Giao kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương là đúng đắn!

27/05/2020 06:38
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những vụ án ở Hòa Bình, Sơn La là minh chứng cho thấy gian lận thi cử sẽ chẳng đi đến đâu, dù có dùng thủ đoạn tinh vi thì cũng bị phát hiện và phải trả giá.

Dự kiến, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 sẽ diễn ra trong tháng 8 tới đây. Cho dù không được gọi là kỳ thi quốc gia, nhưng hầu hết các trường đại học vẫn sử dụng kết quả thi trung học phổ thông để tuyển sinh.

Theo Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 20/5 để xin ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân thì kỳ thi năm nay sẽ giao Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, tổ chức.

Theo đó, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, trách nhiệm của người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi.

Khẳng định việc tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng là yêu cầu đầu tiên, cao nhất đối với kỳ thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng để thực hiện được cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Trước hết, việc giao quyền tổ chức kỳ thi về cho địa phương đồng nghĩa với việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu địa phương cũng như trách nhiệm của người phụ trách các khâu trong quy trình tổ chức kỳ thi.

Cụ thể, dù giao địa phương chủ trì công tác chấm thi nhưng Bộ sẽ xây dựng quy chế quy định chặt chẽ công tác tổ chức kỳ thi. Với việc chấm trắc nghiệm, bên cạnh quy trình chấm chặt chẽ như năm 2019, giám sát con người và thiết bị giám sát, Bộ tiếp tục sử dụng phần mềm chấm thi với chức năng bảo mật cao để chấm điểm nghiêm túc.

Dữ liệu chấm thi, kể cả dữ liệu gốc hay trung gian, đều được mã hóa và gửi về Bộ. Bộ sẽ sử dụng để chấm xác suất hoặc đối sánh trong trường hợp cần thiết. Sử dụng biện pháp kỹ thuật, đặc biệt các thiết bị giám sát cho các khâu quan trọng như bảo quản đề thi, bài thi, chấm thi.

Nhìn nhận về quy trình này, chia sẻ với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo tham gia kiểm tra, giám sát kỳ thi tuy nhiên khi giao kỳ thi cho địa phương thì đi liền với đó là trách nhiệm của địa phương rất lớn.

Chính vì vậy, địa phương phải tổ chức làm sao để kỳ thi diễn ra an toàn, công bằng, không gian lận thi cử từ bảo mật đề thi, coi thi, chấm thi.

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (Ảnh: Thùy Linh)

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ (Ảnh: Thùy Linh)

Thời gian qua, các địa phương trên cả nước đều theo dõi những phiên xét xử vụ án gian lận thi cử xảy ra vào năm 2018 ở Hòa Bình, Sơn La những ngày gần đây “tôi tin rằng những phiên xét xử đó sẽ là bài học sâu sắc để các địa phương sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 một cách thực sự nghiêm túc, không xảy ra sai xót”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tin tưởng.

Bởi lẽ, theo thầy Nhĩ, những vụ án ở Hòa Bình, Sơn La là minh chứng cho thấy gian lận thi cử sẽ chẳng đi đến đâu, dù có dùng thủ đoạn tinh vi như thế nào thì cũng bị phát hiện và phải trả giá bằng nhiều năm tù.

Đặc biệt, năm nay, Bộ yêu cầu các tỉnh công khai phổ điểm thi, báo cáo toàn bộ điểm học bạ của các thí sinh qua hệ thống dữ liệu điện tử để Bộ làm căn cứ đối sánh, đánh giá kết quả thi, theo thầy Nhĩ việc này giúp giám sát được kết quả để kỳ thi diễn ra trung thực, khách quan.

Khi đó các trường đại học hoàn toàn dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh, như vậy vừa đỡ tốn kém cho xã hôi đồng thời giảm áp lực cho phụ huynh và học sinh.

Đồng tình với quan điểm của thầy Nhĩ, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, bài học kinh nghiệm lớn từ vụ tiêu cực thi cử năm 2018 là sự buông lỏng trách nhiệm địa phương, vì thế, năm nay quy rõ trách nhiệm cho người đứng đầu địa phương.

"Nếu thực hiện đúng tinh thần phân cấp như Thủ tướng nói, người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm trong kỳ thi năm nay thì sẽ không đáng lo ngại. Dù có tham gia hay không nhưng để xảy ra sai phạm thì người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm” – Tiến sĩ Khuyến nói.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về an toàn kỳ thi tại địa phương, sớm xây dựng kế hoạch cụ thể, quy định rõ trách nhiệm từng khâu của quy trình tổ chức kỳ thi, đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng.

Thủ tướng lưu ý đây là việc đụng chạm đến nhà nhà, ai cũng lo lắng kỳ thi nên phải rất lưu ý, đặc biệt cấp tỉnh phải có trách nhiệm rất lớn trong vấn đề thi cử của năm nay.

Thùy Linh