Hành trình đi tìm chữ của lũ trẻ làng Kon Pia

25/11/2020 06:00
MINH THẢO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ tờ mờ sáng, những đứa trẻ Xê Đăng ở đại ngàn Tây Nguyên đã bắt đầu hành trình “cuốc bộ” vượt qua những con dốc, quả đồi trùng điệp để đến lớp.

Vượt dốc tìm chữ

Ngôi làng Kon Pia nằm bao bọc bởi những ngọn đồi nối nhau tít tắp, thuộc xã Đăk Hà (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) là nơi sinh sống của những gia đình người Xê Đăng.

Hàng ngày, học trò làng Kon Pia phải vượt qua những dốc dài hun hút để đến trường. Ảnh: MT

Hàng ngày, học trò làng Kon Pia phải vượt qua những dốc dài hun hút để đến trường. Ảnh: MT

Sau chiến tranh, những bản làng Xê Đăng nằm ẩn mình giữa núi rừng, hầu như ít ai biết đến. Lũ trẻ con của bản cũng lớn lên như cây dại giữa rừng, chỉ biết theo cha mẹ lên nương đốt rẫy.

Cách đây mấy năm, một con đường từ trung tâm huyện nối thẳng đến làng Kon Pia hoàn thành, đã mang đến hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp, đầy đủ hơn cho bà con dân bản.

Nhưng điều mà già làng ở Kon Pia vui sướng nhất chính là lũ trẻ con sẽ được đến trường, được học con chữ.

Họ động viên con trẻ đến lớp, gác lại những chuyến đi nương, đi rẫy dài ngày để về trường với thầy cô. Nhìn thấy cảnh ấy, ai cũng mừng cho làng Kon Pia.

Trở lại Kon Pia vào một ngày giữa tháng 11, khi những cơn mưa mang đến cái lạnh tê tái của núi rừng, chúng tôi gặp những đứa trẻ làng Kon Pia trên đường đến lớp.

Từng tốp nhỏ 5-6 em, quấn tạm chiếc áo mưa màu trắng đục giản đơn vội vã vượt qua những con dốc dài hun hút.

Gương mặt tím tái vì lạnh nhưng mồ hôi lại nhễ ra trên trán của Y Thu (học sinh lớp 5C, Trường tiểu học Đăk Hà). Cô bé đã dậy từ lúc con gà rừng chưa gáy, ăn tạm chén cơm nguội rồi ra cổng làng cùng đám trẻ vượt dốc đến trường.

“Từ làng đến trường dài hơn 7km, đường nhiều đồi dốc hun hút nên tụi em phải xuất phát từ sớm. Nhiều bạn có áo mưa cũ để mặc, còn nhiều bạn phải trùm tạm bằng những chiếc bao phân bón”.

Y Thu chia sẻ, rời nhà từ sáng nên hầu như bạn nào cũng phải mang chiếc bụng rỗng đến trường, may mắn lắm mới có được chén cơm nguội hay củ khoai, củ mỳ mang theo.

“Ngày trước, trong bản cũng có nhiều bạn được bố mẹ mua cho xe đạp cũ để đi học cho đỡ mỏi chân. Nhưng đường dốc như vậy thì đạp xe không lên nổi, còn mệt hơn đi bộ”, Y Thu cho hay.

Ngồi thở hổn hển sau khi đã vượt qua được con dốc dài, Y Yong (lớp 3B, trường tiểu học Đăk Hà) vui vẻ cười đùa:

“Hồi lớp 1, lớp 2 còn học trường làng thì sướng lắm, không phải đi bộ xa. Giờ lên lớp 3 rồi phải ra điểm trường chính học nên tụi em phải đi xa hơn. Mệt lắm nhưng cũng phải cố gắng thôi.

Hôm nào may mắn có ai đi xe máy chạy về xuôi thì xin đi nhờ. Chúng em chỉ ước con đường đến trường bằng phẳng hơn để cái chân không bị mỏi”.

Y Yong cũng tâm sự, mỗi lần xem tivi, thấy học sinh ở dưới xuôi đi học bằng xe bus, bạn nào cũng hào hứng: “ước gì đưa cái xe bus dưới xuôi lên đây nhỉ”.

Khát vọng

“Học trò ở làng Kon Pia nghèo lắm, gia đình đủ cái ăn là may mắn lắm rồi. Cuộc sống phụ thuộc vào việc trồng mỳ, trồng lúa nên ba mẹ các em phải thường xuyên ở lại canh rẫy, không có thời gian để quan tâm đến việc học các em.

Dù khó khăn, đói rét nhưng học trò của làng Kon Pia vẫn cháy bừng ngọn lửa hiếu học. Ảnh: MT

Dù khó khăn, đói rét nhưng học trò của làng Kon Pia vẫn cháy bừng ngọn lửa hiếu học. Ảnh: MT

Nhiều em đến lớp chỉ với manh áo cọc, ngồi co ro vì lạnh. Nhưng có một điều may mắn là trẻ làng Kon Pia rất ham học, chịu khó.

Hiếm có bản làng nào lại có tinh thần học tốt như Kon Pia”, cô Dương Thị Anh (giáo viên chủ nhiệm lớp 5C, Trường tiểu học Đăk Hà) cho hay.

Trò chuyện với những cô bé, cậu bé người Xê Đăng ngày ngày vượt dốc tìm chữ mới thấy được khát khao, ước mơ vượt ra khỏi cái đói, cái dốt của bản làng bao năm.

Nhà nghèo, đông anh em, đến trường lúc nào cũng với cái bụng chưa được no nhưng Y Lan (lớp 4B) chưa một ngày tự ý nghỉ học. Những cơn mưa rừng tầm tả hay nhưng con dốc dài hun hút cũng không ngăn nổi bước chân em đến trường.

“Gia đình nghèo khó nhưng bố mẹ vẫn muốn em đến trường học tập để sau này lớn lên thi vào đại học. Em ước mơ trở thành một cô giáo để trở về dạy cho bọn trẻ trong bản”, Y Lan tâm sự.

Thương học trò, vào những ngày mưa rét, cô Anh cùng các giáo viên khác lại chạy xe vào tận bản Kon Pia đón con em ra trường.

“Các thầy cô đang lên kế hoạch gom góp tiền, gạo để nấu cơm trưa cho các em ở lại trường học hai buổi.

Nhưng sĩ số học sinh khá đông nên cũng không kham hết nổi, chỉ mong lo đủ cho các em không bị đói”, cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Đăk Hà chia sẻ.

MINH THẢO