Giá mà thu hãy muộn sang...

01/09/2018 07:16
Khánh Văn
(GDVN) - Mùa khai trường đang rộn ràng, nhiều em nhỏ đang tung tăng đến trường để lĩnh hội tri thức thì nhiều em lại phải dừng việc học tập của mình để mưu sinh.

LTS: Tiếng trống trường ngày khai giảng sắp điểm cũng là lúc nỗi buồn trên từng khuôn mặt của một số học sinh và giáo viên ở những vùng khó khăn, thiếu thốn lại càng hiện rõ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của tác giả Khánh Văn chia sẻ về vấn đề này.

Không hiểu sao, mỗi lần đi vận động học sinh trở lại lớp trong những ngày đầu năm học tôi lại nhớ về những câu thơ trong bài Mùa thu của tác giả Nguyễn Quyến mà tôi đã thuộc làu cách nay hơn 20 năm về trước.

Những câu thơ ấy cứ mãi vang lên và ám ảnh tôi trong những ngày học sinh đang nô nức cho ngày khai giảng năm học.

Bởi, bên cạnh những em học sinh đang được tung tăng trên đường đến trường thì cũng có không ít em phải ngậm ngùi từ bỏ ước mơ học tập của mình để bước vào đời mưu sinh khi mà tuổi đời của nhiều em còn quá ít.

Giá mà thu hãy muộn sang... ảnh 1Gian nan kéo trẻ đến trường

Bài thơ Mùa thu của tác giả Nguyễn Quyến có lẽ nhiều người không biết đến nó hoặc đọc rồi có thể đã quên…

Nhưng, những ai đã từng phải gác lại ước mơ học tập của mình thì khi tiếp cận bài thơ này thì sẽ cảm thấy đắng chát, xót xa vô cùng.

Bởi, có những câu thơ phù hợp với tâm trạng, với nỗi lòng của những học sinh lỡ dở việc học của mình.

Chẳng hạn câu: “Đường đời nửa thấp, nửa cao/ Tôi mười bảy tuổi bước vào lo toan”. Cái tuổi 17 đẹp lắm mà phải từ bỏ ước mơ của mình để rồi nhân vật trong bài thơ tiếc nuối, xót xa và mong thời gian hãy chầm chậm trôi… “Giá mà thu hãy muộn sang/ Để cho tôi được trễ tràng tuổi thơ”.

Tác giả tiếc nuối và chắc rằng cũng đã có rất nhiều người tiếc nuối về quãng đường học tập của mình bởi hoàn cảnh nhiều gia đình trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước còn nghèo khó quá…

Hơn 20 năm sau, giờ đây, khi đã là một người thầy, khi mà đất trời sang thu “lá ngoài đường rụng nhiều” cũng là lúc năm học mới lại bắt đầu.

Những ngày đầu năm học, khi bước vào lớp dạy, điều thầy cô hẫng hụt nhất là khi biết được nhiều học sinh đã bỏ học giữa chừng.

Nhiều em đã phải nghỉ học, từ bỏ ước mơ của mình để bước vào đời mưu sinh. Rồi đây, tương lai các em sẽ đi về đâu?

Giáo viên đi vận động trẻ trở lại lớp học (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Giáo viên đi vận động trẻ trở lại lớp học (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Nơi chúng tôi đang công tác, tỉ lệ học sinh bỏ học hàng năm thường rất cao. Tất nhiên, nguyên nhân bỏ học thì có rất nhiều nhưng có lẽ nguyên nhân cơ bản nhất là cái nghèo vẫn đeo bám dai dẳng với nhiều gia đình học sinh.

Cha mẹ các em đi làm ăn xa nên các em thường ở với ông bà hay người thân. Vì thế, nhiều em chênh vênh, thiếu thốn về tình cảm.

Sự thiếu thốn vật chất đã đành, khi vắng bóng mẹ cha, các em càng khó khăn nhiều hơn khi phải tự lo cho mình và phải đối mặt nhiều thứ khó khăn.

Có em vẫn tiếp tục được việc học hành của mình theo chiều hướng tốt nhưng có em đã xao nhãng việc học hành.

Vì thế, nhiều bậc phụ huynh lo sợ con em mình không có người kèm cặp nên đã đưa các em theo và đây cũng là cách giảm được gánh nặng lo lắng về chi phí học tập cho con em mình.

Tuần đầu tựu trường, các thầy cô luôn phải cập nhật thông tin học sinh chưa đến trường để báo lại cho Ban giám hiệu nhà trường.

