Học sinh trường Ngọc Hồi hỏi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nên chọn nghề như thế nào

17/12/2020 09:41
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng như khơi nguồn cảm hứng, tạo động lực cho các em học sinh chuẩn bị hành trang bước vào thời đại 4.0.

Ngày 16/12/2020, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) tổ chức buổi hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Mặc dù Hà Nội đang trong những ngày lạnh giá của mùa đông nhưng những câu chuyện, chia sẻ của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã "truyền lửa" đến 1750 học sinh của Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi, mở ra cho các em những góc nhìn mới, bài học mới về cuộc sống.

Tại buổi hội thảo, học sinh đã đặt câu hỏi đối với Giáo sư Nguyễn Lân Dũng về con đường tương lai của mình: “Thưa thầy, em băn khoăn vì em muốn học sư phạm và cũng muốn học ngành kinh tế, nhưng em lo lắng học ngành kinh tế thì sự cạnh tranh quá lớn”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ: “Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, em phải là con người tự do, em có đủ trí tuệ, khả năng quyết định và quyết tâm cho con đường của mình.

Mặt trái của công nghệ 4.0 là thất nghiệp. Chúng ta đã biết đại học không phải là con đường duy nhất, nhưng làm công nhân cũng chưa hẳn an toàn. Bởi các loại hình công ty phổ biến ở nước ta như may mặc, đồ da, lắp ráp điện tử đều đang bị chịu sự tác động của robot.

Chính vì vậy, các em phải quyết tâm với đam mê của mình. Tôi khuyên các em dám nghĩ, kiên quyết theo con đường của mình. Nghề gì cũng quý, miễn là các em có ý chí và quyết tâm”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về thách thức, cơ hội trong thời đại 4.0 (Ảnh: Phạm Minh)

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chia sẻ về thách thức, cơ hội trong thời đại 4.0 (Ảnh: Phạm Minh)

Chia sẻ những lo lắng về việc định hướng nghề nghiệp trong thời đại 4.0, học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi đã đưa ra một câu hỏi vô cùng thú vị: “Trong cuộc cách mạng 4.0, chúng em nên chọn ngành nghề đang phát triển hay chọn những ngành nghề 10 năm nữa mới phát triển.

Trả lời cho câu hỏi này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định: “Các em không thể ngồi đợi không làm gì trong 10 năm để chờ một ngành nghề phát triển.

Các em phải có định hướng nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, phải tìm hiểu rõ vì có những ngành nghề trong tương lai sẽ không còn. Nhận thức rõ điều này, các em phải chọn những ngành nghề hiện tại đang phát triển và có triển vọng, tiềm năng trong cả tương lai”.

Đối với ngành Marketing mà học sinh băn khoăn lo lắng, Giáo sư khẳng định đây là một ngành nghề đang phát triển ở thời điểm hiện tại và vẫn rất cần thiết trong tương lai, nếu có thay đổi thì chỉ là sự thay đổi về hình thức, phương tiện.

Cơ hội và thách thức với giới trẻ trong thời đại 4.0

Thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự ra đời của một loạt các công nghệ mới.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã giúp các em hiểu rõ về thời đại 4.0 qua những đột phá công nghệ như Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), vạn vật kết nối (Internet of thing), Robot thế hệ mới, công nghệ in 3D, Xe tự lái, Công nghệ sinh học,…

Có thể thấy, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động và ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các lĩnh vực, nền kinh tế, các ngành kinh tế và ngành công nghiệp.

Robot, Trí tuệ nhân tạo có khả năng giải quyết nhiều việc tốt hơn con người, chúng đã,đang và sẽ thay thế nhiều công việc, nghề nghiệp của con người.

Từ lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp đến sản xuất,… robot đã thay thế con người làm việc, giúp tăng năng suất, hiệu quả lao động. Điều đó ai trong chúng ta cũng đã thấy rõ.

Tuy nhiên, để các em học sinh hình dung rõ sự ảnh hưởng mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo đến cuộc sống, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ về những robot đặc biệt hơn.

Đó là những robot ở sân bay có thể tư vấn chỗ ăn chỗ nghỉ cho khách hàng, dẫn khách hàng đi đến những địa điểm cụ thể, thậm chí có thể pha cà phê theo khẩu vị của con người.

