ảnh hưởng của dư luận xã hội, gia đình...

Một trong những vấn đề quan trọng của đổi mới giáo dục là giảm áp lực thi cử, tăng cường nhận xét, đánh giá học sinh, hướng tới mục tiêu phát huy phẩm chất, năng lực học sinh.

Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ra đời đã sửa đổi, bổ sung một số điều về Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT có nhiều thay đổi so với trước đây.

Số lượng bài kiểm tra định kỳ của các môn học giờ đây chỉ còn bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ nên sẽ giảm áp lực cho đội ngũ giáo viên đứng lớp và học sinh.

Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lộ trình cụ thể theo từng năm học, đồng thời quy định cụ thể về nội dung đánh giá, phương pháp đánh giá, các loại đánh giá, việc sử dụng kết quả đánh giá,…

Tuy nhiên, những quy định mới về nhận xét, đánh giá học sinh vẫn còn xa lạ với nhiều giáo viên. Trên thực tế, quá trình đánh giá học sinh như thế nào, những lưu ý trong việc đánh giá học sinh vẫn là vấn đề được nhiều giáo viên quan tâm.

Xoay quanh vấn đề này, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Giáo sư Huỳnh Văn Sơn cung cấp)

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn – Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Giáo sư Huỳnh Văn Sơn cung cấp)

Phóng viên: Thưa Giáo sư, một trong những mục tiêu hướng tới của đổi mới giáo dục hiện nay là giảm tải áp lực thi cử.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định mới về quy chế đánh giá, nhận xét học sinh, giảm số đầu bài kiểm tra so với trước đây, thầy đánh giá như thế nào về những quy định mới về việc tăng cường đánh giá, nhận xét học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo?

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn: Trước hết, phải thừa nhận rằng việc đổi mới đánh giá là một trong những vấn đề trọng tâm trong đổi mới giáo dục và cũng là vấn đề mang tính thách thức.

Bàn về những thay đổi liên quan đến đánh giá, nhận xét học sinh, tôi có thể khẳng định ngành Giáo dục đã có thay đổi rất đáng kể và cần được ghi nhận.

Từ Thông tư đánh giá về học sinh tiểu học số 30/2014/TT-BGDĐT hướng dẫn về đánh giá học sinh tiểu học đến Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh tiểu học cho thấy đánh giá bằng nhận xét là một đổi thay rất đáng kể.

Mới đây, Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung một số điều của quy định đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông; Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT ban hành quy định đánh giá học sinh tiểu học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho thấy Bộ rất quan tâm đến các vấn đề cơ bản về đánh giá.

Một số quy định rất rõ về: số lần đánh giá, các loại kiểm tra đánh giá, số điểm và cách cho điểm, danh hiệu học sinh... đều được hướng dẫn cập nhật theo hướng hiện đại và nhân văn. Hoặc với học sinh tiểu học, các quy định và hướng dẫn về đánh giá theo yêu cầu cần đạt với lộ trình từng năm học cho thấy sự định hướng rõ ràng và có căn cứ. Chúng ta cần ghi nhận tất cả những sự thay đổi này về mặt quản lý.

Phóng viên: Trên thực tế, ở hầu hết các trường học, giáo viên đã quen với việc cho học sinh làm bài kiểm tra, cho điểm số trên từng đầu bài kiểm tra và lấy điểm số làm cơ sở cho kết quả học tập.

Theo Giáo sư, với những quy định mới về việc tăng cường đánh giá, nhận xét, liệu có gây khó khăn cho giáo viên hay gặp phải những bất cập nào trong quá trình chúng ta áp dụng vào thực tiễn không ạ?

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn: Nhìn nhận một cách khách quan thì tâm lý của nhiều người vẫn còn quan niệm khá nặng nề kiểu: học gì thi nấy, thi sao học vậy; phải khẳng định mình thông qua thi cử, kèn cựa từng điểm số, từng vị thế qua con điểm; so sánh qua điểm số đánh giá...

Chính vì vậy, hành trình đổi mới đánh giá rất cần có thời gian. Chúng ta phải hiểu rằng, sự thay đổi đánh giá cần có sự thay đổi từ nhận thức đến thái độ và hành động… Và những gì liên quan đến con người thì không thể đổi thay nhanh chóng trong một năm để đạt kỳ vọng, nhất là về quan niệm.

Nếu nhận xét, đánh giá hiệu quả, khách quan, tích cực, chắc chắn học sinh sẽ cảm thấy ý nghĩa tích cực của đánh giá với quá trình phát triển.

