Lỗ hổng quản lý nhà nước theo vốn đầu tư với "trường quốc tế" cho người Việt

07/09/2019 06:50
Hồng Thủy
(GDVN) - Chỉ cần một "ông Tây ba lô" sở hữu 0,01% cổ phần, là cơ sở giáo dục đã "có yếu tố nước ngoài", trong khi nhà đầu tư trong nước không thể mở trường quốc tế.

Trong hai bài viết trước, chúng tôi đã phân tích nhu cầu học chương trình quốc tế, cấp văn bằng quốc tế của học sinh Việt Nam ở trong nước, cũng như chủ trương chính sách và các văn bản quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

Ở khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin tiếp tục phân tích thực trạng quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục dạy chương trình nước ngoài, cấp bằng nước ngoài cho học sinh Việt Nam mà dư luận đang hiểu là trường quốc tế.

Trường quốc tế quản lý nhà nước theo vốn đầu tư và những lỗ hổng

Video: Trường quốc tế là một khái niệm mở
Video: Trường quốc tế là một khái niệm mở

Nghị định 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 lẫn Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 thay thế nó đều gọi các cơ sở giáo dục được phép dạy chương trình nước ngoài, cấp bằng nước ngoài cho học sinh Việt Nam ở trong nước là "cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài".

Điều này phản ánh 3 vấn đề, một là "trường quốc tế" chưa được thừa nhận chính thức dù nhu cầu ngày càng lớn, nó đang tồn tại và phát triển.

Hai là "trường quốc tế" đang được quản lý nhà nước theo vốn, chứ không theo chương trình giáo dục; ba là mở trường quốc tế đang là đặc quyền của các nhà đầu tư nước ngoài.

Quy định như vậy sẽ dẫn đến nhiều tình huống biến động trong thực tế gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước lẫn việc phát triển lành mạnh của hệ thống trường quốc tế, thậm chí nảy sinh tình trạng lách luật, bởi vốn đầu tư không phải yếu tố ổn định và công khai minh bạch như chương trình giáo dục quốc tế, mà nguồn vốn luôn luôn biến động theo quy luật thị trường.

Thứ nhất, muốn mở trường quốc tế, nhà đầu tư trong nước buộc phải hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài, mở trường thông qua nhà đầu tư nước ngoài, theo Nghị định 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 cũng như Nghị định 86/2018/NĐ ngày 6/6/2018 thay thế nó.

Hoặc giả, trong trường hợp nhà đầu tư trong nước mua lại toàn bộ "cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài" thì trường / hệ thống trường này đâu còn là "cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài", làm sao được giảng dạy chương trình quốc tế và cấp bằng quốc tế cho học sinh Việt Nam ở trong nước như trước?

Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục ngày 18/4/2017, ảnh: moet.gov.vn.
Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục ngày 18/4/2017, ảnh: moet.gov.vn.

Trong trường hợp này, nếu muốn tiếp tục hoạt động của trường quốc tế, các nhà đầu tư trong nước buộc phải cho một "ông Tây ba lô" nào đó sở hữu dù chỉ 0,01% cổ phần / vốn hoặc thấp hơn, để "duy trì yếu tố nước ngoài"?

Thứ hai, nếu các nhà đầu tư nước ngoài mua lại trường tư thục từ nhà đầu tư trong nước, thì trường tư thục đó có biến thành "cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài" được dạy chương trình nước ngoài, cấp bằng nước ngoài cho học sinh Việt Nam ở trong nước hay không?

Việc quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục này sẽ được thực hiện như thế nào? Vấn đề nói trên chúng tôi chưa tìm thấy câu trả lời trong Nghị định 73/2012/NĐ-CP lẫn Nghị định 86/2018/NĐ-CP thay thế nó, nhưng ví dụ trong thực tiễn không thiếu.

Theo tác giả Châu Cao / Báo Trí Thức Trẻ ngày 13/6/2019, gia đình ông Đặng Văn Thành đã bán lại mảng giáo dục cho quỹ đầu tư Navis Capital Partners, Malaysia.

Quỹ này đã công bố hoàn tất việc mua lại Công ty cổ phần Giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu) trước đó do bà Đặng Huỳnh Ức My, con gái ông Đặng Văn Thành làm Chủ tịch.