Có những robot giá rẻ, làm nhiệm vụ của một trợ lý đắc lực cho công việc hàng ngày đến những robot cao siêu hơn như robot Sophia được cấp quyền công dân đầu tiên trên thế giới.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định tương lai các em sẽ trở thành công dân toàn cầu, cần học tập, rèn luyện, cố gắng vươn lên. Ảnh: Phạm Minh

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khẳng định tương lai các em sẽ trở thành công dân toàn cầu, cần học tập, rèn luyện, cố gắng vươn lên. Ảnh: Phạm Minh

Các em học sinh thích thú, bất ngờ khi Giáo sư Nguyễn Lân Dũng nhắc đến robot luật sư, robot quân nhân, robot làm nhiệm vụ dò mìn, robot khám bệnh, robot đánh cờ…

Dường như robot có thể thay thế con người làm việc ở bất cứ một lĩnh vực, ngành nghề nào. Quan trọng hơn, robot có thể làm việc một cách chuyên nghiệp hơn con người.

Ngoài robot, sự xuất hiện của những đột phá công nghệ khác cũng làm thay đổi cuộc sống của chúng ta.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cho biết, công nghệ in 3D ra đời cho phép chúng ta sản xuất ra những vật dụng mới bằng mọi chất liệu, vật liệu. Máy in 3D có thể in ra linh kiện máy bay, thậm chí là sản xuất nhà ở nhanh chóng.

Chính điều này đang đặt ra cho chúng ta không ít thách thức. Robot thay thế hàng loạt công việc nghề nghiệp từ đơn giản đến phức tạp, nguồn lực lao động sẽ suy giảm rất nhanh chóng.

Hơn một nửa công việc ngày nay đòi hỏi các kỹ năng liên quan đến công nghệ. Trong tương lai, các em học sinh cũng có thể sẽ làm những công việc, nghề nghiệp chưa có trong hiện tại. Các em học sinh, thế hệ trẻ hôm nay chính là lực lượng lao động tương lai của đất nước.

Trong bối cảnh mới của xã hội với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng 4.0, các em phải chuẩn bị kiến thức, tâm thế, tinh thần sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới.

Các em phải thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của thế giới; phải tự nhận thức, tự quản lý bản thân; chủ động học tập và làm chủ công nghệ. Trong thời đại mở, xu thế dịch chuyển như hiện nay, người trẻ cũng đang nắm trong tay vô vàn cơ hội.

Các em có thể học tập mọi lúc, mọi nơi với những phương thức khác nhau, các em được tiếp cận với những công nghệ hiện đại, khám phá, tìm kiếm kiến thức không giới hạn.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng căn dặn các bạn học sinh: Học tập trong thời đại công nghiệp 4.0 là để trở thành công dân toàn cầu, trở thành người tự do, làm chủ cuộc đời mình.

Muốn trở thành công dân toàn cầu, các em phải học tiếng Anh, học lập trình, công nghệ thông tin.

Một điều không kém phần quan trọng đó là sự nỗ lực vươn lên, kiên trì, cố gắng vượt qua những khó khăn, nghịch cảnh.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng muốn các em học sinh học tập những tấm gương về ý chí học tập như Trần Hồng Giang (Nam Định), Lê Thị Thắm (Thanh Hóa) – những người bị khiếm khuyết về cơ thể vẫn vươn lên học tập, tạo dựng thành tích và trở thành người có ích cho xã hội.

Giáo sư cũng mong muốn các em hãy học tập anh nông dân Mười Bơ, chỉ học đến lớp 6 nhưng đã từng bước, từng bước trở thành tỷ phú, làm thay đổi cuộc sống của người dân Tây Nguyên khi áp dụng ý tưởng trồng cây bơ thay thế cây muồng che bóng mát cho cây cà phê ở Tây Nguyên.

Tinh thần lạc quan, ý chí, quá trình học tập không ngừng nghỉ sẽ giúp các em trở thành những công dân toàn cầu trong thời đại 4.0, các em sẽ biến những thách thức, khó khăn thành cơ hội để thành công, để làm chủ cuộc đời mình và sống một cách ý nghĩa.

Cô giáo Khúc Thị Huệ - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Phạm Minh

Cô giáo Khúc Thị Huệ - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi tặng hoa và gửi lời cảm ơn đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Phạm Minh

Kết thúc buổi hội thảo, cô giáo Khúc Thị Huệ - Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi đã thay mặt các em học sinh và Ban giám hiệu nhà trường gửi lời cảm ơn đến Giáo sư Nguyễn Lân Dũng.

Cô Huệ cho biết buổi hội thảo do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức đã đem đến cho thầy cô và các em học sinh nhà trường nhiều bài học ý nghĩa.

Một ngôi trường với bề dày lịch sử hơn 50 năm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô giáo Khúc Thị Huệ chia sẻ: “Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi được thành lập từ năm 1966. Năm học 2020-2021 trường có 1750 học sinh cùng 81 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác tại trường. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, trường đã gây dựng được nhiều thành tích nổi bật: Trường có 27 giáo viên đạt giải giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố; hàng trăm học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp Thành phố và có học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia.

