Khi thầy Hiệu trưởng xung phong chống dịch

24/11/2021 06:31
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi dịch bệnh ở thành phố bước vào giai đoạn căng thẳng với nhiều ổ dịch mới phát sinh, thầy Út đã xung phong vào đội chống dịch, tình nguyện bước lên tuyến đầu.

Những ngày này, thầy Trần Ngọc Út – Hiệu trưởng Trung học cơ sở Hồ Nghinh (quận Hải Châu, Đà Nẵng) lại trở về tất bật chuẩn bị dọn dẹp, vệ sinh trường lớp để đón học sinh trở lại sau nhiều tháng đóng cửa vì dịch bệnh.

Trước đó, thầy đã có quãng thời gian tham gia đội tình nguyện chống dịch ở địa phương trong thời điểm “nước sôi, lửa bỏng” nhất của Đà Nẵng vào giữa tháng 8/2021.

Tình nguyện đi chống dịch

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm Hóa của Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định), thầy Út chọn con đường trở về quê lập nghiệp.

Thầy Út trong bộ đồ bảo hộ kín mít tham gia lực lượng phòng dịch chống dịch tại địa phương. Ảnh: AN

Thầy Út trong bộ đồ bảo hộ kín mít tham gia lực lượng phòng dịch chống dịch tại địa phương. Ảnh: AN

Từng trải qua nhiều vị trí từ giáo viên đến chuyên viên phòng giáo dục, năm 2015 thì thầy Út được điều động về làm Hiệu trưởng trung học cơ sở Hồ Nghinh, một cơ sở giáo dục vừa mới thành lập để nhằm giảm tải cho các trường trung tâm quận Hải Châu.

Vào giữa tháng 8/2021, Đà Nẵng trở thành “điểm nóng” của cả nước về dịch bệnh với nhiều ca nhiễm, ổ dịch trong cộng đồng. Toàn thành phố giãn cách xã hội, mọi ngã đường, gốc phố đều giăng dây, chốt chặn.

“Thời điểm đó, nhà trường cũng đóng cửa, Hoàng Diệu (quận Hải Châu), nơi gần nhà tôi ở là một điểm nóng. Mọi người đều đóng cửa then cài, chỉ có lực lượng y tế và tình nguyện viên mới ra đường làm nhiệm vụ.

Trong hoàn cảnh các lực lượng y tế, dân phòng, công an… đều quá tải, tôi đã xin tình nguyện tham gia chống dịch. Cán bộ y tế quận, phường giao nhiệm vụ gì thì làm cái đó. Ban đầu là hỗ trợ điều tra thông tin, lấy mẫu”.

Thời điểm đó, thầy Út cũng như nhiều giáo viên tình nguyện chống dịch khác đều chưa được tiêm vắc xin phòng chống dịch Covid-19 (lúc này chưa ưu tiên vắc xin cho ngành giáo dục) nên nhiều người cũng lo lắng.

“Thực tế, công tác phòng chống dịch thì mình phải tự trang bị kiến thức để tự bảo vệ. Lúc đó, ngành giáo dục chưa được tiêm nhưng nhiều thầy cô trong trường đều xong phong đi chống dịch.

Như cô Trâm (Chủ tịch công đoàn trường) đã xung phong phục vụ 3 tại chỗ, nấu ăn cho đoàn công tác chống dịch. Còn nhiều thầy, cô khác ở các quận, huyện đều xung phong đi hết”, thầy Út chia sẻ.

Thời điểm nhận đồ bảo hộ để ra phường chống dịch, gia đình thầy Út cũng thoáng chút băn khoăn, lo lắng vì dịch bệnh lúc đó quá căng thẳng. Những tin tức về con số thiệt mạng vì Covid-19 hàng ngày ở các tỉnh phía Nam liên tiếp đưa về khiến mọi người căng thẳng tột độ.

“Trong gia đình cũng người già, trẻ nhỏ nên mình cũng phải có phương án phòng vệ. Sáng sớm ăn uống xong đi, 7h có mặt tại địa điểm xét nghiệm.

Các tình nguyện viên đều chủ động về đồ bảo hộ. 11h30 xong là cởi đồ, rồi về vệ sinh sạch sẽ, chiều lại đi tiếp. Có thời điểm căng thẳng thì mọi người được huy động đi cả ngày cho kịp phân loại, nhận diện sớm F0.

