Dạy thêm học thêm- góc nhìn đa chiều từ chính người trong cuộc

23/12/2014 07:10
Anh Minh
(GDVN) - Nếu tuân thủ quy định thì dạy thêm học thêm không có gì là xấu. Tuy nhiên một số giáo viên đã lợi dụng việc này để thu lợi cá nhân thì thực đáng buồn...

Để tiếp tục câu chuyện về dạy thêm học thêm đang được độc giả quan tâm chia sẻ trên Báo Giáo dục Việt Nam những ngày qua, Báo GDVN gửi tới quý độc giả những chia sẻ của các thầy cô giáo - nhưng người trong cuộc để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.

Dạy thêm tùy đối tượng

Cô giáo Đặng Thị Minh H. – giáo viên Trường THCS T.Q (Hà Nội) đã có những chia sẻ thẳng thắn với Báo Giáo dục Việt Nam về vấn đề dạy thêm học thêm đang tạo ra nhiều ý kiến trái chiều hiện nay trong dư luận.

Theo cô H., việc dạy thêm học thêm “tùy đối tượng, nên có nhưng không quá tràn lan”. Cô H. cho rằng, thời gian học ở trên lớp 45 phút/tiết trong khi chương trình quá nặng, giáo viên không thể truyền tải được hết kiến thức đến học sinh, ngay bản thân học sinh cũng gặp vấn đề trong việc hiểu bài.

Đối với việc dạy thêm, học thêm cần phải tùy đối tượng. Với học sinh khá – giỏi thì thôi, còn học sinh yếu – kém thì nên dạy. Tuy nhiên, nếu học sinh khá giỏi có năng khiếu hoặc yêu thích môn học nào thì vẫn nên khuyến khích cho các em học để phát triển năng khiếu và niềm đam mê của mình.

Chương trình nặng, thời gian dạy trên lớp không nhiều, giáo viên khó mà truyền đạt hết kiến thức cho học sinh... Ảnh minh họa (nguồn: tuoitre)
Chương trình nặng, thời gian dạy trên lớp không nhiều, giáo viên khó mà truyền đạt hết kiến thức cho học sinh...  Ảnh minh họa (nguồn: tuoitre)

Đi vào cụ thể chương trình Ngữ văn ở THCS, cô H. bày tỏ: “Chương trình Văn ở THCS như khối 6 thì được, các thể loại học sinh được làm quen từ cấp 1 rồi, còn khối 7 hoặc khối 9 thì quá nặng. Lớp 7 học sinh bắt đầu được làm quen với văn nghị luận, với tác phẩm trung đại. Văn nghị luận là một thể loại mới, mà sau lại sử dụng nhiều trong các đề thi, trong khi văn học trung đại thì thường khó hiểu đối với lứa tuổi các em”.

Do đó, yêu cầu học sinh phải có sự chuẩn bị kĩ lưỡng hơn mới có thể học được. Mặt khác, giáo viên phải dạy nhiều kiến thức hơn, phải chọn lọc những gì cơ bản nhất để dạy.

Cô H. cũng lấy ví dụ thêm: “Chẳng hạn với một bài rất dài lại còn để đi thi nữa, nếu dạy đảm bảo kiến thức cơ bản mà học sinh chưa năng động thì rất khó”.

Dạy thêm học thêm- góc nhìn đa chiều từ chính người trong cuộc ảnh 2Trần tình của một Hiệu phó hơn 10 năm chong đèn dạy thêm

"Nếu nói về đúng nghĩa quy định ấy thì mình đang vi phạm, bởi vì khi giáo viên đang còn đương chức thì không được, nhưng đây mình không phải tổ chức trung tâm".

Cô H. đưa ra 3 lí do khiến học sinh hổng kiến thức trên lớp gồm chương trình trên lớp nặng, nhiều khi chưa truyền tải được hết; học sinh chưa năng động, không chịu khó và cuối cùng các em phải học nhiều môn nên sự chuẩn bị bài có thể chưa được tốt. Do hổng kiến thức nên cần phải bổ trợ thêm.

Điều cuối cùng cô H. cho rằng “dạy thêm học thêm cần nhưng phải tùy đối tượng và tùy vào nội dung dạy thêm”.

Trong khi đó cô giáo Vũ Thị N. – giáo viên một trường tiểu học của tỉnh Phú Thọ chia sẻ: “không cứ ở thành phố mà ngay ở nông thôn, nhiều gia đình có điều kiện hoặc không có điều kiện nhưng người ta quan tâm đến con cái thì vẫn muốn cho con được đi học thêm. Con yếu phần nào, họ muốn con học thêm bổ trợ thêm kiến thức phần đó”.

Cô N. cho rằng, dạy thêm học thêm không xấu do nhu cầu của phụ huynh, nhưng không nên ép buộc.

Làm theo quy định, dạy thêm không có gì là xấu

Cũng là một giáo viên đang công tác tại Trường THPT huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, cô Nguyễn Thị Ch. chia sẻ rằng: “Không thể bỏ dạy thêm được”.

Nói rõ hơn, cô Ch. cho biết, việc dạy thêm học thêm ở dưới xuôi phổ biến hơn ở trên này, tuy nhiên không phải không có. Lý do bởi học sinh vùng cao năng lực hạn chế hơn học sinh dưới xuôi, nhất là khi các em là học sinh dân tộc, tiếng Kinh còn hạn chế.

Cô Ch. cho rằng, nếu học sinh dưới xuôi đi học thêm mong muốn hoàn thiện, mở rộng thêm kiến thức với nhiều mục đích khác nhau thì học sinh vùng cao đi học thêm để đạt được ngưỡng bằng học sinh dưới xuôi. Không cứ gì học sinh cô dạy mà ngay học sinh dân tộc ở những vùng khác đều như nhau, sức học còn kém. 

Với một bài học, học sinh dưới xuôi có thể học hiểu được luôn thì với học sinh trên này, các thầy cô giáo thường phải giảng lại ít nhất 2 lần thì may ra các em mới hiểu được.

Bản thân cô tham gia dạy phụ đạo cho các em buổi chiều ở trường không thu tiền, một tuần 3 đến 4 buổi. Buổi chiều các thầy cô thường dạy lại bài học trên lớp để giúp các em nắm chắc kiến thức hơn.

 “Việc dạy thêm xuất phát từ nhu cầu của người học, có nhiều em mong muốn hiểu biết hơn, muốn thi đậu đại học để thay đổi cuộc sống. Học sinh sẽ tập hợp thành một nhóm và tìm đến nhà cô giáo nào mà các em thấy dạy hay để xin cô dạy cho. Lúc này, giáo viên dạy học theo nhu cầu của học sinh và có thu tiền”. 

Cô Ch. cho rằng Bộ Giáo dục đã có quy định rõ ràng về dạy thêm học thêm thì các thầy cô cứ theo quy định mà làm, có văn bản báo cáo thì việc dạy thêm không có gì là xấu.

Chia sẻ thẳng thắn, cô Ch. cho biết việc thu tiền cũng một phần là để tăng thu nhập cho giáo viên. Tuy nhiên, nhiều giáo viên đã lợi dụng việc này để thu lợi cá nhân, đây thực sự là điều đáng buồn, nhưng không nên đánh đồng tất cả giáo viên nào cũng giống giáo viên nào.

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục vấn đề dạy thêm học thêm trong các bài viết tiếp theo, trân trọng mời độc giả tiếp tục góp ý về vấn đề này.

Anh Minh