Hệ thống giáo dục Thành Thành Công là chuỗi trường tư thục tại khu vực miền Nam, hiện đang sở hữu 17 trường học và các trung tâm đào tạo tiếng Anh. [1]

Kỳ thị tư thục vì quan niệm sai lầm về thương mại hóa, kinh doanh giáo dục
Kỳ thị tư thục vì quan niệm sai lầm về thương mại hóa, kinh doanh giáo dục

Còn theo Báo Tuổi trẻ ngày 30/3/2017, Hệ thống Trường dân lập quốc tế Việt Úc (gọi tắt là VAS) chính thức giới thiệu Tập đoàn đầu tư tài chính toàn cầu TPG đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng với các cổ đông VAS và trở thành đơn vị sở hữu phần lớn cổ phần của VAS.

Thời điểm đó, VAS hiện có hơn 6.300 học sinh đang theo học tại 7 cơ sở tại thành phố Hồ Chí Minh. [2]

Như vậy sau khi chuyển nhượng, các trường tư thục này nghiễm nhiên trở thành "cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài", theo quy định hiện hành liệu các cơ sở này có được phép giảng dạy chương trình quốc tế, cấp bằng quốc tế cho học sinh Việt Nam ở trong nước hay không?

Quản lý nhà nước mỗi nơi một kiểu vì chưa có định danh

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho biết, địa phương này chỉ có 21 trường "có yếu tố nước ngoài" thường được hiểu là trường quốc tế, danh sách đã được Sở công bố. [3]

Tuy nhiên, trong số này có những trường "yếu tố nước ngoài" không phải việc giảng dạy chương trình giáo dục nước ngoài và cấp bằng nước ngoài cho học sinh Việt Nam, mà là nhà đầu tư "có yếu tố nước ngoài".

Ví dụ, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Đinh Thiện Lý được thành lập năm 2008 bởi Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển Phú Mỹ Hưng, lấy tên doanh nhân người Đài Loan - cố chủ tịch hội đồng quản trị của doanh nghiệp này.

Theo giới thiệu tổng quan chương trình, Trường Đinh Thiện Lý giảng dạy chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.

Chương trình giáo dục của nhà trường được tổ chức theo hướng mở rộng, nâng cao kiến thức học thuật (Extended Program); đẩy mạnh bồi dưỡng kỹ năng (Core Program) và tăng cường giáo dục phẩm chất cho học sinh (Developed Program). [4]

Ảnh chụp màn hình, hình chỉ có tính chất minh họa.
Ảnh chụp màn hình, hình chỉ có tính chất minh họa.

Trường dạy chương trình giáo dục Việt Nam và cấp bằng Việt Nam, sao lại được xếp vào danh sách trường quốc tế?

Một ví dụ khác nữa, Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông quốc tế Khai Sáng mà Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đưa vào danh sách "trường trung học phổ thông nước ngoài", lại do nhà đầu tư Việt Nam thành lập.

Theo tác giả Minh Hiền trong bài viết "Đầu tư trường quốc tế: Cơ hội lớn dần" đăng trên trang Forbes Việt Nam ngày 4/10/2018:

Năm 2007, ông Nguyễn Tuyên, một doanh nhân trước đó không có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, tham gia mở trường Renaissance (chính là Trường Khai Sáng nói trên) cùng một cổ đông nữa đã bán lại toàn bộ cổ phần cho ông) đầu tiên vì nhu cầu tìm trường học cho hai con của ông. [5]

Nếu thông tin nói trên là chính xác, thì Khai Sáng đúng là một trường quốc tế theo nghĩa dạy chương trình quốc tế và cấp bằng quốc tế cho học sinh Việt Nam ở trong nước.

Ảnh chụp màn hình danh sách các trường trung học phổ thông nước ngoài "được hiểu là trường quốc tế" do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh công bố.
Ảnh chụp màn hình danh sách các trường trung học phổ thông nước ngoài "được hiểu là trường quốc tế" do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh công bố.

