Không thể chối bỏ tính tích cực 5 bước lên lớp của VNEN

28/12/2020 06:02
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với VNEN, các bước lên lớp là: Khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng, tìm tòi mở rộng.

Thời gian qua, Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải loạt bài của tác giả Lê Văn Minh, Phan Tuyết và Kim Oanh, xung quanh câu chuyện VNEN trong chương trình giáo dục 2018, đã thu hút được sự quan tâm của đọc giả.

Nội dung các bài viết có điểm chung, cho rằng việc kế thừa các bước lên lớp của VNEN đã được tái hiện lại trong hoạt động dạy học chương trình 2018.

Khi mà VNEN bị xã hội lên tiếng không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của nước ta, hàng loạt địa phương đã chấm dứt VNEN dưới áp lực của dư luận, áp dụng các bước lên lớp của VNEN vào chương trình giáo dục 2018 là không nên.

Không thể chối bỏ tính tích cực 5 bước lên lớp của VNEN

Với VNEN, các bước lên lớp là: Khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập, vận dụng, tìm tòi mở rộng.

Tùy đối tượng học sinh, giáo viên có thể thực hiện 5, 4, 3 bước, nhưng ít nhất là ba bước (Khởi động, hình thành kiến thức, luyện tập) trong dạy học.

Với chương trình giáo dục phổ thông 2018, các bước lên lớp cũng đã được triển khai bằng 5 hoạt động dạy học như sau: Khởi động, khám phá kiến thức, luyện tập, vận dụng, mở rộng.

So với mô hình VNEN thì chương trình giáo dục phổ thông 2018 chỉ đổi tên gọi ở hoạt động 2 của các hoạt động lên lớp.

Chúng ta cần phân biệt rõ các bước lên lớp với phương pháp dạy học, kĩ thuật dạy học là khác nhau.

Một tiết dạy VNEN tại Bình Thuận. (Ảnh: Phan Tuyết)

Một tiết dạy VNEN tại Bình Thuận. (Ảnh: Phan Tuyết)

Giáo viên thực hiện các bước lên lớp như VNEN, nhưng trong các bước lên lớp có phương pháp, kĩ thuật khác nhau; giáo viên này áp dụng phương pháp, kĩ thuật khác giáo viên khác.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giao quyền tự chủ về kế hoạch dạy học, phương pháp dạy học cho nhà trường và giáo viên.

Nói cách khác, giáo viên có quyền tự quyết toàn bộ hoạt động của mình trong quá trình hành nghề.

Tập huấn có thể có các bước lên lớp cụ thể, tương tự VNEN, nhưng chuyện áp dụng các bước lên lớp như thế nào, phương pháp nào, do nhà trường và giáo viên chủ động, miễn là sau quá trình học tập, học sinh đạt chuẩn phẩm chất và năng lực.

Trong các năng lực cần đạt, cần có của học sinh, chương trình giáo dục phổ thông 2018 học sinh cần được phát triển 10 năng lực cốt lõi, trong đó Năng lực tự chủ và tự học, Năng lực giao tiếp và hợp tác, Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo, sẽ được rèn luyện, hình thành tốt nhất khi và chỉ khi học sinh tự khám phá, tìm tòi kiến thức; học sinh học nhóm, trao đổi, hợp tác cùng nhau để tìm ra kiến thức.

Như vậy, chúng ta không thể chối bỏ các bước lên lớp của VNEN khi cho rằng ý thức học tập của học sinh chúng ta chưa đạt; đồ dùng, phương tiện dạy học chúng ta chưa đủ; sĩ số lớp học của chúng ta quá đông...

Thực tế hiện nay, dù chương trình cũ hay chương trình mới, giáo viên các trường phổ thông vẫn đang áp dụng 5 bước lên lớp của VNEN trong các tiết dạy tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi các cấp và trong quá trình dạy học bình thường.

Nhìn ở góc độ khách quan, tích cực, 5 bước lên lớp của mô hình trường học mới hay VNEN vẫn phát huy được tính tích cực trong dạy học.

Vì vậy chương trình giáo dục 2018 áp dụng sáng tạo các bước lên lớp của VNEN là hoàn toàn hợp lý, hợp tình, hợp với mục tiêu hình thành phẩm chất và năng lực cho học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Sơn Quang Huyến