Lãnh đạo mà cứ im lặng như bà Nhàn thì thầy cô biết bấu víu vào đâu?

26/12/2019 13:52
Trinh Phúc
(GDVN) - Cần loại bỏ những người xu nịnh hay những người chỉ biết im lặng, đi nhẹ, cười tươi nói khẽ vào bộ máy.

Chủ trương tự chủ đại học là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm đổi mới cách thức quản lý, cởi trói cho các trường đại học phát triển.

Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, một số cơ sở giáo dục đại học vẫn đang vấp phải những rào cản từ các cơ quan chủ quản.

Lý do có thể là các cơ quan chủ quản không chịu từ bỏ quyền lực và “miếng bánh” lợi ích từ các trường đại học nên luôn có những văn bản kiểu “chọc gậy bánh xe” tìm cách ràng buộc, kìm kẹp theo kiểu “bắt giữ con tin”, không cho trường được tự chủ một cách đúng nghĩa.

Trong bối cảnh như vậy, vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chuyên môn thuộc bộ này càng quan trọng.

Trường Tôn Đức Thắng là điển hình về tự chủ đại học (ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn tdtu.edu.vn).
Trường Tôn Đức Thắng là điển hình về tự chủ đại học (ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn tdtu.edu.vn).

Trong nhiều trường hợp, dù không thuộc thẩm quyền quyết định nhưng với vai trò là cơ quan quản lý giáo dục, có chuyên môn sâu về vấn đề tự chủ các cán bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có tiếng nói kịp thời trước công luận mà không nên im lặng để các thầy cô tự bơi trong vòng kìm kẹp của cơ quan chủ quản.

Câu chuyện về Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Lê Thị Thanh Nhàn chưa lên tiếng về những vấn đề mà thầy cô Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang gặp thắc mắc trong công tác nhân sự mà Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam phản ánh tại bài viết, “Vụ trưởng Lê Thị Thanh Nhàn vẫn nợ thầy cô trường Tôn Đức Thắng câu trả lời”  thật sự đáng buồn.

Dẫu biết rằng, về chức năng nhiệm vụ thì Bộ Giáo dục và Đào tạo không quản lý nhân sự tại Trường Tôn Đức Thắng nhưng với vai trò là người đứng đầu Vụ Tổ chức cán bộ, đơn vị có quyền hạn tham mưu, xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ, các đơn vị thuộc Bộ và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục, văn phòng, Ban Quản lý dự án, đề án, chương trình, Hội đồng trường, Hội đồng quản lý, các tổ chức phối hợp liên ngành; Quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quốc gia, đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên thì bà Lê Thị Thanh Nhàn là người phải hiểu được những thắc mắc của thầy cô Trường Tôn Đức Thắng đúng hay sai.

Chưa kể, trong công tác cán bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, mà cụ thể là lãnh đạo vụ còn phải thực thi các vấn đề về tổ chức, cán bộ theo phân công của lãnh đạo Bộ.

Vụ trưởng Lê Thị Thanh Nhàn vẫn nợ thầy cô trường Tôn Đức Thắng câu trả lời
Vụ trưởng Lê Thị Thanh Nhàn vẫn nợ thầy cô trường Tôn Đức Thắng câu trả lời

Tiếng nói của bà Lê Thị Thanh Nhàn trong trường hợp này rất quan trọng nhưng thay vì phát biểu đến nay bà Nhàn vẫn im lặng. 

Qua câu chuyện của Trường Tôn Đức Thắng, người viết nhớ đến ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trong một lần trao đổi, cụ thể: “Công tác cán bộ phải lấy những người đã trải nghiệm, được rèn luyện qua thử thách.

Đặc biệt, những người mà tinh thần không ngại đấu tranh, sẵn sàng đối mặt với thử thách, có thái độ biểu lộ rất rõ tinh thần vì nước, vì Đảng, vì dân.

Cần loại bỏ những người xu nịnh hay những người chỉ biết im lặng, đi nhẹ, cười tươi nói khẽ vào bộ máy.

Đặc biệt, cần chú ý đến đội ngũ đã tham gia vào cơ quan dân cử, tham gia vào Quốc hội, những người có chính kiến, quan điểm rõ ràng, có sáng tạo, có lòng dũng cảm.

