Giáo viên chưa thấy văn bản cho phép thay dữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1

12/11/2020 06:15
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu nói có văn bản hành chính chỉ đạo thời điểm này cho phép giáo viên có quyền thay đổi ngữ liệu trong sách giáo khoa lớp 1 mới bị “sạn” thì chúng tôi chưa thấy.

Sau khi dư luận xã hội phát hiện sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều bị “sạn” thì các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà viết sách giáo khoa mới yêu cầu, cho phép các thầy cô giáo được quyền chọn và thay thế ngữ liệu, văn liệu để dạy học.

Vậy nếu không xảy ra sự cố sách giáo khoa mới như vừa qua thì liệu có ai cho phép các thầy cô giáo được tự do thay đổi ngữ liệu như thế không? Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội (xin được giấu tên) cho biết:

“Khi chúng tôi đi tập huấn thì từ chương trình cho đến sách giáo khoa đều được các chuyên gia hướng dẫn rằng chương trình có tính pháp lệnh, còn sách giáo khoa không phải là pháp lệnh.

Giáo viên có quyền thay đổi ngữ liệu nếu thấy không phù hợp với đối tượng học sinh cũng như với trình độ học sinh, không phù hợp với địa phương cũng như với điều kiện thực tế của nhà trường.

Sách giáo khoa được thiết kế theo hướng mở, chứ không bắt giáo viên phải dạy 100% như trong sách. Các chuyên gia tập huấn cho phép giáo viên tìm các hình thức, các phương pháp để chuyển tải các nội dung đó phù hợp với học sinh.

Khuyến khích giáo viên sử dụng các tư liệu tham khảo để nâng cao năng lực cho học sinh, nhưng những tài liêu đó phải được hội đồng chuyên môn nhà trường cho phép.

Theo tôi nếu giáo viên linh hoạt và hội đồng chuyên môn của trường làm việc tốt thì tôi nghĩ không có vấn đề gì.

Còn nếu nói có hay không văn bản pháp lý, văn bản hành chính nào chỉ đạo trực tiếp tại thời điểm này cho phép giáo viên có quyền thay đổi ngữ liệu trong sách giáo khoa lớp 1 mới bị “sạn” thì hiện nay chúng tôi chưa nhận được”.

Học sinh Hà Nội khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Học sinh Hà Nội khai giảng năm học mới. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Theo vị Phó hiệu trưởng này: “Trong điều lệ của trường tiểu học ở khoản 1 điều 29 nói rõ quyền của giáo viên được tự chủ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn với sự hỗ trợ của tổ chuyên môn và nhà trường trong việc lựa chọn, điều chỉnh nội dung giáo dục.

Từ xưa đến nay tôi đã tham dự tấp huấn ở nhiều nơi thì đều không có bắt giáo viên phải dạy y hệt như trong sách giáo khoa, nếu thấy những gì không còn phù hợp với thực tế thì giáo viên có quyền thay bằng những ngữ liệu hiện đại, phù hợp và mấu chốt là phải đạt được mục tiêu.

Nội dung và ngữ liệu được giáo viên đưa thêm từ bên ngoài vào phải đảm bảo về giáo dục toàn diện, về tình cảm, thái độ cũng như thẩm mỹ, khoa học…

Điều này vẫn được triển khai trên bộ sách giáo khoa lớp 1 cũ trước đây và giáo viên được phép thay thế, hoặc dùng những biện pháp khác để truyền tải việc đó chứ không nhất thiết phải cứng nhắc.

Giáo viên được quyền thay đổi ngữ liệu trong sự phối hợp của tổ chuyên môn, vì vậy tổ chuyên môn chúng tôi làm rất chặt. Tại trường tôi sau khi chọn xong bộ sách giáo khoa lớp 1 mới thì tổ chuyên môn của trường đã triển khai ngay trong dịp hè.

Giáo viên phải nghiên cứu từng bài một trong sách giáo khoa, soạn từng bài, chia từng nhóm mỗi môn mấy giáo viên, sau đó tất cả thao diễn từng dạng bài, từng kiểu bài. Vậy nên cả quá trình chúng tôi làm rất kỹ.

Vào thứ 5 hàng tuần chúng tôi sinh hoạt chuyên môn và yêu cầu toàn bộ giáo viên phải nghiên cứu bài giảng cho tuần sau, xem bài mới có vấn đề gì không?

Nếu cần thay đổi thì tổ chuyên môn phải bàn và tổ trưởng sẽ nhận quyết định thay đổi ngữ liệu hay không từ ban giám hiệu nhà trường, việc này được ghi rõ trong biên bản.

Với bộ sách giáo khoa bên tôi đã chọn thì từ đầu năm học đến nay chúng tôi vẫn làm theo quy trình đó và cũng chưa thấy có vấn đề gì xảy ra.

Còn những ngữ liệu dài quá thì chúng tôi có những tiết hướng dẫn học, nếu trong tiết học đó mà chưa chuyển tải hết thì phần đó học sinh sẽ được học tiếp ở tiết hướng dẫn học”.

