Giáo viên An Giang phản ánh việc không được nhận dạy thừa giờ năm học 2019-2020

09/08/2020 07:01
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu quy đổi công bằng thì một tuần học sinh nghỉ dịch, giáo viên bình quân phải bỏ ra khoảng 25-27 tiết/tuần (chưa tính 2 tuần ôn tập) đã vượt số tiết quy định...

Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh của giáo viên huyện Châu Thành, Chợ Mới, tỉnh An Giang về việc trong năm học vừa qua, dù đã dạy tăng tiết so với quy định (giáo viên kiêm nhiệm các chức danh, giáo viên dạy 2 buổi/ngày) nhưng vẫn không nhận được tiền phụ trội/thừa giờ theo quy định.

Giáo viên chia sẻ vì không được tính tiền phụ trội cho năm học 2019-2020. Ảnh: tác giả.

Giáo viên chia sẻ vì không được tính tiền phụ trội cho năm học 2019-2020. Ảnh: tác giả.

Theo các giáo viên này, ngay trong một trường học đã xảy ra chuyện không công bằng. Ví như giáo viên khối 3, 4, 5 chỉ dạy 1 buổi/ngày nhưng giáo viên khối 1, 2 lại phải dạy tới 2 buổi/ngày. Sức lao động bỏ ra nhiều hơn nhưng số tiết dư cũng không được thanh toán.

Người viết đã có cuộc trao đổi với cán bộ Phòng Giáo dục huyện Châu Thành, được biết:

Theo định biên của Bộ Giáo dục, mỗi năm học sinh tiểu học sẽ học 35 tuần (bậc trung học cơ sở học 37 tuần) thực học.

Năm học này, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên các trường trong tỉnh chỉ dạy 30 tuần.

Muốn tính thêm giờ tăng, phải lấy 23 tiết (số tiết tiêu chuẩn của giáo viên tiểu học) x5 tuần=115 tiết (trung học cơ sở 19 tiết x7 tuần) làm chuẩn. Giáo viên dạy mà vượt số tiết đó mới được nhận”.

Vị cán bộ này nói: “Toàn tỉnh An Giang làm thế chứ không riêng gì huyện Châu Thành. Chúng tôi thực hiện đúng hướng dẫn 1784/SGDĐT-TCCB của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang”.

Sở Giáo dục An Giang chỉ đạo thế nào?

Trong Công văn 1784/SGDĐT-TCCB trả lời đề nghị của Phòng Giáo dục huyện Chợ Mới về việc tính tiền phụ trội cho giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang cho biết:

Thực hiện theo công văn này của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang, giáo viên không còn được nhận tiền phụ trội (Ảnh tác giả)

Thực hiện theo công văn này của Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang, giáo viên không còn được nhận tiền phụ trội (Ảnh tác giả)

“Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉ chế độ làm việc của giáo viên phổ thông trong năm học 2019-2020 nên vẫn áp dụng định mức thời gian dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục là 35 tuần.

Để thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với giáo viên theo quy định, chế độ làm việc của giáo viên cùng với các chế độ chính sách khác có liên quan đến (kiêm nhiệm, tăng giờ…) trong năm học 2019-2020 các đơn vị phải thực hiện theo các quy định hiện hành và thời gian năm học của cấp tiểu học là 35 tuần”.

Lấy định mức cũ để tính cho năm học đặc biệt này sẽ rất thiệt thòi cho giáo viên

Nếu cứ lấy quy định về định mức tiết dạy của Bộ Giáo dục những năm về trước để áp dụng cho năm học này vì có dịch Covid-19 như thế này sẽ vô cùng thiệt thòi cho nhiều nhà giáo.

Ngay, cán bộ phòng giáo dục tại tỉnh An Giang (xin được giấu tên) cũng bày tỏ quan điểm của cá nhân mình là làm như thế này giáo viên sẽ rất thiệt thòi: “Bởi trong 5 tuần không đến trường dạy học nhưng các thầy cô giáo vẫn phải có mặt tại trường, liên tục làm vệ sinh lớp, tổng vệ sinh trường, đến tận nhà giao bài và về nhà chấm sửa bài cho các em”.

Chúng tôi nói đến việc quy đổi tiết dạy theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục theo Công văn Số: 1366/BGDĐT-NGCBQLGD, vị cán bộ này khẳng định huyện mình cũng đã thực hiện quy đổi cho giáo viên nhưng cũng không đủ 115 tiết cho 5 tuần học sinh nghỉ học.

Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đã ký gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn một số nội dung về chế độ làm việc của giáo viên nêu:

a) Căn cứ vào tình hình thực tế việc tổ chức dạy học, giáo dục của nhà trường và các hoạt động cụ thể của giáo viên, hiệu trưởng trao đổi với tổ/nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (trong đó có cả các tiết quy đổi);

b) Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình được dùng chung cho nhiều nhóm/lớp, nhiều cấp học hoặc địa phương thì hiệu trưởng nhà trường căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc để tính toán, quy đổi thành số tiết dạy phù hợp đối với giáo viên đó hoặc tính toán, quy đổi cho cả những người cùng tham gia đảm bảo đúng người, đúng việc;[1]

Cần quy đổi một cách minh bạch, sòng phẳng, tránh thiệt thòi cho giáo viên

Cái lý của Sở Giáo dục tỉnh An Giang và một số địa phương khác đưa ra, giáo viên không dạy đủ 35 tuần mà chỉ dạy 30 tuần nên không đủ số tiết quy định chuẩn hàng năm.