Cần cơ cấu những người như vậy vào bộ máy để cáng đáng công việc phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”. [1]

Đến bây giờ, mặc dù thầy cô Trường Tôn Đức Thắng đã có ý kiến đến nhiều cơ quan, đã thông tin trên phương tiện báo chí nhưng vẫn chưa một cơ quan có thẩm quyền liên quan đến giáo dục có ý kiến công tâm, khách quan thì điều này quả thực rất vô lý.

Trước đó, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, Theo Quyết định 22 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì tại điểm c, Khoản 1, Điều 2 quy định ở lĩnh vực quản lý nhà nước và hoạt động của ngành về tổ chức bộ máy và quản lý công chức, viên chức, người lao động đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ là Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ. 

Như vậy có nghĩa là mọi băn khoăn của báo chí liên quan đến nhân sự trong các cơ sở giáo dục đào tạo thì Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ đều có nhiệm vụ trả lời. 

Tuy nhiên, ngày 9/12, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có gửi câu hỏi xin ý kiến Vụ tổ chức cán bộ về vấn đề Hội đồng trường, nhân sự của cơ sở giáo dục đại học thông qua Trung tâm truyền thông giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sau đó phóng viên nhiều lần liên hệ với Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ - Lê Thị Thanh Nhàn nhưng không liên hệ được. Rất nhiều lần phóng viên gọi vào số máy bà Nhàn, bà không nghe cũng không gọi lại. Phóng viên nhắn tin, cũng không nhận được tin nhắn trả lời. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trích nguyên bản nội dung mà phóng viên đã gửi như sau:

Hiện Luật Giáo dục đại học sửa đổi (Luật số 34/2018/QH14) được xây dựng trên tinh thần thể chế hóa chủ trương tự chủ đại học của Đảng, Nhà nước đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 nhưng ngày 16/10/2019, Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam ký Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ trong đó có một số nội dung đi trái với chủ trương tự chủ đại học; cũng như trái với quy định trong Luật số 34/2018/QH14.

Trong số các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có hai trường đại học (gồm Trường Đại học Tôn Đức Thắng và Trường Đại học Công đoàn). Hai trường này vừa là đối tượng điều chỉnh của Luật số 34/2018/QH14 và các nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tự chủ đại học, vừa là đối tượng nội bộ bị điều chỉnh bởi Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ.

Trước vấn đề này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam xin ý kiến Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giáo dục và Đào tạo). 

Câu 1: Hiện Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 nhưng ngày 16/10/2019 Tổng liên đoàn ban hành Quyết định số 1584/QĐ-TLĐ với nhiều nội dung trái với luật này về thẩm quyền của Hội đồng trường và quyền tự chủ đại học. Vụ Tổ chức cán bộ có biết Quyết định này của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam không?

Câu 2: Mặc dù Trường Đại học Tôn Đức Thắng là điểm sáng của cả hệ thống giáo dục đại học, nhưng trường lại đang gặp phải những rào cản khó khăn từ chính cơ chế “chủ quản”. Quan điểm của Vụ Tổ chức cán bộ xử lý vấn đề này như thế nào?

Câu 3: Xung quanh vấn đề này, tới đây Bộ có ban hành các văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể, chi tiết về các vấn đề của tự chủ đại học hay không?

Chủ trương tự chủ đại học là một chủ trương lớn và theo tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam) đánh giá, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đi tiên phong trong việc thực hiện chủ trương tự chủ và cả trong việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục của Đảng và Nhà nước.

Thậm chí, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến nhấn mạnh rằng: “Nói không quá, nếu bây giờ mà có một cuộc bình chọn cơ sở giáo dục đại học tiêu biểu cho thời kỳ đổi mới của đất nước ta những năm vừa qua, thì bất cứ ai, nếu đã có dịp đến thăm trường Đại học Tôn Đức Thắng một vài lần, đều không ngại ngần bỏ phiếu cho trường này ở vị trí đầu bảng”.

Tài liệu tham khảo:

1: https://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Can-loai-nhung-nguoi-di-lam-ma-chi-biet-di-nhe-noi-khe-cuoi-duyen-post194423.gd

Trinh Phúc