Học sinh thủ đô còn mệt vì trường chất lượng cao, tư duy bao cấp

20/05/2018 07:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Các quận nội thành Hà Nội lo chỗ học cho con em còn chưa xong, nay gánh thêm trường "chất lượng cao" càng khiến vòng xoáy luyện thi ngày một khốc liệt.

Trong bài viết "Vì sao học sinh Hà Nội phải đến các lò học thêm tối ngày?", chúng tôi đã phân tích nguyên nhân của chuyện này:

Hà Nội "mọc" ra trường chất lượng cao, dùng ngân sách đầu tư cho một số trường có dịch vụ giáo dục cao và chi phí thấp, tạo nên vòng xoáy luyện thi đêm ngày.

Cách quản lý tuyển sinh đầu cấp cứng nhắc và ảnh hưởng tư duy bao cấp của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội càng làm cho cuộc đua vào trường "chất lượng cao" thêm khốc liệt, đồng thời làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích của các học sinh cuối cấp khác.

Vì trường chất lượng cao, các trường trung học cơ sở đồng loạt bị Bộ cấm thi tuyển lớp 6?

Theo Báo VnExpress, ngày 17/3/2015 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển ký công văn gửi các sở giáo dục và đào tạo chỉ đạo: cấm tuyệt đối việc thi tuyển vào lớp 6.

Chúng tôi đã có loạt bài phân tích "động lực" của Bộ Giáo dục và Đào tạo đằng sau lệnh cấm này, liên quan đến việc lái học sinh cuối cấp tiểu học lao vào các cuộc thi trên mạng (ViOlympic, IOE...) và mang về một khoản thu không nhỏ cho các doanh nghiệp hợp tác với Bộ.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi đó chỉ rõ lý do ông phải ký quyết định cấm tuyệt đối thi tuyển vào lớp 6 là để thực hiện nghị quyết của Ban chấp hành trung ương Đảng ngày 24/12/1996:

"Không tổ chức trường chuyên ở tiểu học và trung học cơ sở, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao". [1]

Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh: Quý Trung / TTXVN.
Ông Nguyễn Vinh Hiển, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ảnh: Quý Trung / TTXVN.

Ông Nguyễn Vinh Hiển được Báo Tin tức dẫn lời khẳng định:

Việc cấm tuyệt đối thi tuyển vào lớp 6 là cách thức để Bộ chỉ đạo thực hiện quyết liệt hơn, đưa tất cả các trường trung học cơ sở hoạt động đúng với quy định, không trường chuyên, lớp chọn và không có ngoại lệ cho bất cứ trường học nào. [2]

Như vậy, rõ ràng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi đó đã "bốc đúng bệnh" của nạn bùng phát lò luyện thi lớp 6 là do trường chuyên, lớp chọn.

Tiếc rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã "bốc thuốc sai", thay vì kiên quyết chỉ đạo các địa phương bỏ trường chuyên, lớp chọn trá hình, thì Bộ lại quay ra cấm toàn diện, cấm triệt để thi tuyển vào lớp 6.

Có điều lệnh cấm của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hơi "quá đà" với việc cấm tổ chức thi tuyển vào lớp 6 được thực hiện trên toàn quốc, không phân biệt trường công hay tư.

Các trường tư đã khó khăn, càng thêm khốn khổ, vì "cháy thành lây vạ". Khổ nhất là học sinh chuyển cấp, thay vì thi không được trường này còn có trường khác, các em phải trông vào các tiêu chí phụ làm đẹp hồ sơ.

Trước lệnh cấm, học sinh chỉ phải ôn thi một vài tháng. Sau lệnh cấm, học sinh chuyển cấp quay cuồng với các cuộc thi quanh năm để có giải thưởng, có danh hiệu cho vào hồ sơ tuyển sinh nhằm chen vào các trường mong muốn.

Trong khi trường tư thục hoạt động theo một cơ chế hoàn toàn khác, điều chỉnh bởi Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT cũng do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký năm 2013. 

Luyện thi lớp 6 đang ngày càng nóng do cuộc đua vào các trường "chất lượng cao" được tạo ra bởi cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ngay tại Hà Nội. Ảnh minh họa: VTV.vn
Luyện thi lớp 6 đang ngày càng nóng do cuộc đua vào các trường "chất lượng cao" được tạo ra bởi cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ngay tại Hà Nội. Ảnh minh họa: VTV.vn

Lệnh cấm này đã gây ra khó khăn không nhỏ cho các trường tư thục trong công tác tuyển sinh, tuân thủ thì "vỡ trận", không nghe lời thì bị đe "xử lý nghiêm". Nên hầu hết các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội buộc phải chọn cách "tuyển sinh chui".

Càng cấm, tình trạng học thêm dạy thêm với học sinh tiểu học ở Hà Nội càng bức bách.

Bộ biết sai, nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì nhất quyết không sửa?

Sau 3 năm cấm tuyệt đối thi tuyển vào lớp 6, đến năm học 2017-2018 Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải "nới lỏng" lệnh cấm và năm học này thì điều chỉnh thông tư, cho phép các trường "đặc thù" có số học sinh đăng ký đông hơn chỉ tiêu được tuyển sinh bằng "xét tuyển, kết hợp kiểm tra đánh giá năng lực."

Cho dù cách điều chỉnh của Bộ là nửa vời và chưa thể gỡ hết những khó khăn trong tuyển sinh trường tư mà lệnh cấm của Bộ gây ra, nhưng các địa phương khác vận dụng rất linh hoạt tinh thần chỉ đạo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì không gặp vấn đề gì.