Xin chia sẻ về quan điểm đánh giá phát triển mà chúng tôi đã từng tìm hiểu và được bồi dưỡng để khẳng định về những giá trị của đánh giá.

Hiểu một cách giản đơn, đánh giá phát triển là đánh giá xem năng lực và một số biểu hiện khác của bản thân mình đang ở mức nào, từ đó tiếp tục phát triển, hoàn thiện bằng những định hướng, chiến lược phù hợp, hiệu quả.

Phóng viên: Thưa giáo sư, trước những khó khăn, thách thức đó, quá trình triển khai nhận xét, đánh giá học sinh cần lưu ý những vấn đề gì ạ?

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn: Như tôi đã chia sẻ, quá trình đổi mới giáo dục cũng như đổi mới việc nhận xét, đánh giá học sinh cần phải có thời gian, và có một số điểm cần phải lưu ý.

Một là, muốn tổ chức đánh giá hiệu quả, người được đánh giá cần thấu hiểu sâu sắc về ý nghĩa của đánh giá.

Hiện nay, học sinh là sản phẩm chịu sự tác động của nhiều phía nên nhận thức về đánh giá của các em chịu ảnh hưởng của dư luận xã hội, gia đình, cho nên đây là vấn đề cần quan tâm.

Hai là, trong đánh giá có khả năng tự đánh giá. Tự suy ngẫm và tự đánh giá là việc học sinh tự đưa ra các quyết định đánh giá về công việc và sự tiến bộ của bản thân.

Hai hình thức đánh giá này góp phần thúc đẩy học tập suốt đời, bằng cách giúp học sinh đánh giá thành tích học tập của bản thân và của bạn một cách thực tế, không khuyến khích sự phụ thuộc vào đánh giá của giáo viên.

Tự đánh giá rất hữu ích trong việc giúp học sinh nhận thức sâu sắc về bản thân, nhận ra được điểm mạnh và điểm yếu của mình. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm thiết thực để điều chỉnh hoạt động học kịp thời.

Vì vậy, tự suy ngẫm, tự đánh giá cần được diễn ra trong suốt quá trình học tập và được sử dụng như một phần của đánh giá quá trình. Tôi cho rằng, khả năng này của học sinh cần được quan tâm nhiều hơn nữa.

Ba là, các văn bản nhất là thông tư hướng dẫn về đánh giá khá rõ ràng và cụ thể, trách nhiệm của các giảng viên bồi dưỡng và các giáo viên cần tiếp cận thông tư, tìm hiểu, nắm chắc và triển khai trong thực tiễn sao cho chính xác và hiệu quả...

Phóng viên: Thưa Giáo sư, giáo dục Việt Nam vẫn đang đặt nặng vấn đề thi cử, xã hội chúng ta từ phụ huynh, giáo viên, nhà trường,... vẫn luôn coi trọng thành tích, thành tích từ điểm số, liệu đó có phải là một trong những rào cản đối với việc đổi mới giáo dục, cụ thể là những đổi mới về thi cử, đánh giá, nhận xét học sinh không ạ?

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn: Tôi cho rằng đây là câu hỏi khá hay: Nếu vẫn coi trọng thành tích, đó là một trong những nguyên nhân khiến cho việc đổi mới thi cử khó thực hiện. Nếu đây là quan điểm, hơn thế nữa là văn hóa thì chúng ta cũng cần nhìn hai mặt.

Một mặt nó có giá trị tích cực khi thôi thúc học sinh nói riêng, con người nói chung trong học tập và khẳng định mình. Mặt khác, nó có thể làm con người bị áp lực và chọn thi cử hay điểm số và sự đỗ đạt làm đích đến.

Nguyên nhân khiến việc đổi mới đánh giá hay thi cử gặp khó khăn có thể nói còn khá nhiều vấn đề khác như: kỹ năng đánh giá của giáo viên, xử lý kết quả đánh giá trong mối quan hệ với các bên có liên quan, tiếp nối kết quả đánh giá chuyển giao giữa các lớp, xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân sau đánh giá...

Tất cả những điều này tựu trung lại cho thấy: đánh giá là một hoạt động rất khó khăn và thách thức đòi hỏi giáo viên phải vững vàng và có nhận thức về nghề một cách đúng nghĩa. Đánh giá, nhận xét còn phụ thuộc vào văn hóa của chúng ta, cho nên, cần có sự thay đổi tuần tự, điều chỉnh sao cho chắc chắn và hiệu quả theo điểm đến.