Không riêng gì An Giang, tại Bình Thuận và nhiều tỉnh thành khác cũng đang vướng trong việc tính tiết quy đổi cho giáo viên để nhiều thầy cô giáo lẽ ra nhận được tiết dạy tăng giờ nhưng lại không được nhận..

Bộ đã cho phép quy đổi bằng cách xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên (bao gồm cả tiết quy đổi) để hưởng lương.

Thế nhưng nhiều giáo viên bày tỏ họ không thể hiểu các trường học tính toán quy đổi kiểu gì để nói rằng số tiết quy đổi vẫn không đủ 115 tiết cho 5 tuần học sinh nghỉ đến trường?

Theo các giáo viên này, để đảm bảo tính thống nhất, chính Sở Giáo dục An Giang cần quy định rõ định mức quy đổi chứ không đợi công văn hướng dẫn khác của Bộ Giáo dục gây thiệt thòi cho giáo viên.

Quy đổi tiết dạy và các công việc khác thế nào là hợp lý? Đề xuất cách quy đổi

Trong 5 tuần học sinh nghỉ học, giáo viên liên tục lên trường họp về việc phòng chống dịch để đảm bảo an toàn cho trường học, cho học sinh.

Thứ nhất, giáo viên liên tục đi dọn vệ sinh lớp để sát khuẩn, tổng vệ sinh trường (vì chưa có thời gian nghỉ cố định nên tuần nào cũng phải đi làm), thường xuyên phải trực trường.

Mỗi tuần có it nhất 2 buổi lên trường (1 buổi làm vệ sinh lớp hoặc tổng vệ sinh trường và họp, 1 buổi trực), mỗi buổi chỉ tính bằng 4 tiết dạy. Quy ra 1 tuần có 8 tiết cho công việc này.

Thứ hai, giáo viên vẫn làm công tác chủ nhiệm trong 5 tuần nghỉ vì liên tục gọi điện, nhắn tin, rồi tư vấn cho phụ huynh về việc hỗ trợ học sinh học tập, dặn dò học sinh giữ an toàn trong mùa dịch, thông báo lịch học ở nhà, ở trường.

Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm còn hỗ trợ giáo viên bộ môn khi học sinh học online. Vì thế mỗi tuần có 3 tiết chủ nhiệm theo quy định (bậc trung học 4 tiết) thì mùa dịch cần phải tính cho giáo viên chủ nhiệm từ 5-6 tiết (5 tiết chủ nhiệm bậc tiểu học, 6 tiết chủ nhiệm bậc trung học) mới hợp lý.

Thứ ba, mỗi tuần, giáo viên chủ nhiệm kết hợp giáo viên bộ môn giao bài cho học sinh lớp mình qua nhiều hình thức như làm video, đưa bài tận nhà, giao bài qua Zalo, tin nhắn, emai…

Để có được những nội dung ôn cho các em, giáo viên phải soạn bài, in đề, gửi bài…Và khổ nhất là liên tục trong ngày nhận được tin nhắn gửi bài. Nhiều học sinh, nhiều phụ huynh còn yêu cầu giáo viên chấm bài và trả ngay.

Có những kiến thức khó, phụ huynh gọi điện xin tư vấn, thầy cô buộc phải giải đáp cụ thể. Nhiều thầy cô giáo cho biết, dạy học trên lớp khỏe hơn rất nhiều kiểu dạy học bằng ứng dụng thông tin thế này.

Vì thế, tính tiết quy đổi biết bao nhiêu cho xứng đáng công sức giáo viên đã bỏ ra?

Chúng tôi đề nghị ở mức tương đối 14 tiết/tuần chỉ bằng 2 ngày dạy của giáo viên.

Thứ tư, học sinh kết thúc chương trình trước ngày 5/7 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục nhưng thực chất 15/7 học sinh mới làm lễ tổng kết.

Giáo viên chúng tôi vẫn có 2 tuần phải dạy ôn tập, phụ đạo thêm cho các em những kiến thức còn yếu do thời gian nghỉ dịch quá dài. Bởi thế, nói là 5 tuần không dạy (cho tỉnh dạy 30 tuần) và 7 tuần (cho tỉnh dạy 28 tuần) là không đúng.

Nếu quy đổi một cách công bằng thì một tuần học sinh nghỉ dịch, giáo viên bình quân phải bỏ ra khoảng 25-27 tiết/tuần (chưa tính 2 tuần ôn tập) đã vượt số tiết tiêu chuẩn của giáo viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Các địa phương phải chủ động tính toán thật chi tiết, sòng phẳng thời gian, công sức mà nhà giáo đã bỏ ra trong những tuần học sinh không đến trường theo đúng tinh thần cho phép quy đổi tiết dạy của Bộ Giáo dục.

Để tránh việc quy đổi "trăm hoa đua nở" thì Sở Giáo dục và Đào tạo cần ra quy định cụ thể cách quy đổi các công việc ra tiết dạy.

Từng trường sẽ ngồi lại, tính toán thật cụ thể cho từng giáo viên. Có như thế quyền lợi của nhà giáo mới không bị mất và tránh được việc đánh đồng người làm nhiều, làm ít đều như nhau.

Tài liệu tham khảo:

https://luatvietnam.vn/y-te/cong-van-1366-bgddt-ngcbqlgd-182793-d6.html

Phan Tuyết