Những đoàn vận động học sinh trở lại lớp học liên tục được triển khai và phối hợp với các đoàn thể của địa phương đến nhà vận động các em trở lại lớp. Nhưng, đa phần các em đã bỏ quê theo cha mẹ đến các thành phố để tìm việc làm.

Những lúc như vậy, những thầy cô trong đoàn vận động không khỏi cất tiếng thở dài bất lực…

Giá mà thu hãy muộn sang... ảnh 3Thầy cô băng rừng, vượt suối vận động học sinh đến trường sau mưa bão

Nhiều trường học, khi tuyển sinh vào đầu cấp thì đủ chỉ tiêu cấp trên giao nhưng qua từng năm thì học sinh cứ bỏ dần và năm cuối cùng của cấp học đã giảm đi một nửa số lớp ban đầu.

Nhiều giải pháp được nhà trường, địa phương đưa ra nhưng vẫn không đạt được hiệu quả.

Phải nói rằng ngoài cái nghèo thì hiện nay có nhiều phụ huynh học sinh còn rất thờ ơ với việc học tập của con em mình. Nhiều người chỉ tính đến cái lợi trước mắt mà đành đoạn bắt con bỏ học giữa chừng.

Nhiều khi thầy cô đi vận động không gặp được phụ huynh và học sinh nên phải xin số điện thoại của phụ huynh để gọi nhằm tác động việc đưa các em trở về học. Nhưng, thường thì giáo viên nhận được thái độ thờ ơ đến vô cảm của một số bậc cha mẹ học sinh.

Họ quan niệm học cũng để kiếm tiền, mà bỏ học cũng kiếm tiền. Học nhiều mà không xin được việc lại tốn kém hơn. Thà rằng bỏ học sớm sẽ có nhiều cái lợi hơn.

Tuy nhiên, đó chỉ là cái lợi trước mắt còn tương lai các em lại tiếp tục phải lao động cực nhọc để kiếm được đồng tiền. Cái vòng luẩn quẩn bỏ học - đói nghèo cứ lặp đi lặp lại.

Thôi thì không nhất thiết các em phải vào đại học, cao đẳng nhưng chí ít, các em phải học hết lớp 12 để có kiến thức cơ bản rồi hãy bước vào đời.

Dù khó khăn về công việc nhưng có tri thức cũng đồng nghĩa các em sẽ có nhiều lựa chọn hơn trong công việc sau này.

Điều quan trọng hơn là sau này, các em có kiến thức cao hơn thì sẽ nhìn nhận mọi vấn đề một cách thấu đáo hơn.

Là những người đang làm thiên chức “trồng người”, không thầy cô nào muốn học sinh của mình phải bỏ học giữa chừng nhưng đôi khi cũng đành bất lực trong công tác vận động học sinh trở lại lớp.

Trong số những em bỏ học, có em thuận tình theo cha mẹ đi làm ăn xa nhưng cũng có em phải bắt buộc phải ra đi.

Giá mà thu hãy muộn sang... ảnh 4Câu chuyện 40 năm lên non dậy chữ của một người thầy

Nhiều em khi bỏ học rồi vẫn nhắn tin cho thầy cô với tâm trạng đầy tiếc nuối nhưng không được phép trở lại với trường lớp bởi cha mẹ cản ngăn.

Những năm qua và bây giờ, phải nói hẳn rằng nếu học sinh nghèo mà muốn học không phải là điều khó bởi Đảng và Nhà nước đang có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho học sinh khó khăn.

Ngoài ra, còn các đoàn thể địa phương, nhà trường, các Mạnh Thường Quân sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ các em đến trường.

Nhưng, nhiều gia đình, nhiều em học sinh lại bỏ qua cơ hội tốt này mà thờ ơ với việc học. Đây thực sự là nỗi buồn lớn của những người đang làm công tác giáo dục.

Mùa khai trường đang rộn ràng, nhiều em nhỏ đang tung tăng đến trường để lĩnh hội tri thức và hòa vào những trò chơi tuổi nhỏ thì nhiều em lại phải dừng việc học tập của mình để mưu sinh.

Cho dù các em bỏ học vì một lý do nào đi nữa thì các thầy cô giáo cũng luôn cảm thấy chạnh buồn khi lớp học đang vắng bóng các em…

Mùa thu đã sang, tuổi thơ các em không còn được cắp sách đến trường - nỗi buồn man mác ấy luôn lặp đi lặp lại. Những quan tâm, tấm lòng thầy cô không níu giữ được bước chân các em. Nghĩ buồn thay!

Khánh Văn