Tâm lý lúc đi tiếp xúc với người dân ở vùng có nguy cơ thì mình cũng lo lắng. Nhưng đồng hành với mọi người, trong đó có lực lượng y tế để ngăn chặn dịch bệnh thì cũng cảm thấy tự tin hơn.

Ai cũng sợ vất vả, sợ nguy hiểm cả thì lấy ai đi chống dịch, nghĩ vậy mà mình làm thôi. Hơn nữa lúc đó lực lượng y tế đã quá vất vả rồi”, thầy Út tâm sự.

Ròng rã suốt ba tuần “trực chiến” tại các điểm nóng về dịch bệnh trên địa bàn phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) thì thầy Út mới tạm nghỉ khi dịch bệnh đã lắng xuống.

Kinh nghiệm để chống dịch ở trường học

Khi vắc xin dần được bao phủ, thành phố cũng có nhiều chiến lược chủ động hơn để phòng chống dịch bệnh thì các Hiệu trưởng như thầy Út lại tất bật lên kế hoạch, chuẩn bị mọi điều kiện để mở cửa lại trường học.

Sau những tuần xung phong tình nguyện chống dịch, thầy Út lại tất bật chuẩn bị trường lớp để đón học sinh đi học trực tiếp trở lại. Ảnh: AN

Sau những tuần xung phong tình nguyện chống dịch, thầy Út lại tất bật chuẩn bị trường lớp để đón học sinh đi học trực tiếp trở lại. Ảnh: AN

Bởi sau một thời gian dài đóng cửa, cả học sinh, giáo viên và phụ huynh đều đang mong ngóng từng ngày cánh cổng trường được mở trở lại.

Nhưng để mở cửa trường học, ngoài vắc xin thì nhà trường cũng phải “đau đầu” lên phương án cụ thể cho từng tình huống khi dịch bệnh xâm nhập vào trường học.

“Từ thực tiễn chống dịch ở địa phương trong những ngày tháng 8 thì mình cũng đúc rút được nhiều kinh nghiệm hơn khi lên phương án bảo đảm an toàn cho học sinh.

Theo đó, khi mở trường học thì số lượng học sinh rất đông, do đó giáo viên, phụ huynh trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền cho các em về sự nguy hiểm cũng như cách phòng tránh dịch bệnh.

Bên cạnh việc tiêm vắc xin thì phải chuẩn bị cho đầy đủ các điều kiện trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và phải thực hiện nghiêm.

Tuy nhiên, mình cũng chưa thể lường trước hết những tình huống có thể xảy ra, bởi dịch bệnh lần này nguy hiểm và khó đoán”.

Theo thầy Út, dự kiến ngành giáo dục Đà Nẵng sẽ cho học sinh học trực tiếp từ cuối tháng 11 này nên ngay từ sớm, trường đã hoàn thiện đội ngũ y tế nhà trường.

“Đối với các cơ sở giáo dục thì mỗi trường sẽ có một biên chế hoặc hợp đồng nhân viên y tế, có phòng y tế trong trường.

Tuy nhiên, với số lượng như vậy là không đủ. Do đó, mỗi thầy cô giáo sẽ là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch này để tuyên truyền, nhắc nhở và học sinh cũng phải có ý thức.

Trên cơ sở kế hoạch của ngành thì nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch riêng, trong đó có sự chuẩn bị kỹ càng về thiết bị vật tư y tế và cũng chuẩn bị cho những trường hợp xấu có thể xảy ra.

Đó là trường hợp xuất hiện F0 ở trong trường học, lúc đó nhà trường sẽ ứng phó ra sao? Đối với các học sinh có biểu hiện, triệu chứng thì phải cách ly ngay để cơ quan y tế đến lấy mẫu nhanh nhất.

Tất nhiên, trong mọi tình huống thì nhà trường đều cần phải có sự hỗ trợ tích cực từ phía cơ quan y tế”, thầy Út thông tin thêm.

Trong thời gian toàn trường học online, thầy Út đã tự bỏ tiền túi mua phần mềm học tiếng Anh để trang bị cho tất cả học sinh khối 6. Những trường hợp học sinh có điều kiện hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy Út cùng các thầy cô trong trường đã quyên góp, kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè để mua sắp các trang thiết bị máy tính, điện thoại cho học sinh học online. Tổng cộng nhà trường đã trao 8 điện thoại thông minh kết nối internet cho các học sinh khó khăn.

AN NGUYÊN