Nên lựa chọn tổ trưởng, chủ tịch công đoàn…như thế này

20/09/2019 07:03
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Muốn tổ chức công đoàn, ban thanh tra nhân dân hoạt động tốt, thì mỗi giáo viên không thể không thay đổi, điều chỉnh bản thân, bớt đi thái độ bàng quan, thờ ơ.

LTS: Đưa ra giải pháp nhằm giúp các nhà trường lựa chọn được những tổ trưởng, chủ tịch công đoàn... tài giỏi, hết lòng vì học sinh, thầy Sông Trà đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Theo Thông tư số 12/2011/TT- BGDĐT, ngày 28/3/2011 (gọi tắt là Điều lệ trường phổ thông), tại điều 16 (Tổ chuyên môn) quy định:

“Mỗi tổ chuyên môn có tổ trưởng, từ 1 đến 2 tổ phó chịu sự quản lý, chỉ đạo của hiệu trưởng, do hiệu trưởng bổ nhiệm trên cơ sở giới thiệu của tổ chuyên môn và giao nhiệm vụ vào đầu năm học”.

Có thể nói, nhiều hiệu trưởng đã thực hiện tốt quy trình này, lựa chọn, bổ nhiệm được những thầy, cô giáo có năng lực chuyên môn giỏi, biết cách quản lý, tập hợp và phát huy sức mạnh của các thành viên trong tổ, hoàn thành khá, tốt nhiệm vụ, kế hoạch của tổ, của nhà trường đề ra.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hiệu trưởng lại bỏ qua công đoạn lấy giới thiệu và tín nhiệm của tổ chuyên môn mà quyết định bổ nhiệm theo cách của riêng mình.

Chính cái tự quyết, áp đặt của lãnh đạo nhà trường nên không ít nơi xảy ra tình trạng bất mãn, thiếu nể phục của các thành viên tổ về người tổ trưởng, tổ phó, về ban giám hiệu.

Bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn trong trường học (Ảnh minh họa: TTXVN).
Bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó chuyên môn trong trường học (Ảnh minh họa: TTXVN).

Tổ trưởng nói, chỉ đạo tổ viên không nghe, không làm, thậm chí phản ứng lại gay gắt.

Một khi tổ trưởng, tổ phó chưa có được sự tín nhiệm, ủng hộ của các thành viên thì việc quản lý, chỉ đạo của tổ trưởng, tổ phó và hoạt động chuyên môn, giáo dục của cả tổ gặp trở ngại, khó khăn, thậm chí thất bại nặng nề.

Giới trí thức, đội ngũ giáo viên trong môi trường giáo dục nhiều khi “ngặt” lắm, họ đã không ưu thích, xem thường phẩm chất, năng lực của ai đó, nhất là lãnh đạo thì khỏi phải nói, biểu hiện ngay từ ngôn ngữ, nét mặt đến hành động, việc làm.

Tổ trưởng chuyên môn nhận được sự tôn trọng, tín nhiệm cao của các thành viên trong tổ có ý nghĩa lớn tạo nên gắn kết, trách nhiệm và đồng thuận giữa tất cả thành viên, một yếu tố quan trọng để tổ đoàn kết, phối hợp tốt, cùng nhau hoàn thành các mục tiêu của tổ và trường.

Vì vậy, việc lựa chọn, bổ nhiệm các tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở nhà trường cần được ban giám hiệu cân nhắc thật kỹ lưỡng và thực hiện đúng quy trình, chỉ dẫn tại Điều lệ trường phổ thông.

Một số trường trung học phổ thông từng có cách làm khá hay, rất dân chủ, từ đầu năm học, họp tổ chuyên môn, sau khi ban giám hiệu nêu mục đích, yêu cầu, tiêu chuẩn của người tổ trưởng, tổ phó, lập danh sách cả tổ, phát cho từng thành viên lựa chọn, tổng hợp lại, ai được nhiều giáo viên tín nhiệm nhất, hiệu trưởng sẽ bổ nhiệm người đó.

Chức danh tổ trưởng, tổ phó chuyên môn được bổ nhiệm theo từng năm học. Các thành viên tổ tín nhiệm, nhà trường giao nhiệm vụ quản lý, điều hành tổ cho tổ trưởng, tổ phó mà anh làm không được thì năm sau giao quyền cho thành viên khác.

