Không biết đọc vẫn lên lớp, cứ giao ban giám hiệu phụ đạo để hiểu thực tế

18/04/2021 06:59
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ban giám hiệu trực tiếp dạy kèm học sinh đọc viết yếu sẽ hiểu hơn có những học sinh cần được lưu ban, có những em dù cố gắng hết sức cũng không thể theo kịp...

Học sinh ngồi nhầm lớp thì bậc học nào cũng có nhưng dễ nhận biết nhất là bậc tiểu học. Bởi, học yếu những môn học khác chỉ khi ra đề thi khảo sát mới phát hiện được nhưng không biết đọc, biết viết thì chỉ cần trắc nghiệm nhỏ là nhìn thấy ngay.

Hạn chế tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, Ban giám hiệu cần xắn tay vào (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Hạn chế tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, Ban giám hiệu cần xắn tay vào (Ảnh minh họa: Báo Tiền phong)

Học sinh đã không biết đọc ở lớp 1, có cho học vài năm lớp 2 vẫn khó có thể đọc được do lớp 2 không có môn học vần, giáo viên cũng không có đủ thời gian để kèm cặp riêng những học sinh này. Và đã yếu, các em tiếp tục bị đẩy lên lớp cho đến khi hoàn thành chương trình tiểu học xem như nhà trường đã xong tay.

Những học sinh không biết đọc, biết viết chắc chắn sẽ chấm dứt con đường học tập vào ngay thời điểm rời trường tiểu học do mặc cảm bạn bè, do không thể theo học được ở bậc trung học cơ sở.

Nhưng để dạy một học sinh yếu toán lấy lại căn bản không khó nhưng để kèm một học sinh không biết đọc, biết viết sẽ vô cùng gian nan.

Để giúp những học sinh không biết đọc biết viết bằng cách nào?

Không thể cứ giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm là xong, không thể cột chỉ tiêu để bắt giáo viên phải hoàn thành là được, không thể suốt ngày nhắc nhở giáo viên phải có biện pháp kèm cặp, không thể ngày nào cũng mời gọi phụ huynh là có thể cải thiện được tình hình.

Dạy học sinh yếu môn tiếng Việt cụ thể là đọc viết là vô cùng khó. Ở trên lớp, giáo viên cũng không có nhiều thời gian lo cho các em.

Nếu cứ tập trung nhiều quá vào những đối tượng này thì học sinh cả lớp ai lo? Giáo viên dạy cả ngày nên việc sắp xếp thời gian để kèm riêng phần đọc, viết cho các em là điều không thể.

Bên cạnh đó, những học sinh đọc viết yếu chỉ kèm riêng với nhau mới hiệu quả, nếu học chung với cả lớp se rất khó cho việc tiếp thu bài của các em.

Vậy ai có thể giúp giáo viên kèm học sinh yếu kém thêm về phần đọc, viết?

Không ai làm tốt chuyện này hơn chính là Ban giám hiệu nhà trường. Vì sao chúng tôi lại nói thế?

Thứ nhất, Ban giám hiệu nhiều trường tiểu học có quy mô nhỏ (20 lớp trở xuống) hiện nay khá rảnh đặc biệt có những trường chỉ 5 lớp hoặc 10 lớp (bằng 2 tổ chuyên môn) nhưng có đủ cả hiệu phó, hiệu trưởng.

Thời gian bận rộn chỉ là đầu năm chiêu sinh, phân công chuyên môn, lo lễ khai giảng, dự giờ giáo viên chuyển đến, chuyển khối.

Hoặc thời gian kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ…Vì thế, mỗi tuần bỏ ra vài ba buổi kèm đặc biệt nhóm học sinh đọc viết yếu sẽ cải thiện được chất lượng rất nhiều.

Thứ hai, Ban giám hiệu có thể tập hợp học sinh không biết đọc, biết viết ở cả 5 khối lớp vào 1 nhóm. Nói là 5 khối lớp nhưng không biết đọc, biết viết thì đều dạy giống nhau. Nghĩa là, chỉ cần dạy phần đọc viết của lớp 1 là đủ.

Thứ ba, Ban giám hiệu phải trải qua thực tế kèm dạy học sinh yếu mới thấy hết nỗi khổ của giáo viên, mới hiểu để kèm được học sinh không biết đọc, viết phải khốn khổ gian nan đến mức nào.

Và, có nhìn thấy thực tế việc học, việc tiếp thu bài của những học sinh đặc biệt yếu kém này mới không thể quy kết lỗi hoàn toàn do giáo viên không có phương pháp giảng dạy để từ đó đồng cảm với các thầy cô.

Thứ tư, Ban giám hiệu trực tiếp dạy kèm học sinh đọc viết yếu sẽ hiểu hơn có những học sinh cần được lưu ban, có những em dù cố gắng hết sức bản thân các em cũng không thể tiếp thu được bài nên cần được ở lại lớp, có những em không thể cho lên lớp...

Từ thấu hiểu, đồng cảm, Ban giám hiệu sẽ bớt đi việc buộc giáo viên bằng mọi cách phải lùa học sinh lên lớp như hiện nay. Vì thế, thay vì ngồi một chỗ chỉ tay 5 ngón bắt giáo viên phải thế này thế kia, Ban giám hiệu các trường hãy xắn tay vào cùng với giáo viên để giúp học sinh đọc viết yếu lấy lại căn bản đi.

Trường học nào làm được điều này, chúng tôi chắc chắn tin rằng trường học ấy sẽ ít dần cảnh học sinh ngồi nhầm lớp.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên