Giáo sư Đặng Hùng Võ: Có nhà đầu tư giáo dục đang gặp nhiều khó khăn ở Nghệ An

22/08/2019 06:33
Giáo sư Đặng Hùng Võ
(GDVN) - Liên quan đến vụ các cô quỳ để giữ trường, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng: "Nghị quyết của Đảng rất đúng đắn, nhưng thực hiện trên thực tế rất sai trái".

LTS: Liên quan đến câu chuyện các cô giáo mầm non Tuổi Thơ, Thanh Chương, Nghệ An quỳ gối xin không đóng của trường, mới đây nhất Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được bài viết của Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ tưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trong bài viết này, với trách nhiệm là một chuyên gia hàng đầu về pháp lý đất đai, Giáo sư Đặng Hùng Võ đã đưa ra các luận cứ pháp lý để phân tích hàng loạt sai phạm trong việc thực thi pháp luật của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An.

Trong đó, Giáo sư Đặng Hùng Võ đã chỉ ra các“thủ pháp vùi dập và xua đuổi nhà đầu tư giáo dục” của chính quyền tỉnh Nghệ An và đặt ra nghi vấn, “phải chăng vì các dự án đầu tư giáo dục không đủ năng lực "bôi trơn"?...cùng nhiều vấn đề nhức nhối nữa.

Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu độc giả bài viết tâm huyết và “rỉ  máu” này của Giáo sư Đặng Hùng Võ.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (ảnh Tùng Dương).
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (ảnh Tùng Dương).

Còn những điểm rất tối tại một số địa phương trong triển khai Nghị quyết của Đảng về giáo dục và đào tạo

Vào năm 1958, Bác Hồ đã nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người" như một triết lý mang tính nguyên tắc cơ bản cho phát triển giáo dục.

Từ đó, phủ xanh đất trống, phát triển rừng được triển khai rộng khắp, giáo dục - đào tạo được coi như quốc sách hàng đầu.

Tháng 12/1996, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khoá VIII đã thông qua Nghị quyết về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000, trong đó một giải pháp quan trọng là "Tiếp tục phát triển các trường dân lập ở tất cả các bậc học.

Từng bước phát triển vững chắc các trường lớp tư thục ở giáo dục mầm non, phổ thông trung học, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề và đại học".

Trách nhiệm của chính quyền Nghệ An đến đâu trong vụ việc các cô giáo quỳ?
Trách nhiệm của chính quyền Nghệ An đến đâu trong vụ việc các cô giáo quỳ?

Tiếp theo, tháng 11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XI đã thông qua Nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó giải pháp quan trọng đối với giáo dục mầm non và phổ thông là "Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị".

Đường lối chung về xã hội hóa giáo dục đã được Đảng ta chỉ ra rất rõ nhằm đóng góp vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước ta, làm cho đổi mới kinh tế dựa hẳn được vào nguồn nhân lực và công nghệ chất lượng cao.

Nhiều địa phương đã tận tâm, dốc lòng thực hiện thật tốt Nghị quyết của Đảng. Bên cạnh đó, còn những điểm rất tối tại một số địa phương trong triển khai Nghị quyết của Đảng về giáo dục và đào tạo.

Quá trình chìm nổi của triển khai dự án Trường mầm non Tuổi thơ Thanh Chương và Trường tiểu học Thanh Chương tại thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, Nghệ An do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và giáo dục Minh Sang (gọi tắt là Công ty Minh Sang) đầu tư là một điểm tối như vậy.

Phải chăng vì các dự án đầu tư giáo dục không đủ năng lực "bôi trơn"?

Ông Đặng Minh Chưởng, Tiến sĩ Khoa học giáo dục, đang làm quản lý tại Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh đã nhận thức được trách nhiệm của một nhà khoa học giáo dục đối với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Đảng phải bắt đầu từ thức tiễn giáo dục những trẻ thơ mới bước vào cổng trường.

Từ suy nghĩ đó, Tiến sĩ Chưởng đã chuyển ra khỏi khu vực đại học để thành lập Công ty Minh Sang, tập trung vào đổi mới giáo dục mầm non và tiểu học dựa trên chủ trương xã hội hóa giáo dục theo hình thức thành lập các trường tư thục giáo dục cơ sở học phí thấp, chất lượng cao.

Hết cửa sống, Trường Mầm non Tuổi Thơ gửi thư cầu cứu!
Hết cửa sống, Trường Mầm non Tuổi Thơ gửi thư cầu cứu!

Sau 7 năm hoạt động của Trường Mầm non Tuổi thơ do Công ty Minh Sang gây dựng tại thành phố Vinh, Nghệ An đã được nhân dân và ngành giáo dục tại địa phương ghi nhận.

Tiếng lành đồn xa, cuối năm 2016, lãnh đạo Ủy ban nhân dân và nhiều thầy, cô giáo của huyện Thanh Chương, Nghệ An đã tới thăm trường Mầm non Tuổi Thơ thành phố Vinh và mời gọi công ty Minh Sang về đầu tư một cơ sở mầm non tại thị trấn Thanh Chương, một địa bàn vùng núi đang trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội khó khăn.

Công ty Minh Sang đã xem xét và nhận lời mời gọi đầu tư này như một đóng góp cho quê hương mình.

Ngày 13/12/2016, Ủy ban nhân dân Thanh Chương có Tờ trình số 2776/TTr-UBND gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư tại vị trí đất mà Trung tâm Kỹ thuật - Hướng nghiệp của huyện đã được sắp xếp lại để sáp nhập với tổ chức khác và đã chuyển đi nơi khác.

Sau 3 tháng đến 15/3/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An mới tập hợp xong ý kiến của các Sở để trình Ủy ban nhân dân Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư.

Thủ tục hành chính để thực hiện một chủ trương quan trọng của Đảng sao mà lâu đến vậy là một câu hỏi được đặt ra, phải chăng vì các dự án đầu tư giáo dục không đủ năng lực "bôi trơn".

Do nhu cầu thiếu nơi học tại một địa phương miền núi quá khó khăn, ngày 16/4/2017, Ủy ban nhân dân thị trấn Thanh Chương đã ban hành Quyết định 91/QĐ-UBND thành lập nhóm trẻ độc lập tư thục Tuổi thơ Thanh Chương.

Theo đó, Công ty Minh Sang đã cho xây dựng một số nhà tạm để mở lớp học mầm non, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân.

Đến 20/11/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định 5619/QĐ-UBND chấp thuận chủ trương đầu tư của Công ty Minh Sang tại khu đất dự kiến nói trên.

Như vậy, từ tờ trình của huyện tới chấp nhận chủ trương đầu tư của tỉnh đã mất gần 1 năm tròn, thực hiện Nghị quyết của Đảng cũng vất vả thật!

Thủ pháp vùi dập và xua đuổi nhà đầu tư giáo dục

Nhưng cũng sau 1 năm lận đận nhưng tích cực này, bắt đầu thời điểm gió đầu tư tại đây đã đổi chiều, từ lời mời gọi tha thiết đã chuyển sang trạng thái tìm mọi cách xua đuổi nhà đầu tư.

Đối xử với nhà đầu tư giáo dục như vậy, Nghệ An muốn nhận lấy điều gì?
Đối xử với nhà đầu tư giáo dục như vậy, Nghệ An muốn nhận lấy điều gì?

Đầu năm 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An thành lập Đoàn Thanh tra liên ngành để thanh tra việc xây nhà tạm và vận hành mấy lớp mầm non vừa thành lập.

Biết chủ trương thanh tra này, Ủy ban nhân dân huyện Thanh Chương đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty Minh Sang ở mức 40 triệu đồng.

Ngày 17/5/2018, Sở Tài chính Nghệ An có Công văn 1327 trình phương án bán tài sản và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá, trái ngược với Công văn 1163 đã ban hành 10 ngày trước đó đã đề xuất phương thức Công ty Minh Sang bồi thường tài sản trên đất và cho thuê đất miễn tiền thuê đất.

Trong quá trình nói trên, việc chậm lại do thực hiện Công văn 342/TTg-V.I ngày 07/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg là phù hợp.

Đến ngày 31/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định 167/2017/NĐ-CP thay thế cho Quyết định 09 sau vài lần sửa đổi, bổ sung.

Điều 1 của Nghị định 167 đã xác định rõ phạm vi điều chỉnh chỉ là việc "sắp xếp lại, xử lý các loại tài sản công gồm nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng".

Như vậy, đất để giao cho Công ty Minh Sang mà trước đây do một đơn vị sự nghiệp sử dụng đã được sắp xếp lại nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 167.

Khung pháp luật được áp dụng là pháp luật đất đai và pháp luật về xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công.

Đỉnh điểm của sự xua đuổi nhà đầu tư giáo dục Minh Sang là ngày 23/5/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 1972/QĐ-UBND ngược lại với Quyết định 5619/QĐ-UBND ban hành hơn 6 tháng trước về chấp thuận chủ trương đầu tư (nhưng sau đó đã phải hủy bỏ).

Theo đó, Ủy ban nhân dân thị trấn Thanh Chương đã ban hành QĐ 89/QĐ-UBND đình chỉ hoạt động của lớp Mầm non Tuổi thơ Thanh Chương.

Tại ngày công bố Quyết định, các cô giáo của lớp đã hy sinh nhân phẩm quỳ lạy xin Chủ tịch thị trấn đừng quyết định đình chỉ lớp học tuổi thơ này.