Với giáo viên quan trọng nhất là phương pháp

Theo Thông tư số 25 về việc lựa chọn sách giáo khoa phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 26/8/2020 thì đến ngay cả các trường phổ thông cũng không hoàn toàn có quyền lựa chọn nói chi là các thầy cô giáo.

Việc lựa chọn này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Theo đó, người đứng đầu các Hội đồng chọn sách là đại diện lãnh đạo Sở giáo dục địa phương, các thầy cô giáo phổ thông nhìn chung và về cơ bản chỉ được đóng góp ý kiến qua “kênh” tổ trưởng Bộ môn và Ban giám hiệu nơi họ công tác.

Vậy, việc chọn sách giáo khoa như vậy có ảnh hưởng gì đến việc lựa chọn sách phù hợp với đặc điểm của trường mình hay không?

Vị Phó hiệu trưởng cho biết: “Theo tôi việc dùng chung một bộ sách giáo khoa trên cùng một địa phương thì cũng có cái thuận lợi cho việc sinh hoạt chuyên môn.

Ngay trong bộ sách giáo khoa lớp 1 mới hay bất cứ bộ sách giáo khoa nào đi nữa thì mục tiêu cuối cùng là cuối mỗi lớp học, cấp học khi thực hiện các bộ sách khác nhau cũng cần đạt chuẩn, đạt mục tiêu quy định. Hơn nữa còn tạo điều kiện cho học sinh nếu phải chuyển trường thì cũng không bị lỡ kiến thức.

Việc sĩ số học sinh khá đông như hiện nay, thậm chí có lớp lên đến 50 học sinh thì việc dạy học sẽ gặp nhiều khó khăn, lớp càng đông càng khó dạy. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Việc sĩ số học sinh khá đông như hiện nay, thậm chí có lớp lên đến 50 học sinh thì việc dạy học sẽ gặp nhiều khó khăn, lớp càng đông càng khó dạy. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Mục tiêu như vậy nhưng trên mỗi bộ sách lại sắp xếp khác nhau, có bộ thì học sinh được học phần ngữ liệu này trước, nhưng có bộ sách phần ngữ liệu đó lại được xếp học sau vài tuần.

Vậy nên năm nay học bộ sách giáo khoa này nhưng sang năm lại học bộ sách khác thì theo tôi cũng không có vấn đề gì quá trở ngại cho học sinh.

Điều quan trọng là giáo viên phải nắm được mục tiêu của chương trình, phải biết chương trình này cần thực hiện là cái gì trong năm học đó và kết thúc phải đạt mục tiêu gì?

Việc bồi dưỡng phương pháp dạy học cũng rất quan trọng và trường chúng tôi thường xuyên mời các chuyên gia giáo dục về để truyền đạt những kiến thức, phương pháp mới cho giáo viên toàn trường.

Bản thân giáo viên khi dạy trên lớp cũng không nên xa rời sách giáo khoa, nhưng cũng không phải là lệ thuộc hoàn toàn vào sách.

Những gì không phù hợp với đối tượng học sinh và điều kiện của nhà trường thì vẫn có thể thay đổi một chút. Nhưng thay đổi gì thì vẫn phải đảm bảo yêu cầu theo quy định và phải đạt mục tiêu”.

Theo Phó hiệu trưởng: “Việc sĩ số học sinh khá đông như hiện nay, thậm chí có lớp lên đến 50 học sinh thì việc dạy học sẽ gặp nhiều khó khăn, lớp càng đông càng khó dạy và điều đó không giáo viên nào chối cãi được.

Việc đổi mới giáo dục thì chương trình và nội dung đã đổi mới rồi, vậy nhiệm vụ chính của giáo viên là đổi mới về phương pháp, có vậy mới truyền tải được việc đổi mới của sách giáo khoa.

Còn giáo viên cứ dạy theo nếp truyền thống cũ, không chịu cập nhật các phương pháp mới hiện đại thì không thể nào theo kịp được để mà truyền đạt sự đổi mới.

Đối với giáo viên thì quan trọng nhất là phương pháp, tiết học đó có đạt được mục tiêu không, có thành công hay không, học sinh có hứng thú phát triển năng lực hay không thì đều do phương pháp dạy của giáo viên quyết định.

Vẫn phải bám vào sách giáo khoa nhưng giáo viên tổ chức dạy học bằng nhiều phương pháp, có thể với phương pháp này giáo viên chỉ truyền đạt được ba phần kiến thức cho học sinh.

Nhưng cũng vẫn bài đó với giáo viên khác và phương pháp khác lại đạt được chín phần kiến thức. Vậy nên chúng ta không nên hiểu máy móc cứ lệ thuộc vào sách giáo khoa là không đổi mới, mọi việc không hoàn toàn như vậy.

Trong một lớp có nhiều đối tượng học sinh nên giáo viên phải rất sáng tạo, tối thiểu phải dạy được đạt chuẩn kỹ năng chung. Ngoài ra với những em khá giỏi thì mình phải có ngữ liệu cao hơn để không làm phí thời gian ngồi trên lớp của các con".

Tùng Dương