Hàng năm tỉ lệ học sinh khá, giỏi đạt trên 90%. Nhiều học sinh đạt Huy chương về văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao cấp Thành phố và có học sinh đạt Huy chương cấp quốc gia. Nhà trường đã được tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhì” và nhiều bằng khen của Chính phủ, Cờ thi đua của Thành phố Hà Nội.

Nhà trường luôn chú trọng giáo dục toàn diện cho học sinh: giáo dục học sinh việc thực hiện nội quy của nhà trường, giáo dục tính kỷ luật, nề nếp, lối sống, giáo dục truyền thống.

Trường đã tổ chức cho 100% học sinh kí cam kết về an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn xã hội, sử dụng điện thoại di động; 100% học sinh kí cam kết không tàng trữ, sử dụng vật liệu cấm.

Nhà trường đã tổ chức được nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp thiết thực, bổ ích: tham quan, dã ngoại; sinh hoạt theo chủ đề (tại lớp và trước trường), kỉ niệm các ngày lễ trong năm (ngày Giải phóng Thủ đô, ngày Phụ nữ Việt Nam, ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam….).

Đồng thời, triển khai lồng ghép giảng dạy bộ tài liệu “Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh của người Hà Nội” cho học sinh trong các giờ sinh hoạt dưới cờ theo chủ đề.

Đặc biệt, Nhà trường đã triển khai có hiệu quả chuyên đề “Đổi mới, sáng tạo trong dạy học” ở tất cả các bộ môn. Năm học 2019-2020 do dịch bệnh Covid-19 nên phải dạy và học trực tuyến, cán bộ giáo viên nhà trường đã kịp thời cập nhật các phần mềm hỗ trợ để giao bài như Olm.vn, kiểm tra trực tuyến My Aloha; dạy Zoom…”.

Một số hình ảnh tại buổi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” tại Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi:

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Ban giám hiệu Trường Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi. Ảnh: Phạm Minh

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và Ban giám hiệu Trường Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi. Ảnh: Phạm Minh

1750 học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi tham dự buổi hội thảo. Ảnh: Phạm Minh

1750 học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi tham dự buổi hội thảo. Ảnh: Phạm Minh

Mặc dù thời tiết mùa Đông giá lạnh, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫn miệt mài "truyền lửa" cho thế hệ trẻ. Ảnh: Phạm Minh.

Mặc dù thời tiết mùa Đông giá lạnh, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng vẫn miệt mài "truyền lửa" cho thế hệ trẻ. Ảnh: Phạm Minh.

Các em học sinh say sưa lắng nghe những câu chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Phạm Minh

Các em học sinh say sưa lắng nghe những câu chuyện của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Phạm Minh

Cuộc trao đổi giữa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng với các em học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi diễn ra sôi nổi. Ảnh: Phạm Minh

Cuộc trao đổi giữa Giáo sư Nguyễn Lân Dũng với các em học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi diễn ra sôi nổi. Ảnh: Phạm Minh

Học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi đặt câu hỏi với diễn giả. Ảnh: Phạm Minh.

Học sinh Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi đặt câu hỏi với diễn giả. Ảnh: Phạm Minh.

Học sinh giao lưu, chia sẻ cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Phạm Minh

Học sinh giao lưu, chia sẻ cùng Giáo sư Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Phạm Minh

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ký và tặng sách cho các em học sinh. Ảnh: Phạm Minh

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng ký và tặng sách cho các em học sinh. Ảnh: Phạm Minh

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh. Ảnh: Phạm Minh

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh lưu niệm cùng các em học sinh. Ảnh: Phạm Minh

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh lưu niệm với các giáo viên Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi. Ảnh: Phạm Minh

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng chụp ảnh lưu niệm với các giáo viên Trường Trung học phổ thông Ngọc Hồi. Ảnh: Phạm Minh

Chuỗi Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0” là một hoạt động ngoại khóa đặc biệt mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với các Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường trung học phổ thông trong cả nước tổ chức.

Với diễn giả đặc biệt là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân Dũng, các cuộc hội thảo đã thu hút hàng chục ngàn lượt nghe của các cán bộ, giáo viên, học sinh các trường.

Trong khuôn khổ các buổi hội thảo, các em học sinh, sinh viên đã được Giáo sư Nguyễn Lân Dũng hun đúc niềm đam mê khởi nghiệp trong thời đại mới, đầy thách thức nhưng cũng đầy cơ hội.

Hiện tại, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tiếp tục tổ chức chuỗi Hội thảo: “Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”. Các nhà trường có thể đăng ký qua số điện thoại đường dây nóng: 0938.766.888 - 0243.5569666; 0243.5569777. Email: toasoan@giaoduc.net.vn.

Mọi chi phí tổ chức hội thảo đều do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam chi trả.

Phạm Minh