Đây là một cảnh tượng làm đau lòng tất cả mọi tấm lòng nhân hậu. Tới 30/7/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định 3280/QĐ-UBND chấm dứt hiệu lực của Quyết định 5619 nói trên với lý do Công ty Minh Sang triển khai chậm.

Từ địa phương làm chậm, Minh Sang đã bị xử lý hành chính 40 triệu đồng vì triển khai nhanh, nay lại bị chấm dứt đầu tư vì triển khai chậm.

Ngày 25/02/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn 1100/UBND-CN về xử lý tài sản giáo dục do Công ty Minh Sang đã xây dựng tạm trên khu đất và Sở Tài chính Nghệ An đã thực hiện Công văn này vào ngày 16/4/2019.

Các thầy cô từng quỳ lạy, khóc lóc nay bất lực nhìn trường tiếp tục đóng cửa!
Các thầy cô từng quỳ lạy, khóc lóc nay bất lực nhìn trường tiếp tục đóng cửa!

Sau lời mời gọi của quê hương và gần 2,5 năm cố gắng phát triển giáo dục mầm non tại địa phương, nhà đầu tư Minh Sang đã nhận được một bi kịch đầu tư cho giáo dục: 30 giáo viên đã tuyển dụng rơi vào thất nghiệp, 7 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất đã thành mây khói và các cháu tuổi thơ không còn nơi học.

Mấu chốt của bi kịch đối với nhà đầu tư giáo dục tại Thanh Chương và việc áp dụng pháp luật đất đai đối với nhà đầu tư xã hội hóa giáo dục thuê đất và bồi thường tài sản công trên đất.

Lúc trước, Sở Tài chính Nghệ An cho rằng cho thuê đất miễn tiền thuê đất, 10 ngày sau lại đổi giọng cho rằng phải đấu giá quyền sử dụng đất. Đây chính là điều cốt yếu cần làm rõ. 

Không phải đấu giá đất mà cứ bắt đấu giá

Điểm b Khoản 2 Điều 116 của Luật Đất đai 2013 quy định "Các trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất gồm các trường hợp sử dụng đất được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất quy định tại Điều 110 của Luật này".

Tại Điều 110, Điểm g Khoản 1 quy định việc miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được thực hiện bao gồm các trường hợp khác theo quy định của Chính phủ.

Lần theo các quy định của Chính phủ, Khoản 3 Điều 1 tại Nghị định 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường) quy định về sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 6 (cho thuê đất) của Nghị định 69 này với nội dung "Đối với cơ sở thực hiện xã hội hóa sử dụng đất tại các đô thị, UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế của địa phương quy định chế độ miễn, giảm tiền thuê đất theo từng khu vực, lĩnh vực".

Lần tiếp tới các quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Khoản 1 Điều 4 (miễn, giảm tiền thuê đất đối với khu vực đô thị) tại Quyết định số 13/2015/QĐ.UBND ngày 9/02/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An quy định "Thực hiện miễn tiền thuê đất cho toàn bộ thời gian thuê đối với các dự án đầu tư xã hội hoá trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, dạy nghề, giáo dục mầm non tư thục, y tế chuyên khoa, môi trường và giám định tư pháp".

Từ các quy định dài dòng ở trên, có thể kết luận chắc chắn rằng: theo quy định của pháp luật hiện hành thì dự án giáo dục mầm non Thanh Chương do Công ty Minh Sang đầu tư tại thị trấn Thanh Chương, huyện Thanh Chương, Nghệ An được miễn 100% tiền thuê đất và không thuộc trường hợp phải đấu giá đất.

Lời bình cuối

Một lần nữa, trường hợp đề cập ở bài báo này lại nói lên rằng Nghị quyết của Đảng rất đúng đắn, nhưng thực hiện trên thực tế rất sai trái.

Xâu chuỗi lại khoảng 2,5 năm Công ty Minh Sang và các thầy, cô giáo tốt đã gồng mình lên cố gắng thực hiện tốt nhất Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nhưng lãnh đạo địa phương các cấp không muốn thực hiện Nghị quyết thì cũng đành chịu.

Chuỗi sự kiện này cho thấy như địa phương mời gọi nhà đầu tư xã hội đến, quyết định cho làm, rồi xóa bỏ tất cả để xua đuổi đi khỏi địa phương, Nhà đầu tư đi tới, sập bẫy và thiệt hại.

Vậy thì đến bao giờ giáo dục và đạo tạo Việt Nam mới được đổi mới như mong đợi của Bác Hồ, như đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo của Đảng và Nhà nước ta đã hoạch định.

Giáo sư Đặng Hùng Võ