Dạy trực tuyến vất vả thật đấy, nhưng thấm gì đâu so với thầy cô vùng khó

11/10/2021 06:43
Hà Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ở thành thị, tôi đã thấy mình và đồng nghiệp thật vất vả khi chuyển sang trực tuyến, nhưng có thấm gì đâu so với thầy cô nơi núi cao, vùng sâu, vùng xa.

Năm học mùa đại dịch 2021-2022 cùng với hơn 1 triệu đồng nghiệp cả nước bước vào năm học mới với chồng chất khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ và đưa năm học về đích thành công.

Ở thành thị, tôi đã thấy mình và đồng nghiệp thật vất vả khi chuyển từ dạy trực tiếp sang trực tuyến, nhưng có thấm gì đâu so với thầy cô nơi núi cao, vùng sâu, vùng xa.

Chúng tôi còn nhàn nhã hơn rất nhiều đồng nghiệp nơi khó khăn

Tôi và các thầy cô giáo ở địa phương đã giảng dạy được gần 1 tháng nay bằng hình thức trực tuyến. Để lớp học được nhiều em tham gia nhất, chúng tôi đã phải nhọc nhằn vô cùng từ trước khi khai giảng năm học mới.

Đầu tiên là việc chạy ngược xuôi học kinh nghiệm bạn bè, đồng nghiệp phần mềm dạy trực tuyến.

Trong bối cảnh dịch bệnh, là địa phương tâm dịch phía Nam nên phụ huynh bị cách ly, giãn cách, phong tỏa nên việc thu phí để có phần mềm dạy “ngon lành” là không thể.

Sở Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các trường chọn và sử dụng phần mềm miễn phí để dạy học. Vì sử dụng phần mềm trực tuyến miễn phí nên phải cân nhắc được hơn, cái tốt, cái hạn chế.

Google meet không giới hạn thời gian nhưng nhiều tính năng không sánh bằng Zoom. Zoom thì hay bị đá văng ra ngoài khi thời gian chỉ giới hạn trong 40 phút. Cân nhắc tới lui, chọn xong phần mềm lại vướng nhiều cái chưa biết khi “chạy” thử.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Thôi thì đủ thứ chuyện: Chia sẻ bài dạy lên làm sao cho màn hình lớn nhất trong Google meet, tắt mic cho học sinh không ồn ào, tắt chát, tắt không cho học sinh nghịch vẽ lên màn hình, không cho các em chia sẻ màn hình, rồi hướng dẫn phụ huynh tải và sử dụng phần mềm…

Đổ mồ hôi hột mới xong thì lại băn khoăn sao kiểm tra, chấm vở học trò đây? Thế là lại lên mạng tìm kiếm các phần mềm trực tuyến để sử dụng việc tạo bài tập, giao và chấm bài cho học sinh.

Chưa hết, sau khi được phân công lớp, giáo viên in danh sách nhà trường gửi qua mail, bàn giao trực tuyến với đồng nghiệp dạy năm trước, vào nhóm zalo lớp gặp phụ huynh, nhiều thầy cô được gặp 70-80% cha mẹ các em là mừng.

Thế là gọi điện tới lui mong sao tất cả đều nghe máy. Có nhiều thầy cô cho biết phải 3, 4 ngày mới “kết nối” được hết phụ huynh của lớp.

Xong là cảm thấy nhẹ nhõm để bắt tay vào soạn giáo án Word, thiết kế bài giảng Powerpoint trình chiếu với những trò chơi, hoạt động sao cho có sự tương tác cao, tạo hứng thú cho học sinh.

Tưởng hỗ trợ, cầm tay chỉ việc tới đó là xong, ai ngờ giáo viên trẻ gọi điện thoại, tin nhắn “cầu cứu”.

Có em hỏi: “Thầy ơi, dạy trực tuyến nhiều phụ huynh ngồi bên con cùng học còn hơn dự giờ, em không biết làm sao?”.

Hay em khác: “Nói và dặn kĩ lắm rồi mà phụ huynh nam ngồi bên con không mặc áo, em khớp luôn thầy”.

Em thì: “Nay em dạy xong cả cô trò oải luôn, toát cả mồ hôi”… Đúng là dạy trực tuyến có hàng trăm con mắt theo dõi làm giáo viên trẻ lúng túng là khó tránh khỏi. Chưa rành sử dụng phần mềm, kinh nghiệm dạy học chưa nhiều nên các thầy cô rất vất vả.

Mấy hôm nay, gọi điện, nói chuyện Zalo, nhắn tin Facebook, kết nối trực tuyến qua các phần mềm, tôi mừng vì bạn bè đồng nghiệp mình đã quen, thành thục hơn và bắt nhịp được với dạy học trực tuyến.

Học sinh học trực tuyến cũng tăng dần và cảm thấy đã thích ứng với việc học. Cả những vui buồn “dở khóc dở cười” về dạy trực tuyến kể cho nhau nghe không biết chán và có khi ôm bụng cười.

Đúng là một năm học lịch sử đáng nhớ trong cuộc đời của những người làm nghề giáo chúng tôi.

