Đánh giá giáo dục và thi cử câu chuyện rất lớn của giáo dục, hiện nay trong các diễn đàn giáo dục chúng ta chưa bao giờ trao đổi một cách thấu đáo về nó. Đây là học phần rất quan trọng, nếu đánh giá không đúng, thi cử sai thì đối tượng được đánh giá – tức là học trò sẽ ảnh hưởng nặng nề. Còn đánh giá đúng thì nó là đòn bẩy để phát triển giáo dục và đảm bảo chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nước nhà.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Hồng Tung - Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể tiết lộ:
“Khi chuẩn bị trình Trung ương dự thảo Nghị quyết 29 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã coi đổi mới thi cử như là đột phá khẩu trong đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Tuy nhiên theo tôi lựa chọn này có cái đúng, có cái chưa đúng”.
Ảnh minh họa: Lã Tiến/ giaoduc.net.vn |
Thầy Tung phân tích, đúng vì thi cử chất chứa rất nhiều thứ phải đổi mới nhưng coi đổi mới thi cử như đầu tàu kéo những thứ đổi mới căn bản toàn diện khác thì lại không đúng vì điều này sẽ sinh ra hội chứng “thi gì học nấy”, rồi học tủ, môn chính – môn phụ, thậm chí nếu công bố không thi môn nào thì học trò sẽ xé tung sách vở để reo hò gây bức xã hội.
Quay trở lại bàn thảo với nhau câu chuyện về đánh giá, thi cử thế nào đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới thì thầy Tung cho biết:
“Phải thừa nhận rằng, tôi không phải chuyên gia đánh giá về thi cử nhưng trong quá trình phát triển chương trình giáo dục phổ thông thì Bộ đã rất quan tâm mời chuyên gia đánh giá, thi cử của thế giới đến hỗ trợ chúng tôi.
Chúng tôi là những người đứng lớp hàng chục năm nhưng khi làm việc với chuyên gia, được chuyên gia tập huấn xong giao cho làm thử câu hỏi, đề thi thì chúng tôi ra câu nào chuyên gia bảo sai câu đó.
Nói vậy để biết, chúng ta đừng vội chê ai ra đề thế này đề thế kia vì đây là việc khó lắm, người ra đề thi đúng còn khó hơn nhiều lần người dạy đúng. Dạy chỗ này thiếu thì ngày mai dạy bù, dạy chỗ này chưa “tới bến” thì sang năm dạy “tới bến”, nhưng chỉ ra một câu hỏi sai thì sẽ làm hại “tính mạng” học trò, vì khi đó có nghĩa là thi trượt”.
Chính vì vậy, thầy Tung cho rằng, đổi mới căn bản toàn diện giáo dục trong đánh giá, kiểm tra thi cử thì trước hết cần đổi mới trong triết lý, nguyên tắc.
Trước đây giáo dục đi theo triết lý đánh giá tiêu cực, tức là học trò hoàn toàn thụ động, không có vai trò gì trong việc tự đánh giá bản thân, thầy cô ra đề thi vào nội dung nào các em không hề được biết, thầy cô chấm điểm theo ba-rem nào các em cũng không được biết.
Và không khó để thấy mỗi lần thầy cô gọi học trò lên bảng, dù học giỏi hay chưa giỏi thì các em đều run cầm cập và mỗi lần thi cử thì cả nhà, cả họ run, thậm chí phải đi sờ đầu rùa, đi cúng tế để cầu may vì “học tài thi phận”.
Giờ chuyển sang triết lý đánh giá học sinh theo hướng tích cực tức là người được đánh giá và người đánh giá đồng hành với nhau, người được đánh giá cũng tham gia vào quá trình đánh giá để bản thân được đánh giá đúng năng lực và công bằng.
Nếu như trước đây mỗi lần đánh giá xong học trò dù được khen hay chê, điểm cao hay thấp thì đều coi như là một lần sát hạch, như một lần bị trách phạt, tức là không vui, ức chế về tâm lý. Còn giờ phải làm sao mỗi lần đánh giá, thi cử xong, các con như được khen, phấn khởi vì các con được đánh giá đúng, kết quả đó trở thành bệ đỡ cho các em phát triển sau này.
Tuy nhiên, không phải hô giáo viên “đằng sau quay” để chuyển từ đánh giá tiêu cực sang đánh giá tích cực là làm ngay được, mà cần phải tập huấn, cung cấp công cụ, phương tiện và đồng hành cùng giáo viên thì mới làm được.
Phạm vi đánh giá phải toàn diện, không thể tủ môn nọ, môn kia đồng thời đánh giá đúng năng lực từng lớp, từng cấp học chứ không phải đánh giá kỹ năng giải bài tập, khả năng học thuộc bài thơ này, bài thơ kia…
Để đánh giá toàn diện thì cần kết hợp nhiều hình thức đánh giá như kiểm tra định kỳ, cho học sinh tự đánh giá lẫn nhau hoặc đánh giá theo nhóm, đánh giá quá trình, kết hợp giữa gia đình và nhà trường để xem học sinh ngoài nắm kiến thức thì có khả năng vận dụng kiến thức hay không và cũng có kiểu đánh giá theo kiểu 1 bài tập, 1 tình huống mà cho điểm toàn bộ.
Ví dụ, tôi không biết học trò có thuộc hết chương trình lịch sử lớp đó không nhưng nếu học sinh tự biết tìm kiếm sử liệu, tái hiện dựng một sự kiện lịch sử, tự trình bày, phân tích thì cho thấy các con rất trưởng thành được. Khi đó tôi hoàn toàn có thể cho điểm tối đa…
Cuối cùng, thầy Tung nói, đổi mới quan trọng nhất là niềm tin của cả xã hội vào nền giáo dục, đó là sự nghiêm minh công bằng.
Khi vẫn còn những hiện tượng như gian lận thi cử ở Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình, hay Trường Đại học Đông Đô thì sẽ không bao giờ có được niềm tin của xã hội.
“Tôi vẫn nói rằng, mỗi nhận xét, điểm số của thầy cô, mỗi tấm bằng tốt nghiệp như là ngân hàng nhà nước phát hành tiền mặt. Nếu tiền đó là tiền giả thì cả xã hội sẽ loạn, mỗi điểm số như tiền mặt tức là phải đảm bảo lòng tin của xã hội, điểm 10 của cơ sở đó thực sự là vàng ròng. Do đó phải nghiêm minh, triệt để trừng trị bằng giả, trừng trị học thật nhưng kiến thức giả, triệt để gian lận”, thầy Tung nêu quan điểm.