Riêng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn kiên quyết chờ một văn bản rõ ràng từ Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Kỳ tuyển sinh năm ngoái, Báo Thanh Niên có bài phản ánh tình trạng Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo "tùy sở", còn Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thì cứ ngồi "chờ Bộ" hướng dẫn cụ thể.

Ngày 05/12/2017, Báo Thanh Niên dẫn lời ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, khẳng định cho đến thời điểm này lệnh cấm tổ chức thi vào lớp 6 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn nguyên giá trị:

“Bộ chưa có chỉ đạo hoặc văn bản chỉ đạo nào thay thế, nên chúng tôi không có cơ sở nào để có thể chỉ đạo các trường như vậy cả.” [3]

Trong khi chỉ cần Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thực sự quán triệt tinh thần xây dựng chính phủ kiến tạo, thì việc để các trường tư thục tự chủ tuyển sinh theo đúng Thông tư 13/2011/TT-BGDĐT đã giảm được rất nhiều áp lực và tăng tối đa cơ hội lựa chọn cho học sinh chuyển cấp.

Các dịch vụ luyện thi nở rộ để đáp ứng nguyện vọng của sĩ tử, cha mẹ học sinh đang lao vào vòng xoáy mang tên "trường chất lượng cao". Nguồn: VTV.vn.
Các dịch vụ luyện thi nở rộ để đáp ứng nguyện vọng của sĩ tử, cha mẹ học sinh đang lao vào vòng xoáy mang tên "trường chất lượng cao". Nguồn: VTV.vn.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội thể có lý của mình bởi sự chỉ đạo "nhập nhằng" của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội lại quên mất trách nhiệm của chính mình đã gây nên những cơn sốt luyện thi vì phát triển các trường công lập chất lượng cao mới dẫn đến lệnh cấm ấy.

Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ghi rõ:

Điều 2. Nguyên tắc phát triển trường chất lượng cao.

2. Chỉ phát triển trường chất lượng cao ở những khu vực đã có đủ chỗ học cho các đối tượng phổ cập.

Nhưng thực tế thì sao? Theo Báo Công an Nhân dân ngày 11/7/2017, quận Cầu Giấy hiện có 88 trường học, trong đó có 35 trường công lập và 53 trường dân lập (tư thục).

Để giải quyết nhu cầu thiếu trường công lập, trong khi nhu cầu của người dân tăng cao, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải dùng nhiều biện pháp tình thế trong đó có việc buộc phải tăng sĩ số lớp lên gấp rưỡi. 

Theo quy định hiện nay, với cấp tiểu học sỹ số là 35-40 học sinh/lớp, nhưng thực tế tại nhiều trường thuộc các quận nội thành, khu đô thị, sĩ số học sinh rất đông, đều trên dưới 60 em/lớp. 

Bà Trịnh Thị Dung, Phó Chủ tịch quận Cầu Giấy cho biết:

Học sinh thủ đô còn mệt vì trường chất lượng cao, tư duy bao cấp ảnh 4

3 cách giảm áp lực sĩ số trường công Hà Nội hiệu quả, không tốn ngân sách

Số lượng học sinh trên địa bàn quận cũng tăng rất nhanh, ví dụ năm 2016 tăng 10% tương đương với 6.200 em học sinh. 

Trước tình hình đó, hàng năm quận Cầu Giấy đều dành từ 35-40% ngân sách để đầu tư cho giáo dục bao gồm các hoạt động như cải tạo, sửa chữa và xây mới trường học. [5]

Cầu Giấy lo chỗ học cho con em quận này còn chưa xong, lại còn phải phát triển "trường chất lượng cao".

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã không hướng dẫn cho Cầu Giấy tìm giải pháp giảm áp lực sĩ số cho trường công từ các trường tư thục trên địa bàn (53/88, chiếm 60%);

Chính bản thân Sở Giáo dục và Đào tạo còn gây thêm khó khăn cho các trường tư thục trong tuyển sinh, đồng thời còn làm các lò luyện thi nóng thêm vì "trường chất lượng cao" ở địa bàn như Cầu Giấy.

Trong khi thành phố Hồ Chí Minh cũng có các hình thức "trường chuyên, lớp chọn", nhưng áp lực luyện thi vào lớp 6 của các em ở đây không nặng nề như bạn bè chúng ngoài Hà Nội.

Bởi vì học sinh chuyển cấp ở thành phố Hồ Chí Minh trượt trường công lập "chất lượng cao" thì vẫn còn nhiều lựa chọn "chất lượng tốt".

Đó là các trường tư thục đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu.

Hà Nội dường như đang muốn "độc quyền" thương hiệu "chất lượng cao" cho một số ít trường công để năm nào cũng gây nên những cơn sốt.

Hà Nội quyết không chấp nhận để các trường tư gánh đỡ áp lực sĩ số trường công, phải chăng vì còn muốn khai thác triệt để cơ chế xin - cho?

Với cách quản lý rất nặng nề về hành chính, cấp phép thay vì "kiến tạo cho các đơn vị phát triển" như Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang làm hiện nay, học sinh chuyển cấp ở nội thành Thủ đô sẽ còn vất vả, lò luyện thi chưa biết khi nào mới bớt sức nóng.

Nguồn:

[1]https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-giao-duc-tuyet-doi-khong-to-chuc-thi-tuyen-vao-lop-6-3158734.html

[2]https://baotintuc.vn/giao-duc/cam-tuyet-doi-thi-tuyen-vao-lop-6-20150423161314536.htm

[3]https://thanhnien.vn/giao-duc/thi-hay-khong-thi-vao-lop-6-906525.html

[4]http://vanban.hanoi.gov.vn/documents/10182/12079/DLFE-31628.pdf

[5]http://cand.com.vn/dia-oc/Giam-tai-truong-hoc-Bao-gio-het-giai-phap-tinh-the-449012/

Hồng Thủy