Nên thay đổi hoàn toàn cách đào tạo giáo viên hiện nay

18/09/2019 06:41
Thùy Linh
(GDVN) - Tuyển những sinh viên đã tốt nghiệp hoặc cả những người đang làm việc ở ngành nghề khác nhưng thực sự yêu thích nghề giáo, rồi tổ chức đào tạo về sư phạm.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của giáo dục đất nước, cùng với các trường sư phạm trung ương, hệ thống các trường sư phạm địa phương đã hình thành từ nhiều thập kỷ qua và liên tục được mở rộng.

Theo thống kê của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, hiện tham gia vào việc đào tạo giáo viên cho giáo dục mầm non và phổ thông đã có: 9 trường đại học sư phạm, 1 trường đại học giáo dục, 31 khoa sư phạm đại học, 35 trường cao đẳng sư phạm, 19 khoa cao đẳng sư phạm và 3 trường trung cấp sư phạm; với quy mô tuyển sinh hàng năm là vào khoảng 23.000 sinh viên đại học sư phạm chính qui và khoảng 26.000 sinh viên cao đẳng sư phạm chính qui.

Với qui mô như vậy, trong nhiều năm qua có tình trạng nhu cầu các giáo viên giảm trong khi số lượng giáo sinh ra trường lại không hề giảm, dẫn tới hậu quả số sinh viên sư phạm bị thất nghiệp khi ra trường tăng lên liên tục.

Do đó, ngành giáo dục hiện đang phải triển khai nhiều biện pháp nhằm sắp xếp lại hệ thống các trường sư phạm, trước hết là các trường sư phạm địa phương, để nâng cao chất lượng đào tạo giáo sinh và bảo đảm khai thác hiệu quả hệ thống trường sư phạm.

Vậy đâu là nguyên nhân của việc sinh viên sư phạm ra trường không có việc làm và làm sao để giải quyết được tình trạng này. 

Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, chúng ta nên tuyển những sinh viên đã tốt nghiệp hoặc cả những người đang làm việc ở ngành nghề khác nhưng thực sự yêu thích nghề giáo, rồi tổ chức đào tạo về sư phạm. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, chúng ta nên tuyển những sinh viên đã tốt nghiệp hoặc cả những người đang làm việc ở ngành nghề khác nhưng thực sự yêu thích nghề giáo, rồi tổ chức đào tạo về sư phạm. (Ảnh minh họa: Thùy Linh)

Trước thực tế này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho biết, những năm vừa qua chúng ta định hướng vào ngành sư phạm là định hướng ngay từ đầu. Nghĩa là đã vào sư phạm là học sư phạm. 

Ông Khuyến chia sẻ, trước đây, sinh viên khi vào trường, học giáo dục đại cương ở giai đoạn 1, sau đó giai đoạn 2 mới phân theo ngành nghề. Còn bây giờ đã vào sư phạm phải theo sư phạm, nếu như vậy thì cơ chế lại phải khác. Chỉ tiêu phải xuất phát từ nhu cầu thực tế. 

Vì chỉ tiêu đào tạo sư phạm của chúng ta không gắn với nhu cầu thực tế nên sinh viên ra trường nhiều em không có việc làm, dẫn đến các em phải làm lao động giản đơn, thu nhập thấp. 

Nên cho mở trường phổ thông tư thục thực hành trong trường sư phạm

Rõ ràng, chúng ta cần phải xem lại chính sách phát triển, nếu định hướng ngay từ đầu vào sư phạm thì phải gắn liền với chỉ tiêu và đơn đặt hàng. Nhưng ai là người đặt hàng phải có câu trả lời. Từ trước đến nay, trong ngành sư phạm, đặt hàng là một đơn vị, tuyển dụng lại là đơn vị khác, cuối cùng không có ai chịu trách nhiệm. 

Do đó, theo vị này, chúng ta nên nhìn nhận một vấn đề, người biết rõ nhất nhu cầu về giáo viên của địa phương chính là lãnh đạo địa phương, do đó phải gắn trách nhiệm đào tạo cho chính quyền địa phương bởi chính quyền địa phương nắm rõ trên địa bàn của họ thừa thiếu giáo viên như thế nào, họ tính được hàng năm. 

“Theo tôi đối với giáo viên trung học phổ thông có thể do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý vì số lượng không nhiều, Bộ có thể điều động các trường đào tạo. 

Còn các địa phương đều có các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm trực thuộc nên việc đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học và cả giáo viên trung học cơ sở nên giao cho địa phương quản lý từ A đến Z, từ việc giao nhiệm vụ, đến việc phân bổ chỉ tiêu cho từng trường, từng cơ sở giáo dục trong tỉnh, khi sinh viên ra trường thừa, trách nhiệm sẽ thuộc về lãnh đạo địa phương chứ không phải Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ chịu trách nhiệm về việc chỉ đạo đảm bảo chiến lược sư phạm, chất lượng chương trình chứ không làm nhiệm vụ phân bổ giáo viên. Nếu chúng ta làm được như vậy sẽ giải quyết được tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm”, ông Khuyến hiến kế. 

Sau 2 năm không làm đúng ngành, cử nhân sư phạm phải hoàn trả học phí 

Theo ông Khuyến, muốn tuyển được người tài vào ngành sư phạm thì chính sách đầu tiên là phải bảo đảm chắc chắn cho sinh viên sư phạm ra trường có việc làm. Thứ hai là chúng ta phải nâng dần chế độ đãi ngộ đối với giáo viên.

Tuy nhiên, việc nâng này không phải là nâng đột biến, nhưng cũng không thể quá chậm. Như vậy, học sinh khá giỏi sẽ vào sư phạm bởi chắc chắn có việc làm và thu nhập cũng không đến nỗi nào.

Bên cạnh đó, vị này cũng cho rằng, chúng ta cũng nên thay đổi quy trình tuyển giáo viên mà như ở rất nhiều nước phát triển đã làm. Đó là tuyển sinh viên có kết quả học tập tốt ở tất cả các ngành như Toán, Lý, Hóa, các ngành về cơ khí, chăn nuôi, trồng trọt… chứ không phải sinh viên học ngành sư phạm. 

Tuyển những sinh viên đã tốt nghiệp hoặc cả những người đang làm việc ở ngành nghề khác nhưng thực sự yêu thích nghề giáo, rồi tổ chức đào tạo về sư phạm cho họ (ở các nước đào tạo trong khoảng 1 năm). 

Như vậy sẽ đỡ mất chi phí hỗ trợ cho họ trong quá trình học đại học mà chỉ mất chi phí đào tạo trong một khoảng thời gian ngắn. 

“Theo tôi, đấy là một phương án ít tốn kém mà lại chọn được người tài vào sư phạm”, Trưởng ban hỗ trợ chất lượng giáo dục đại học (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) chia sẻ.

Thùy Linh