Trường hợp, hiệu trưởng mất dân chủ trong bổ nhiệm tổ trưởng, tổ phó thì tập thể, tất cả giáo viên không thể im lặng, thờ ơ hoặc cho qua mãi được, cần phải có tiếng nói phản biện, đấu tranh đến cùng vừa để lãnh đạo nhà trường bớt lạm quyền, thực hiện đúng quy định vừa để “bộ máy” quản lý ở các tổ chuyên môn có những nhân tố, thầy cô giáo thực tâm, thực tài gánh vác công việc chung của tổ.

Mặt khác, trong quá trình làm việc, điều hành ở tổ, các tổ trưởng, tổ phó mới chưa quen việc, còn lúng túng, bỡ ngỡ thì ban giám hiệu phải là những “bà đỡ” luôn giúp đỡ, hỗ trợ, thậm chí chỉ bày cho họ cách điều hành, quản lý tổ cho tốt.

Tổ trưởng chuyên môn phải làm quá nhiều việc vô bổ
Tổ trưởng chuyên môn phải làm quá nhiều việc vô bổ

Đừng khoán trắng cho họ, muốn làm sao thì làm, dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện, kém hiệu quả, hiệu lực. 

Các tổ chức đoàn thể ở trường học như công đoàn, đoàn thanh niên, ban thanh tra nhân dân mạnh hay yếu, thực chất hay hình thức phụ thuộc nhiều vào việc lựa chọn, bình bầu các chức danh chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn trường, trưởng ban thanh tra nhân dân của tập thể, hội đồng sư phạm nhà trường.

Thực trạng đáng buồn, có một số đơn vị trường học, các đại diện nói trên mang tiếng là thông qua quá trình hiệp thương, hội nghị, đại hội mà giới thiệu, bầu cử lên nhưng thực chất đã bị hiệu trưởng “định hướng”, “sắp xếp” cả theo hướng có lợi cho mình.

Gặp chuyện rắc rối, kiện thưa khi làm những sai trái thì có ngay “mạng lưới”, “chí cốt” hậu thuẫn, bảo vệ ghế hiệu trưởng.

Chủ tịch công đoàn, trưởng ban thanh tra nhân dân có chức năng, vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, cán bộ, giáo viên, nhân viên và lợi ích của nhà nước tại cơ sở.

Tại sao tập thể, các thầy cô giáo lại không biết chọn lựa, giao trách nhiệm cho những đảng viên, giáo viên có năng lực, phẩm chất tốt, dám đấu tranh trước những biểu hiện tiêu cực, mất dân chủ của hiệu trưởng?

Tại sao, nhiều giáo viên lại nghe theo định hướng, vận động ngầm của lãnh đạo nhà trường khi ra giới thiệu, bầu cử, bỏ phiếu cho người đó, người kia mà không phải người khác, theo ý nguyện của mình?

Được quyền giới thiệu, đề cử, bầu cử… là nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng của mọi công dân, cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Muốn tổ chức công đoàn, ban thanh tra nhân dân hoạt động tốt, làm đúng chức năng, vai trò của nó thì mỗi giáo viên ở các cơ sở giáo dục không thể không thay đổi, điều chỉnh bản thân, bớt đi thái độ bàng quan, thờ ơ “im lặng là vàng”, tâm lý “an phận thủ thường”, “đấu tranh tránh đâu”, hình thành bản lĩnh dám lựa chọn và nhiệt tâm ủng hộ những cán bộ, giáo viên khảng khái, cương trực, dũng cảm trong “cuộc chiến” đối với những hiệu trưởng thuộc diện “ông vua con”, coi trời bằng vung. 

Để có những cán bộ giỏi, các tổ, đoàn thể thật sự vững mạnh, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, đem lại nhiều lợi cho nhà trường, giáo viên và học sinh thì luôn cần tới sự quan tâm, trách nhiệm cao của Ban giám hiệu, tập thể sư phạm, từng thầy cô giáo trong việc  phát hiện, tín nhiệm, bồi dưỡng và khích lệ, động viên họ trong mọi công việc, nhất là lúc họ gặp khó khăn, mệt mỏi, chông chênh…                          

SÔNG TRÀ