Phóng viên: Thưa Giáo sư, ngành Giáo dục đã có những thay đổi tích cực như hạn chế số điểm kiểm tra, thay vào đó là tăng cường đánh giá, nhận xét và điều chỉnh số lần đánh giá, hình thức đánh giá, cách thức ra đề, cho điểm…

Tuy nhiên, quy định mới được đưa vào triển khai thực hiện chắc hẳn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, như thầy cũng đã nói, giáo viên là người phải rất thuần thục về đánh giá, vậy có những giải pháp cụ thể nào cho vấn đề này?

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn: Giải pháp về con người là giải pháp rất quan trọng bởi chúng tôi cho rằng, các thông tư - hành lang pháp lý cơ bản đã đảm bảo đủ để chúng ta thực hiện đánh giá theo quan điểm đổi mới. Vì thế, tôi xin tiếp cận từ góc độ đào tạo và bồi dưỡng.

Thứ nhất, giáo viên của chúng ta tốt nghiệp từ nhiều năm đến mới tốt nghiệp nên quá trình bồi dưỡng cần phải tuần tự và chắc chắn. Hiện nay, Trường Sư phạm đang tiến hành bồi dưỡng cho giáo viên cốt cán toàn quốc mô đun 3 về kiểm tra, đánh giá.

Cụ thể như Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai công tác bồi dưỡng về đánh giá cho gần 7.500 giáo viên cốt cán được chọn lọc ở các Sở Giáo dục và Đào tạo từ 19 tỉnh thành khu vực phía Nam.

Sau đó, 7.500 giáo viên này cùng với giảng viên sư phạm sẽ hướng dẫn đồng nghiệp lại về đánh giá dựa trên khóa học trực tuyến có kiểm tra, giám sát, tư vấn và hỗ trợ cụ thể.

Cách làm này có thể đảm bảo một phương thức: đơn nguồn. Lẽ nhiên, sau tập huấn, bồi dưỡng, cũng cần tiếp tục có khảo sát để bồi dưỡng chuyên sâu hay các giải pháp cập nhật.

Song song đó, Vụ Giáo dục phổ thông cũng đã có những động thái quyết liệt như hỗ trợ các tổ trưởng chuyên môn, chuyên gia giáo dục phổ thông, cán bộ mạng lưới, Phó hiệu trưởng chuyên môn về nội dung đánh giá thông qua các cuộc tọa đàm, chia sẻ và tập huấn bổ trợ theo cụm cho thấy những sự đầu tư khá bài bản.

Về nhóm lực lượng giáo viên trong tương lai, nhà trường sư phạm cần cập nhật ngay những vấn đề về đánh giá để đào tạo cho sinh viên và quán triệt tối đa các tư tưởng hiện đại và nhân văn về đánh giá, bởi đây là những giáo viên trẻ, ảnh hưởng khá nhiều đến học sinh phổ thông, trẻ em mầm non trong lộ trình làm nghề ở tương lai.

Phóng viên: Nhiều người nhận định rằng, đổi mới đánh giá, thi cử là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo Giáo sư, để đổi mới đánh giá, chúng ta cần thay đổi về tư duy, cách thức triển khai như thế nào ạ?

Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn: Xin khẳng định rằng việc đánh giá ban đầu về chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn là quá sớm vì chúng ta mới chỉ triển khai lớp 1 vài tháng trong bối cảnh dịch Covid vẫn còn.

Việc đánh giá không thể tách rời khỏi bối cảnh cho nên trẻ em mẫu giáo 5 tuổi gần hơn 6 tháng không đến trường mầm non hay việc đánh giá đạt chuẩn 5 tuổi vẫn chưa thật sự đảm bảo do mùa dịch nên không thể kết luận chủ quan.

Bởi đánh giá có đạo đức và có luận cứ đòi hỏi phải khách quan, khoa học, có minh chứng và có điểm đến, tránh những lệ hụy...

Với sự đầu tư của từng Sở, việc thay đổi về quan điểm của người lãnh đạo, của Ban giám hiệu và các cán bộ chuyên môn ở Sở, Phòng sẽ là một trong những tác động quan trọng để thay đổi đánh giá được thực thi và đây là cơ sở để việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có hành lang an toàn và thuận lợi.

Trân trọng cảm ơn thầy!

Phạm Minh