Bởi theo thông tin trên website nhà trường về chương trình học, dường như cơ sở này chỉ dạy chương trình giáo dục quốc tế hoàn toàn, không dạy chương trình giáo dục Việt Nam và cấp bằng Việt Nam. [5]

Nhưng nếu hiểu trường quốc tế như cách giải thích của Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh hay quy định trong Nghị định số 72/2012/NĐ-CP lẫn Nghị định số 86/2018/NĐ-CP, thì rõ ràng pháp luật quy định một đằng, thực tế quản lý nhà nước một nẻo.

Hoặc Hệ thống trường dân lập quốc tế Việt Úc (VAS) mà chúng tôi vừa đề cập phía trên, được Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh xếp vào danh mục "trường trung học phổ thông nước ngoài" theo vốn đầu tư, chứ không theo chương trình.

Nếu nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn / chuyển nhượng hết cổ phần cho nhà đầu tư trong nước, các cơ sở giáo dục này có còn "yếu tố nước ngoài", còn là "trường trung học phổ thông nước ngoài" nữa hay không? 

Và quan trọng hơn, vốn đầu tư trong nước hay nước ngoài không phải vấn đề cha mẹ học sinh quan tâm, cái họ quan tâm là con em họ có được học chương trình quốc tế, được cấp bằng quốc tế hợp pháp hay không.

Ảnh chụp màn hình danh sách các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội có dạy chương trình giáo dục nước ngoài do Sở Giáo dục và Đào tạo công bố, trong đó một số trường dường như dạy hoàn toàn chương trình nước ngoài, không dạy chương trình giáo dục Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình danh sách các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội có dạy chương trình giáo dục nước ngoài do Sở Giáo dục và Đào tạo công bố, trong đó một số trường dường như dạy hoàn toàn chương trình nước ngoài, không dạy chương trình giáo dục Việt Nam.

Nói cách khác, trường quốc tế hiểu theo nghĩa có vốn đầu tư nước ngoài là cách hiểu của cơ quan quản lý nhà nước và cách thức quản lý nhà nước, chứ đâu phải cách hiểu của người dân?

Cũng chính vì Nhà nước chưa định danh / thừa nhận "trường quốc tế", nên ngày 28/8/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã ra thông báo về các trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài, các trường tư thục có giảng dạy chương trình nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thành phố. [7]

Theo thông tin trong danh sách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố, có ít nhất 3 trường tư thục đang giảng dạy chương trình nước ngoài và cấp bằng nước ngoài cho học sinh Việt Nam mà không dạy chương trình giáo dục Việt Nam.

Nếu thông tin trên mà Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố trong thông báo ngày 28/8/2019 là chính xác, thì các cơ sở giáo dục này không chỉ tuyển sinh và hoạt động không đúng quy định tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018;

Việc này còn trái với quy định tại Khoản 4, Điều 1, Luật số 44/2009/QH12; Khoản 1, Điều 14, Chương II, quy chế trường phổ thông loại hình tư thục ban hành kèm Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Vậy Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cũng như các phòng giáo dục và đào tạo ở 2 địa phương này quản lý nhà nước đối với các cơ sở giáo dục trên như thế nào? 

Nếu các trường này bán 0,1% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài liệu có thể hợp pháp hóa được hoạt động tuyển sinh, giảng dạy chương trình nước ngoài và cấp bằng nước ngoài cho học sinh Việt Nam chưa đúng quy định hay không?

Tài liệu tham khảo:

[1]http://ttvn.vn/kinh-doanh/gia-dinh-ong-dang-van-thanh-ban-lai-mang-giao-duc-cho-quy-dau-tu-quy-mo-5-ty-usd-den-tu-malaysia-42019136165052265.htm

[2]https://tuoitre.vn/he-thong-truong-dan-lap-quoc-te-viet-uc-co-nha-dau-tu-chien-luoc-moi-1288742.htm

[3]http://edu.hochiminhcity.gov.vn/c3nuocngoaimobile.aspx

[4]http://lsts.edu.vn/tong-quan-chuong-trinh.html

[5]https://forbesvietnam.com.vn/kinh-doanh/dau-tu-truong-quoc-te-co-hoi-lon-dan-4541.html

[6]https://www.renaissance.edu.vn/vi/chuong-trinh-hoc/khoi-tieu-hoc

[7]http://file2.hanoi.edu.vn//Data/hnedu/hanoi/Attachments/YTNN/TB.pdf

Hồng Thủy