Giám đốc Đại học Đà Nẵng chia sẻ tầm nhìn, kỳ vọng trước thềm Xuân mới

13/02/2021 06:07
TẤN TÀI (thực hiện)
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Cần quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học sư phạm và trường đại học y một cách hợp lý, tránh đào tạo tràn lan, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả”.

Đây là một trong những nội dung góp ý quan trọng của Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng tại buổi thảo luận tổ cho Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII vừa diễn ra.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ về những cơ hội và thách thức đối với giáo dục đại học năm 2021.

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng tin tưởng giáo dục đại học sẽ có những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới. Ảnh: TT

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng tin tưởng giáo dục đại học sẽ có những bước tiến vượt bậc trong thời gian tới. Ảnh: TT

Phóng viên: Thưa thầy, trong năm 2020, dịch bệnh covid-19 lan rộng, nhiều địa phương phải “đóng cửa”, giãn cách xã hội, trong đó có Đà Nẵng. Vậy các trường thành viên của Đại học Đà Nẵng đã gặp những trở ngại, khó khăn gì và vượt qua nó ra sao?

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ: Năm 2020, là một năm hết sức đặc biệt và chưa có tiền lệ khi Đà Nẵng phải 2 lần thực hiện giãn cách xã hội. Rồi đến bão lũ liên tiếp ở miền Trung.

Trong bối cảnh đó, cũng như các trường đại học khác, Đại học Đà Nẵng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đào tạo tập trung sinh viên. Nhưng với sự chuyển biến, thích nghi nhanh với biến đổi của xã hội, Đại học Đà Nẵng đã ban hành quy định về tổ chức dạy và học trực tuyến.

Trên cơ sở quy định này, các trường thành viên đã triển khai việc dạy học trực tuyến nhằm thực hiện phương châm: “dừng đến trường nhưng không dừng việc học tập, giảng dạy”. Kết quả dạy học online đảm bảo chất lượng, thống nhất.

Một tác động nữa của dịch bệnh Covid-19 là nó khiến cho việc trao đổi sinh viên, hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ gần như “đứng bánh”. Nhưng để vượt quá khó khăn thì không còn cách nào khác là chúng ta phải thích nghi và ứng đổi phù hợp.

Các trường triển khai mạnh mẽ việc thực hiện chuyển đổi sang sử dụng công nghệ thông tin để học trực tuyến, hội thảo trực tuyến, việc ký kết hợp tác cũng bằng hình thức trực tuyến… Tất cả đều được vận hành trơn tru, chính xác trên nền tảng công nghệ thông tin.

Vừa qua, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo, đã xác định chiến lược các trường đại học là phải đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi số.

Do đó, Đại học Đà Nẵng đang triển khai thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi công nghệ số để xây dựng đề án tham gia dự án chung của 2 Bộ.

Trong dự án này, hai Bộ muốn chọn 5 trường đại học đầu tiên để làm thí điểm về chuyển đổi số. Với thế mạnh là đại học vùng, có Trường đại học Công nghệ Thông tin và truyền thông chuyên về đào tạo công nghệ thông tin nên chúng tôi cũng đang tích cực xây dựng để án để tham gia.

Sinh viên Đại học Đà Nẵng đã giành được nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học trong năm 2020. Ảnh: AN

Sinh viên Đại học Đà Nẵng đã giành được nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học trong năm 2020. Ảnh: AN

Phóng viên: Năm 2021 sẽ là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Trong đó, có những vấn đề quan trọng đối với ngành giáo dục và đào tạo. Vậy thầy có những kỳ vọng gì về mặt cơ chế, chính sách đối với sự phát triển giáo dục đại học?

Phó Giáo sư Nguyễn Ngọc Vũ: Là Đại biểu tham dự Đại hội Đảng XIII, tôi có dịp nghiên cứu sâu Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII, trong đó rất tâm đắc với nội dung: Phải thực hiện chuyển đổi mô hình nền kinh tế theo hướng kinh tế số, xã hội số...

Trong đó, khoa học công nghệ phải là động lực chính của quá trình chuyển đổi mô hình kinh tế. Và đào tạo chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba khâu đột phá trong sự phát triển đất nước.

Tôi rất tin tưởng Nghị quyết của Đại hội sẽ thực sự đi vào cuộc sống. Trong đó, Nghị quyết tiếp tục khẳng định giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển. Là đại biểu, tôi cũng tích cực tham gia góp ý văn kiện về một số vấn đề mà xã hội còn băn khoăn.

Cụ thể, một quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học để hình thành các đại học lớn đa ngành, đa lĩnh vực. Từ đó, tập trung ưu tiên đầu tư, tạo sự đột phá trong phát triển giáo dục đại học.

Thứ hai, quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học sư phạm, đại học y một cách hợp lý, tránh đào tạo tràn lan nhằm nâng cao chất lượng. Bởi thực tế hiện nay có nhiều trường mở ngành, đào tạo y khoa ồ ạt.

Thậm chí có một số trường không liên quan đến ngành học này cũng đăng ký mở ngành đào tạo, gây ra rất nhiều hệ lụy. Do đó, phải siết chặt quản lý việc cấp phép, mở ngành và tổ chức đào tạo.

Những trường nào đảm bảo các yêu cầu đặt ra mới được mở ngành, bởi đây là ngành học liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người.

Tương tự, về trường sư phạm cũng phải quy hoạch lại hợp lý dựa trên cơ sở nâng cao chất lượng đào tạo, dựa trên dự báo nhu cầu xã hội một cách chính xác. Ngoài ra, phải coi trọng nguồn chất lượng đầu vào đối với sư phạm cũng như y khoa.

Thứ ba là tổ chức sắp xếp quản lý nhà nước về khoa học công nghệ để làm thế nào để “trường trong viện, viện trong trường”.

Tức là tổ chức, sắp xếp lại về cách quản lý khoa học công nghệ một cách hợp lý và khoa học. Trên cơ sở tận dụng tối đa, hiệu quả nguồn nhân lực của các trường đại học và kinh phí của nhà nước dành cho khoa học công nghệ.

Thứ tư, đối với các trường tư thục, nhà nước cũng cần tạo cơ chế chính sách để khuyến khích phát triển. Nhưng đồng thời phải tăng cường thanh tra, giám sát để nâng cao chất lượng đào tạo thực sự, tạo sự yên tâm cho xã hội.

Mặc dù tình hình dịch bệnh còn khó khăn, phức tạp nhưng với sự thành công của Đại hội Đảng XIII cũng như Đại hội Đảng các cấp, tôi tin tưởng rằng sẽ giáo dục đại học sẽ có những bước tiến vượt bậc, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Xin trân trọng cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!

TẤN TÀI (thực hiện)