Khâm phục lòng nhiệt huyết của thầy cô nơi núi cao, vùng sâu, vùng xa trong đại dịch

Một đồng nghiệp lớn tuổi gửi cho tôi hình ảnh một bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam “Không thể dạy qua tivi, trực tuyến thì thầy cô đến tận nhà giao bài, hướng dẫn”.

Thầy nói: “Những ngày này đọc báo, tôi thương các thầy cô miền núi, vùng xa quá. Họ sống thiếu thốn trăm bề mà vẫn vui vẻ cống hiến cho nghề. Nghĩ lại, anh em mình ở thành thị chẳng thấm tháp gì so với những vất vả của đồng nghiệp những nơi đó.

Vậy mà nhiều giáo viên trường mình còn đề nghị nhà trường tính giờ dạy trực tuyến bằng 2, 3 lần tiết dạy trực tiếp. Trong mùa dịch phải chung tay cùng nhau để ngành giáo dục của mình không bị lỡ nhịp một năm”.

Chỉ một bài báo trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam gói gọn vài trăm chữ và 8 ảnh thôi đã nói lên một bức tranh vượt khó của thầy trò nơi đại ngàn mùa đại dịch.

Nhiều thầy cô giáo ở Gia Lai, Kon Tum phải băng rừng, nội suối, tới các vùng xa, đi đến từng bản, gõ cửa từng nhà giao bài tập, sách vở cho học sinh, dạy từng nhóm nhỏ để các em theo kịp bạn miền xuôi.

Bằng nhiều sáng tạo, việc làm thiết thực để thích ứng với bệnh dịch, các thầy cô đã làm tốt thông điệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Tạm ngừng đến trường, không ngừng việc học”.

Tôi cũng có rất nhiều bạn đồng nghiệp bám rừng núi mang con chữ đến cho con em các dân tộc nơi heo hút những ngày thường đã gian nan gấp trăm lần đồng bằng giờ đại dịch Covid-19 lại càng gian khổ hơn.

Khổ cực, nhọc nhằn như vậy đó nhưng bằng nhiệt huyết, lòng yêu nghề, sự tận tâm, các thầy cô không nề hà, than khó ngày đêm bám trụ mong gieo hạt “tri thức” nảy mầm xanh tươi.

Phải nói rằng, chúng tôi ở đồng bằng, thành thị hạnh phúc và sung sướng hơn nhiều những thầy cô giáo làm nghề ở miền núi cao khó khăn, cơ cực đầy vất vả.

Đồng nghiệp tôi từ Nghệ An cho biết: “Ở huyện Quế Phong, Nghệ An, các thầy cô rất vất vả vì nhiều học sinh thiếu thiết bị, các em phải lên tận đỉnh núi “hứng sóng” để học online.

Những góc học tập được dựng trên núi tạm bợ, nhìn thấy thương lắm. Đó là cái bàn học sơ sài bằng tấm ván đặt trên mấy cây cọc là cây rừng, là mái lán đủ để che nắng mưa, có khi học sinh ngồi học dưới tán cây rừng.

Chỗ nào có sóng là các em ngồi học một cách miệt mài. Sóng có lúc được, lúc mất nhưng giữa muôn vàn khó khăn đó thầy trò tìm mọi cách vượt khó”.

Nghe tin Cà Mau dừng dạy học trực tuyến, gọi điện cho học trò tôi đang dạy tiểu học, em cho biết: “Chỗ em đang dạy trực tuyến phải dừng vì nhiều học sinh còn thiếu thiết bị. Bây giờ thầy cô ôn tập qua điện thoại, Zalo, Facebook…, những em thiếu thiết bị thì tới tận nhà giao bài”.

Việc học trực tuyến ở cà Mau gặp khó khăn về thiết bị, hạ tầng kĩ thuật với chỉ có tỷ lệ học học trực tuyến ở cấp tiểu học đạt 84%, cấp trung học cơ sở đạt 90%, cấp trung học phổ thông đạt 95%. Cả tỉnh còn gần 14 ngàn em chưa có thiết bị để học trực tuyến. Thiếu thiết bị, phải dừng dạy trực tuyến ở bậc tiểu học vì thế đồng nghiệp sẽ phải tất bật, khó nhọc làm mọi cách để lo cho học trò không quên kiến thức.

Khi kết thúc bài viết này thì tôi nhận được điện thoại của cậu học trò ở Cà Mau báo học sinh tiểu học chỗ em dạy vẫn chưa thể đến trường. Những khó khăn của thầy cô vùng sâu vẫn còn chồng chất, đầy ắp trong mùa đại dịch lịch sử này.

Năm học đang được vận hành ở 63 tỉnh thành phố trong cả nước một cách tích cực. Để học trò không phải dừng lại việc học, các em không bị mai một kiến thức, lãng phí thời gian, các thầy cô giáo cả nước đang ngày đêm không quản khó nhọc, thầm lặng tận tụy, cống hiến.

Khâm phục hơn là thầy cô nơi núi cao, vùng sâu, vùng xa trong đại dịch đã gian nan càng gian nan hơn để mang tri thức đến với học sinh của mình.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Hà Giang