Những đối tượng thuộc diện không bổ nhiệm lại ở ngành giáo dục

26/05/2020 06:18
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, không thực hiện bổ nhiệm lại chức vụ quản lý trường học mà bố trí làm nhiệm vụ khác phù hợp đến khi nghỉ hưu theo quy định.

Dự thảo Thông tư quy định về việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo đang được lấy ý kiến rộng rãi.

Giáo viên đạt chuẩn đương nhiên hiệu trưởng không đạt chuẩn sẽ không được bổ nhiệm lại (Ảnh có tính chất minh họa: VTC)

Giáo viên đạt chuẩn đương nhiên hiệu trưởng không đạt chuẩn sẽ không được bổ nhiệm lại (Ảnh có tính chất minh họa: VTC)

Theo Dự thảo thông tư quy định việc sử dụng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục chưa đáp ứng trình độ chuẩn đào tạo như sau:

1.Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề với năm Thông tư này có hiệu lực thi hành có kết quả đánh giá, xếp loại đạt chuẩn hiệu trưởng trở lên hoặc được phân loại, đánh giá công chức, viên chức xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ trở lên, có đủ sức khỏe thì tiếp tục đảm nhiệm chức vụ quản lý trường học đến hết nhiệm kì bổ nhiệm.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, không thực hiện bổ nhiệm lại chức vụ quản lý trường học mà bố trí làm nhiệm vụ khác phù hợp đến khi nghỉ hưu theo quy định.

2.Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục trong 02 (hai) năm liên tiếp liền kề với năm Thông tư này có hiệu lực thi hành có kết quả đánh giá, xếp loại không đạt chuẩn hiệu trưởng và có một năm được phân loại, đánh giá công chức, viên chức xếp vào mức không hoàn thành nhiệm vụ

thì thôi đảm nhiệm chức vụ quản lý trường học và bố trí làm nhiệm vụ giảng dạy hoặc được sắp xếp tham gia bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để bố trí sang vị trí việc làm khác phù hợp.

Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục không đủ sức khỏe, có nguyện vọng nghỉ hưu, đủ các điều kiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được nghỉ hưu theo quy định.

Cần làm rõ khoản 1 Điều 4:

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, không thực hiện bổ nhiệm lại chức vụ quản lý trường học mà bố trí làm nhiệm vụ khác phù hợp đến khi nghỉ hưu theo quy định.

Nếu trong thời gian chưa kết thúc nhiệm kỳ những cán bộ quản lý này đã kịp thời đi học tập nâng cao trình độ thì sao?

Chẳng lẽ vẫn thực hiện việc không bổ nhiệm lại? Thế nên chúng tôi nghĩ rằng cần bổ sung thêm ý:

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, nếu đạt chuẩn đào tạo vẫn sẽ được thực hiện bổ nhiệm lại chức vụ quản lý trường học.

Vì sao lại bổ sung thêm ý này? Bởi, chúng ta sẽ khuyến khích được khả năng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ của những cán bộ quản lý này.

Nếu, sau thời gian ấy họ vẫn chưa đạt chuẩn thì thực hiện việc không bổ nhiệm lại cán bộ quản lý do chưa đạt chuẩn là hoàn toàn hợp lý.

Bởi, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học chính là chủ thể của công cuộc đổi mới giáo dục.

Trong trường học nếu giáo viên đạt chuẩn nhưng Ban giám hiệu mà đặc biệt là hiệu trưởng lại chưa đạt chuẩn sẽ thế nào? Sẽ rất khó cho việc lãnh đạo, quản lý ở nhà trường.

Đồng thời, với trình độ có hạn sẽ rất khó khăn cho việc đổi mới căn bản toàn diện trong giáo dục mà chúng ta đang hướng tới.

Phan Tuyết