Năm nào cũng thay sách, chúng tôi biết lấy tiền đâu để mua?

10/08/2019 07:10
Đỗ Quyên
(GDVN) - Họ sẽ ít vẽ vời chỉnh sửa này kia, ít yêu cầu các trường thay sách từ nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác, ít nói rằng giáo trình này hơn giáo trình khác..

Người đàn bà chở xe đồng nát, tấp vội vào bên hiên một cửa hàng văn phòng phẩm.

Sách Mỹ thuật mới vừa được thay trong năm học này trước thềm thay sách (Ảnh tác giả).
Sách Mỹ thuật mới vừa được thay trong năm học này trước thềm thay sách (Ảnh tác giả).

Chị tất tả bước vào, khuôn mặt nóng bừng vì nắng.

Những giọt mồ hôi chảy thành dòng chan hòa trên làn da khắc khổ, sạm đen.

Chị nói với cô bán hàng: “Tôi muốn mua một bộ sách lớp 2 cho con”.

Chị chép miệng, hôm trước có xin cho con được bộ sách cũ nhưng không học được vì 2 cuốn sách Toán, tiếng Việt rách tả tơi từng tờ.

Những cuốn sách giáo khoa VNEN học mới vài tuần đã bong tróc từng tờ thế này (Ảnh tác giả).
Những cuốn sách giáo khoa VNEN học mới vài tuần đã bong tróc từng tờ thế này (Ảnh tác giả).

Họ in gì mà ẩu thế không biết? Sách học chưa hết năm đã nhàu nát, rách bươm.

Nói rồi chị chép miệng: “Chẳng bù cho ngày xưa, một bộ sách giáo khoa học tới mấy khóa vẫn còn dùng tốt”.

Bộ sách Anh văn dù còn mới nhưng đã bị viết nhoe nhoét cũng không thể học được.

Cô bán hàng thông báo tiếp, năm nay còn phải mua thêm cuốn sách học Mỹ thuật theo chương trình Đan Mạch.

Chị đồng nát buột miệng kêu “Trời!”.

Tiếng cô bán hàng còn rầu rỉ hơn: “Chị mua thêm một cuốn còn thế, tôi đây bỏ đi hàng trăm cuốn vở Mỹ thuật thì biết kêu ai?”

Năm nào cũng thay sách, chúng tôi biết lấy tiền đâu để mua? ảnh 3
Có tái bản sách VNEN xin đừng chỉnh sửa kiểu này

Nói rồi chị bán hàng than: “Năm nào cũng thay sách, chúng tôi bán được hàng nhưng lại thương những phụ huynh nghèo không có tiền mua sách cho con”.

Chị tính, năm thì đổi sách Tin học, năm đổi giáo trình Anh văn, sách Mỹ thuật, rồi thay sách Vnen vì có chỉnh sửa…tính ra năm nào học sinh cũng phải mua sách mới.

Và năm nào những hiệu sách ở các địa phương cũng phải bán đồng nát hàng trăm cuốn sách bị tồn kho năm ngoái.

Một bộ sách có ít tiền đâu, không mua sách nâng cao chỉ sách giáo khoa và thêm một vài cuốn vở bài tập thì bộ sách đã lên gần 500 ngàn đồng.

Nhà một con đi học đã khổ, vài ba đứa chỉ tiền mua sách cũng xính rính luôn.

Đáng buồn là, dù phải bỏ ra số tiền mua sách gấp mấy lần bộ sách cũ trước đây, thế nhưng sách mới mua cũng chỉ học được vài tháng, cùng lắm hết năm là vứt.

Nhà có 2 anh em nhưng em chẳng thể học lại sách do anh để lại.

Cô bán hàng còn kể cho chúng tôi nghe không ít chuyện xót lòng khi có những phụ huynh không đủ tiền mua cho con bộ sách phải xin cô được trả góp hằng ngày.

Thế là chiều nào cũng vậy, người mẹ ấy ghé hàng sách của cô gửi 20 ngàn đồng.

Chị phải góp trong 2 tháng mới đủ tiền mua sách, vở, bút viết cho 2 đứa con.

Năm nào cũng thay sách, chúng tôi biết lấy tiền đâu để mua? ảnh 4
Giờ đây, nhiều thư viện trong nhà trường tủ sách dùng chung đã mốc meo

Người mẹ cũng giải bày, rút kinh nghiệm năm ngoái không có tiền nên cho con học bộ sách cũ đi xin.

Ai dè sách của con có những bài toán, những phép tính khác các bạn.

Dù không nhiều nhưng cũng rất khó khăn khi các bạn sửa bài theo nhóm.

Rút kinh nghiệm năm học này, dù bộ sách cũ của anh vẫn còn dùng được nhưng chị vẫn không thể cho con bé em học.

“Thôi mình ăn ít lại, mình mặc ít đi, dồn tiền mua cho con bộ sách mới để con học đỡ vất vả”.

Những câu chuyện thế này, những lời phân trần trách móc:

“Người ta không biết thương người nghèo!” giá mà có thể đến tai các nhà xuất bản, những người có trách nhiệm thì biết đâu đó họ sẽ động lòng trắc ẩn cũng nên?

Biết đâu đó, họ sẽ ít vẽ vời chỉnh sửa này kia, ít yêu cầu các trường thay sách từ nhà xuất bản này sang nhà xuất bản khác, ít nói rằng giáo trình này (sách Tin, tiếng Anh và Mỹ thuật) hơn giáo trình khác cho dân nghèo bớt khổ?

Đỗ Quyên