Đổi mới giáo dục đang bị chống phá, ngăn cản bởi dạy thêm – học thêm

26/12/2014 07:52
TẠ QUANG SUM
(GDVN) - Dạy thêm học thêm, cả người dạy lẫn người học đang hợp tác chặt chẽ với nhau, lợi ích đan xen đang làm phá hỏng giải pháp đổi mới giáo dục.

Tiếp tục chuyên đề dạy thêm, học thêm, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của thầy giáo Tạ Quang Sum. Ông là cử nhân khoa học, Nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo; Phó hiệu trưởng trường THPT Thăng Long, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa.

Thầy Sum có quan điểm rất thẳng thắn: Dạy thêm, học thêm đang đối đầu, thách thức và phá hỏng sự nghiệp đổi mới giáo dục mà toàn Đảng, toàn dân đang thực hiện.

Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, hệ thống quản lý vĩ mô đang khẩn trương xác lập các thiết chế về: Triết lý giáo dục, Mục tiêu giáo dục, Nội dung giáo dục, Phương pháp giáo dục.

Một công trình đồ sộ với nhiều công đoạn phức tạp và vô cùng bức thiết đã được thiết kế kèm theo lộ trình thực hiện, đó là công tác chuẩn bị cho những trận đánh lớn như Bộ trưởng GD & ĐT đã minh họa. 

Tuy vậy, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là mọi chuyện hình như chỉ mới có sự khởi động ở cấp cao. Còn tại mặt trận là các cơ sở trường học thì cảm nhận về đổi mới giáo dục rất mơ hồ với tâm lý bàng quan, thậm chí cái mà nhiều người quan tâm và ưu tư nhất hiện nay chỉ là : Đổi mới thì có dạy thêm học thêm được nữa không?

Dạy thêm học thêm đã xuất hiện từ nhiều năm trước đây do nhu cầu thực tế của học sinh cần học thêm để nâng cao năng lực học tập, thầy cô giáo cần tổ chức dạy thêm để cải thiện đời sống. Theo thời gian dạy thêm, học thêm đã phát triển đều khắp toàn xã hội và hiện nay có nhiều biến tướng vượt khỏi mọi tầm kiểm soát của ngành giáo dục.

Tại các cấp học, trường học dạy thêm, học thêm đang tồn tại và phát triển với quy mô lớn sôi động hơn cả hoạt động chính khóa, nhiều lớp dạy thêm diễn ra tràn lan trong và ngoài nhà trường từ 5 giờ sáng, 1 giờ trưa, 8 giờ đêm, trong các ngày nghỉ lễ, trong các tháng hè, bộ môn nào cũng có thể được tạo nhu cầu học thêm để diễn ra tổ chức dạy thêm.

Học sinh ăn vội ngay trong trường để học thêm ca tối - Ảnh: Trường Giang
Học sinh ăn vội ngay trong trường để học thêm ca tối  - Ảnh: Trường Giang

Hình ảnh rất nhiều cha mẹ mang thức ăn đến trường bón cho con ăn ngay cổng, để chuẩn bị tiễn con vào ca đêm không còn là chuyện lạ. Người học luôn được dán nhãn mác tự nguyện, người dạy tiếp thị bất chấp tiền đề và hậu quả, tác dụng tích cực của nó đang bị lấn át bởi nhiều mục đích tiêu cực của cả thầy và trò. 

Thiên chức nhà giáo và đạo đức người thầy dễ dàng được đặt qua một bên, bởi số thu tài chính từ dạy thêm đang là nguồn thu nhập chính làm giàu cho các nhà trường và một bộ phận không nhỏ giáo viên cả nước.

Phần lớn nhiều chủ trương về quản lý dạy thêm, học thêm dừng ngang ở văn bản hành chính với phương châm vận động và kêu gọi tự giác là chính. Việc kết nối giữa tuân thủ quy định về dạy thêm, học thêm với xếp loại thi đua không có hiệu lực. 

Ở các địa phương cũng có đầy đủ ban bệ, quyết định này chỉ thị kia, nhưng việc thực hiện quy định quản lý về dạy thêm, học thêm có khi là cực đoan tạm thời hoặc nặng tính đối phó qua loa.

Đã có nơi chặn bắt người dạy thêm như bắt buôn lậu, nhưng rất nhiều nơi chỉ hô cho có và thả lỏng. Còn cán bộ quản lý trường học thì gần như thỏa hiệp chuyển hóa qua các hình thức rèn luyện tăng cường nào đó, nhằm chia sẻ lợi ích và đối phó với cấp trên, kết quả là đâu vẫn hoàn đó.

Do bùng phát dạy thêm, học thêm, bộ mặt sư phạm của trường học đã bị biến dạng rất nhiều: Cấu trúc chương trình nhiều bộ môn đều bị phân khúc để dạy thêm, việc dạy trước chương trình cấp học kiểu nhồi nhét kiến thức vào học sinh bất chấp tâm lý và độ tuổi đang trở nên phổ biến, phát sinh làn sóng chạy đua vũ trang cho con cái giữa các bậc phụ huynh đã tạo ra tình trạng quá tải chủ quan, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tâm thần của giới trẻ.

Chương trình sinh hoạt thanh thiếu niên hầu như chỉ còn là hình thức đối phó, trống rỗng về nội dung, mục tiêu giáo dục tư tưởng chính trị mờ nhạt hẳn. Thầy cô giáo dạy những bộ môn dạy thêm được, sẵn sàng bỏ qua những nguyên tắc sơ đẳng của giáo học pháp, luôn tìm cách và sử dụng thủ thuật lôi kéo học sinh đi học với mình. Thầy cô giáo dạy những bộ môn không dạy thêm không được, không còn mặn mà với thiên chức nhà giáo. Số đông học sinh xem học thêm như là kênh thoát để lơ là việc học chính khóa, tập trung vào học lệch, học tủ chạy theo điểm số và thành tích ảo.

Dạy thêm đã vượt lằn ranh đỏ thực hiện chức năng bổ sung cho hoạt động chính khóa, trở nên là chủ thể kinh tế của trường học và cá nhân, chính nó đã đang và sẽ làm phá sản nhiều chiến lược cải cách giáo dục, tạo ra nguồn phản động lực kìm hãm nhiều giải pháp nhằm đổi mới giáo dục. Không thể xóa bỏ dạy thêm, học thêm vì nó là một thực thể tồn tại chủ quan mà khách quan trong tổng thể hoạt động giáo dục. Cả người dạy lẫn người học đang hợp tác chặt chẽ với nhau, lợi ích đan xen là thế và lực tồn tại của nó.

Trước tình hình như thế, Bộ GD&ĐT cần thực sự quan tâm chấn chỉnh dòng chảy này, đó là phần quan trọng nhằm thiết lập mặt bằng, phát quang vật cản để đổ quân phục vụ trận đánh lớn. 

Định hướng giải pháp khả thi để sống chung với nó nhưng khống chế được nó trong phạm vi nhất định, một mặt phát huy tác dụng bổ sung kiến thức cho những đối tượng cần phụ đạo, mặt khác tạo điều kiện cho thầy cô giáo làm thêm ngoài giờ như nhiều ngành nghề khác.

Đặc biệt, trả lại không gian thân thiện, không khí yên bình sân chơi trường học tích cực cho giới trẻ, họ phải được trang bị đầy đủ chuẩn mực về kiến thức khoa học và tâm thế văn hóa để vào đời… Phải là một phần quan trọng trong chiến lược tổng thể nhằm đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc gia. 

TẠ QUANG SUM