Đây là hiện thực ở lớp tập huấn giáo viên, các lãnh đạo có biết không?

11/08/2017 13:22
Đỗ Quyên
(GDVN) - Người cần tiếp thu để nắm chắc kiến thức của các đợt tập huấn lại không được trực tiếp lắng nghe mà phải nghe lại thông qua một số chuyên viên cấp Phòng, Sở...

LTS: Phản ánh thực tế công tác tập huấn, bồi dưỡng của các cán bộ quản lý, giáo viên hiện nay, cô giáo Đỗ Quyên cho rằng ngành giáo dục đang đi ngược lại quy trình.

Cũng theo tác giả, các giáo viên luôn mong muốn chính họ sẽ được trực tiếp nghe các chuyên viên cấp bộ, những người làm chương trình trực tiếp chia sẻ, giải đáp các thắc mắc xoay quanh vấn đề họ vừa được tập huấn chứ không phải nghe lại qua một người nào khác nữa.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mỗi lần thay sách giáo khoa, hay cần triển khai một mô hình, một phương dạy học mới, ngành giáo dục luôn tổ chức công tác tập huấn (được hiểu đó là sự chuyển giao nội dung, kĩ thuật) tới người thực hiện.

Có điều chuyện tập huấn xưa nay trong ngành giáo dục đang đi ngược với quy trình “người trực tiếp thực thi - góp phần quyết định sự thành bại của việc đổi mới lại bị xem nhẹ hơn những người đóng vai trò chỉ đạo”.

Phân tầng tập huấn 

Tập huấn thường được phân tầng từ cấp cao đến cấp thấp. Đầu tiên là cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện thị và cuối cùng là cấp cơ sở trường học. Mỗi cấp, đối tượng được cử đi tập huấn đều khác nhau. 

Chẳng hạn, tập huấn cấp trung ương thường là chuyên viên cấp tỉnh, cấp phòng. Những vị chuyên viên này chủ yếu sẽ về tập huấn lại cho Ban giám hiệu và một số tổ trưởng các trường học.

Sau cùng, Ban giám hiệu, tổ trưởng cũng trở thành báo cáo viên tập huấn đại trà cho tất cả các giáo viên trong toàn huyện thị đó. Nếu tính từ đợt tập huấn đầu tiên (cấp trung ương) đến đợt tập huấn cuối cùng là trường học, phải trải qua 3 đợt tập huấn với các nhóm đối tượng khác nhau.

Đây là hiện thực ở lớp tập huấn giáo viên, các lãnh đạo có biết không? ảnh 1

Tập huấn, bồi dưỡng, thầy cô giáo chán ngán đến… cổ

Những người đầu tiên được tập huấn trực tiếp từ các nhà làm chương trình, các chuyên gia và chuyên viên giáo dục, vì thế, những người tham gia tập huấn sẽ tiếp thu được khoảng 80% yêu cầu từ người truyền đạt. 

Từ 80% tiếp thu của mình, họ tiếp tục truyền thụ lại cho những người tiếp theo. Lúc này, người lĩnh hội chỉ còn được khoảng 60% nội dung yêu cầu. 

Và từ 60% này, khi truyền thụ đến giáo viên thử hỏi thầy cô sẽ học, sẽ tiếp thu được bao nhiêu phần trăm? Gặp người truyền đạt tốt, người nhanh nhạy may ra được 50%, còn người truyền đạt dở, người tiếp thu chậm hơn có khi chỉ còn 20-30% cũng là điều dễ hiểu.

Có lẽ, do kiểu tiếp thu phân tầng như thế mà khi về đến trường để thực hành trên giảng dạy thi mỗi trường làm một kiểu, mỗi người suy nghĩ mỗi cách khác nhau nên cứ sau một đợt trường này thanh tra trường kia hay sau mỗi tiết dự giờ liên trường, liên cụm chuyện cãi nhau giữa cách làm, cách hiểu của các trường cứ loạn cả lên.  

Đã có không ít trường hợp những thắc mắc ấy được tổng hợp gửi lên cấp trên nhưng đôi khi cũng chỉ nhận được câu trả lời “chúng tôi đã đề xuất lên trên và thầy cô cứ chờ khi có câu trả lời”. Cũng có không ít lần, câu hỏi gửi đi mà câu trả lời vẫn cứ biệt tăm mãi.

Sao không thể xem giáo viên mới là đối tượng cần tập huấn trực tiếp?

Người cần tiếp thu để nắm chắc những kiến thức của các đợt tập huấn lại không được trực tiếp lắng nghe từ những người làm chương trình, những chuyên gia giáo dục có kinh nghiệm truyền đạt mà phải nghe lại thông qua một số chuyên viên cấp Phòng, Sở và một số đồng nghiệp.

Hình ảnh một lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ, giáo viên (Ảnh nguồn minh họa: giaoduc.net.vn)
Hình ảnh một lớp tập huấn nâng cao kiến thức cho cán bộ, giáo viên (Ảnh nguồn minh họa: giaoduc.net.vn)

Trong số này, có người chưa một ngày đứng lớp hay chính Ban giám hiệu các trường những người đã nhiều năm xa rời việc giảng dạy. Dù là lãnh đạo nhưng không phải ai cũng có năng lực tiếp thu và truyền đạt, không phải ai cũng có cái nhạy “học một biết mười”. 

Vì xa rời giảng dạy, nhiều người đã không còn nắm bắt kiến thức môn học, khối lớp, không thấy được những bất cập khi sử dụng cái mới vào thực tế…để đặt câu hỏi, để tạo tình huống với báo cáo viên nhằm làm sáng tỏ vấn đề. 

Bởi thế, khi về tập huấn lại nếu gặp giáo viên hay hỏi, hay thắc mắc không ít báo cáo viên đã không thể trả lời và thường tập hợp những câu hỏi ấy lại gửi lên cấp trên để xin ý kiến…Chính điều này đã làm những kiến thức mà giáo viên tiếp thu lại đôi khi không được đầy đủ, đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện của chính các thầy cô sau này.

Một số đề xuất

Theo thông tin năm học 2018-2019 Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thay sách giáo khoa thì việc tập huấn kiến thức, phương pháp triển khai sẽ không tránh khỏi. 

Vì lẽ đó, giáo viên luôn mong muốn chính họ sẽ được trực tiếp nghe các chuyên viên cấp bộ, những người làm chương trình trực tiếp chia sẻ, giải đáp các thắc mắc xoay quanh các vấn đề họ vừa được tập huấn. 

Song song với việc tập huấn trực tiếp như thế, Bộ Giáo dục cũng cần tổ chức tập huấn trực tuyến theo từng vùng miền để chính giáo viên sẽ là người đặt câu hỏi thắc mắc, giao lưu với người làm chương trình. Có như thế những mục tiêu, yêu cầu của Chương trình mới cần triển khai mới có thể được chính các thầy cô lĩnh hội một cách hoàn chỉnh nhất giúp cho việc thực thi đạt kết quả.

Đỗ Quyên