Nắm đấm với thầy cô, sự hư hỏng của các ông bố, bà mẹ

03/10/2017 07:36
Lại Cường
(GDVN) - Clip ghi lại cảnh phụ huynh đánh giáo viên Trường tiểu học Đặng Cương ngay tại lớp khiến nhiều người lo ngại về cách hành xử của phụ huynh.

Tự bao giờ nhà trường và phụ huynh lại đối đầu căng thẳng đến thế?

Đau lòng hơn khi chỉ mới đây thôi, ngày 28/9, tại trường tiểu học Đặng Cương, Hải Phòng con trẻ đã phải chứng kiến cảnh cô giáo và đấng sinh thành ra chúng xô xát giữa lớp.

Phụ huynh tố cô giáo “hà khắc, thiếu tình người” nên xem lại mình trước

Theo đó, ngày 27/9, tại trường Tiểu học Đặng Cương, một học sinh trong lớp 2 không mặc đồng phục và nói chuyện riêng nên bị cô P.T.H. (sinh năm 1991, giáo viên hợp đồng) phạt bằng cách dùng thước kẻ đánh vào lòng bàn tay.

Ngày 28/9, gia đình học sinh bị phạt không cho con đến trường học nhưng cuối giờ cùng ngày, bà nội cùng mẹ của em này đã xông vào lớp đôi co, sau đó hành hung cô giáo H.

Sự việc này đã gây bất bình trong đội ngũ giáo viên, ảnh hưởng nghiêm trọng tới an toàn trường học và tác động tiêu cực tới hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Tự bao giờ nhà trường và phụ huynh lại có những cảnh đau lòng này (Ảnh cắt từ clip)
Tự bao giờ nhà trường và phụ huynh lại có những cảnh đau lòng này (Ảnh cắt từ clip)

Mới đây nhất, Thứ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo - ông Nguyễn Hữu Độ ký công văn gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hải Phòng đề nghị điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng hành hung cô giáo trường Tiểu học Đặng Cương, huyện An Dương, Thành phố Hải Phòng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng chỉ đạo điều tra, làm rõ sự việc và xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Sau sự việc xảy ra, các bên đều có lý giải khác nhau. Thế nhưng, không có lý giải nào hơn sự bất bình khi chuyện đau lòng đó lại xảy ra ngay trên bục giảng.

Dù cái lý của các bên đưa ra như thế nào đi chăng nữa thì sự việc đã đi quá xa.

Nắm đấm với thầy cô, sự hư hỏng của các ông bố, bà mẹ ảnh 2

Trò hư, cấp trên đè nén, lương thấp, không tiền... ai còn muốn làm thầy?

Ngày nay, gần như mỗi khi một vụ bạo lực học đường xuất hiện, xã hội sẽ đổ lỗi cho hệ thống giáo dục có vấn đề.

Các con học kém đổ lỗi cho chất lượng thầy cô. Học trò đi học đánh bạn trách thầy cô không nghiêm…

Trong vụ việc này, đúng sai và mức độ thế nào, cơ quan chức năng sẽ làm rõ, thế nhưng cần phải nhìn nhận lại cách hành xử của phụ huynh đối với thầy cô.

Trước đây, trò hư, quậy phá hoặc có những hành vi chưa đúng, thầy cô phạt roi là chuyện bình thường. Vì trong phạt đòn roi đó luôn có mong mỏi muốn các em chăm ngoan, chú tâm học hành.

Nghiêm khắc cũng là một phần của giáo dục.

Clip do camera trường tiểu học Đặng Cương quay lại

Ngay cả khi ở nhà, các bậc phụ huynh vẫn dùng đòn roi dạy dỗ các con. Thế nhưng, ngày nay, gần như mặc định rằng thầy cô giáo phải như thần tiên, phải luôn mỉm cười và luôn phải chịu đựng.

Khi có bất kỳ vấn đề tiêu cực nào, thầy cô giáo cũng trở thành đối tượng bị chỉ trích.

Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều sự việc đau lòng khi giáo viên bị chính học trò của mình khinh rẻ.

Và cũng vì phạt con lỗi, các vị phụ huynh sẵn sàng dùng nắm đấm đề “nói chuyện” với thầy cô giáo.

Thật đau lòng khi các vị phụ huynh xông thẳng vào lớp học của con trẻ khi chỉ mới cắp sách đến trường như lớp 2C đã phải chứng kiến các bà, các mẹ mình đến đánh nhau với cô giáo.

Cô giáo P.T.H đang được điều trị tại bệnh viện (Ảnh: LĐ)
Cô giáo P.T.H đang được điều trị tại bệnh viện (Ảnh: LĐ)

Ngay từ thơ bé các con đã thấy cảnh tượng như vậy, tương lai các con sẽ đi về đâu?

Không ít nghịch lý vẫn xảy đến khi học sinh đánh thầy cô giáo nhưng bị nghỉ học một vài tuần. Còn các thầy cô phải chịu hậu quả lớn hơn rất nhiều. Thậm chí mất nghề.

Chất lượng giáo dục sẽ là câu hỏi lớn khi trò cậy phụ huynh, khinh thầy ra mặt. Thật đau lòng khi giá trị đảo lộn.

Ai sẽ có đủ dũng cảm để yêu nghề, nhiệt huyết của thầy cô sẽ duy trì được bao lâu. Những áp lực hiện hữu đó sẽ sản sinh ra một thế hệ thầy cô chỉ là những chiếc “máy nói”, hết giờ rồi về.

Học sinh muốn quậy phá, biếng học, ham chơi thế nào thì kệ.

Còn về phía phụ huynh, họ được gì khi dùng nắm đấm, cái tát với cô giáo của con họ?

Nắm đấm với thầy cô, sự hư hỏng của các ông bố, bà mẹ ảnh 4

Nỗi đau lớn nhất của người thầy trước "khủng hoảng truyền thông"

Ngày đầu tiên đi học, họ dạy con họ điều gì?

Lên lớp nghe thầy cô giáo hay lên lớp cô phạt về mách bố/mẹ để bố mẹ xử lý cô?

Con cái họ sẽ được gì sau nắm đấm với thầy cô giáo?

Bản thân họ luôn kỳ vọng con mình trở thành con ngoan, trò giỏi. Giỏi thế nào khi cô giáo phạt vì không chịu học thì phụ huynh sẵn sàng giơ  nắm đấm?

Người xưa đã từng nói: “Không có nghề nào cao quý hơn nghề giáo”.

Thầy cô giáo không chỉ đơn thuần dạy học sinh làm người qua con chữ mà phải đưa các em đến gần với chân-thiện-mỹ bằng chính nhân cách sống của mình.

Không có lý do gì mà ông cha ta đã truyền dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”, các con liệu có học được hay “bị quên lãng” và bị giả vờ không hiểu bởi những điều thực dụng trong cách nghĩ cách làm của chính các vị phụ huynh?

Vẫn biết thời gian gần đây, việc thu chi trong trường học đã và đang để lại dư luận xấu trong xã hội. Một phần trong câu chuyện đau lòng xảy ra tại trường tiểu học Đặng Cương vừa qua cũng có liên quan.

Thế nhưng, dù nguyên nhân nào, dù ức chế ra sao nhưng việc dùng nắm đấm với giáo viên ngay trên bục giảng là điều khó chấp nhận.

Lại Cường