Phải trị tận gốc lạm thu, học thêm và bệnh thành tích trong ngành Giáo dục

19/08/2019 06:39
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Hy vọng một năm học mới sẽ có nhiều khởi sắc, nhiều thay đổi để những hạn chế, yếu kém bị đẩy lùi và môi trường giáo dục phải được lành mạnh, trung thực.

Có những chuyện để lại nhiều điều tiếng xảy ra ở ngành giáo dục được lặp đi, lặp lại trong nhiều năm nhưng xem chừng vẫn chưa có thuốc nào “đặc trị” dứt điểm.

Đó là tình trạng lạm thu đầu năm học, chuyện dạy thêm, học thêm và bệnh thành tích trong giáo dục. Chính vì thế mà niềm tin của xã hội dành cho ngành giáo dục có lúc, có nơi chưa được trọn vẹn.

Nếu vẫn không khắc phục được những hạn chế này thì rất khó để giáo dục nước nhà phát triển toàn diện. Nhưng, để khắc phục được nó lại rất cần sự chung tay của nhiều ngành, của nhiều người chứ mình ngành giáo dục có lẽ sẽ không làm được.

Môi trường giáo dục phải được lành mạnh và trung thực (Ảnh minh họa: VOV.vn)
Môi trường giáo dục phải được lành mạnh và trung thực (Ảnh minh họa: VOV.vn)

Năm học 2019-2020 lại đã bắt đầu, liệu những câu chuyện buồn trong giáo dục có còn lặp lại nữa hay không và lãnh đạo ngành giáo, lãnh đạo các địa phương sẽ làm gì để chấn chỉnh những tồn tại mang tính “đặc thù” lâu năm trong ngành?

Câu chuyện lạm thu trong nhà trường đã được phản ánh nhiều và năm nào thì Bộ, Sở cũng phải ra công văn chỉ đạo, thiết lập đường dây nóng trước khi bước vào năm học mới.

Trường công lập thì nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp kinh phí để mua sắm trang thiết bị dạy học, trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Vậy, tại sao một số trường học vẫn để xảy ra tình trạng lạm thu đầu năm?

Phải chăng, cơ chế giám sát của các trường học chưa tốt, một số tổ chức trong trường học chưa đủ mạnh nên không thể phản biện, lên tiếng khi hiệu trưởng nhà trường có dấu hiệu lạm thu?

Cơ chế giám sát của cấp trên thì nhiều thời điểm chưa tốt, chủ yếu chỉ mới lên tiếng, xử lý khi mà những hiệu trưởng trên địa bàn của mình phụ trách bị phụ huynh tố giác, phản đối mạnh mẽ hoặc khi báo chí vào cuộc.

Công tác thanh, kiểm tra tài chính vẫn diễn ra đối với một số trường nhưng không hiểu vì lý do gì mà lại ít khi phát hiện ra tình trạng lạm thu!

Chính vì thế, cứ bước vào đầu năm học thì các phụ huynh học sinh lại bấm bụng đóng tiền trường cho con. Có những khoản thu chính đáng như học phí, bảo hiểm y tế, tai nạn thì đã đành.

Nhưng, nào đâu chỉ có những khoản cứng như vậy, hàng chục loại tiền được nhà trường liệt kê ra và khoản nào cũng được lý giải hợp lý là để giúp cho học sinh được học tập thuận lợi và đủ đầy nhất.

Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn đang là bài toán nan giải trong ngành giáo dục. Cũng một chính sách nhưng có nơi thì dạy thêm tràn lan, không có cơ quan nào giám sát, quản lý.

Giáo viên có thể dạy ở trường, dạy ở nhà, dạy ở trung tâm gia sư cũng không sao hết nhưng có địa phương thì bắt bớ, kỷ luật giáo viên.

Các trung tâm gia sư thì được mở tràn lan ở các thành phố mà không mấy khi bị kiểm tra gì hết. Nếu có kiểm tra thì đa phần đã được báo trước để các trung tâm “chuẩn bị” một cách tốt nhất khi đoàn thanh, kiểm tra đến.

Nhưng, vì sao học sinh phải học thêm nhiều đến thế? Bởi vì bệnh thành tích, vì học để phục vụ các bài kiểm tra, các kỳ thi bởi chương trình hiện hành quá nặng. Học sinh học thêm nhiều trong trường, học thêm nhiều ở nhà thầy cô nên cuối năm học thì khen thưởng tràn lan.

Trường nào cũng loạn học sinh giỏi, học sinh xuất sắc nhưng chỉ vài tuần sau khi trải qua kỳ thi tuyển sinh 10 và thi trung học phổ thông quốc gia thì liền phơi bày ra sự thật.

Thay vì loạn học sinh giỏi thì điểm thi loạn học sinh điểm 0, điểm liệt. Đâu mới sự thật, đâu mới là thực trạng của giáo dục?

Cái vòng luẩn quẩn học thêm- bệnh thành tích- chất lượng giáo dục thật cứ đẩy đưa, vòng vèo qua lại với nhau từ năm này sang năm khác mà ngành giáo dục chưa thể giải quyết dứt điểm được!

Lãnh đạo ngành giáo dục và địa phương cần cương quyết hơn?

Đối với những hiệu trưởng nhà trường mà để xảy ra tình trạng lạm thu, gây bức xúc cho xã hội thì cơ quan chức năng cứ mạnh dạn cách chức, hạ bậc lương theo đúng hướng dẫn của luật thi đua khen thưởng.

Những trường hợp nghiêm trọng nên xử lý hình sự để dập tắt tư tưởng lạm thu trong nhà trường. Tuyệt đối không nên cho “rút kinh nghiệm” hay luân sang trường khác làm hiệu trưởng.

Phải trị tận gốc lạm thu, học thêm và bệnh thành tích trong ngành Giáo dục ảnh 3Em đố thầy dám không cho cháu đi học thêm!

Việc dạy thêm, học thêm vẫn chưa có sự thống nhất trong toàn ngành giáo dục. Có nơi cấm nhưng vẫn âm thầm cho tồn tại, có nơi công khai cho học thêm.

Chẳng hạn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình vừa có hướng dẫn dạy và thu tiền học thêm trong nhà trường ở năm học 2019-2020.

Theo hướng dẫn của Sở thì mức thu dạy thêm, học thêm trong nhà trường do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường nhưng cấp Tiểu học không vượt quá số tiền thu tối đa là 110.000 đồng/một tiết/lớp học.

Cấp Trung học cơ sở không vượt quá số tiền thu tối đa là 140.000 đồng/một tiết/lớp học. Đối với trường ở Trung học phổ thông, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục Thường xuyên…là 230.000 đồng/một tiết/lớp học.

Với cách hướng dẫn đầy hấp dẫn như thế này thì có trường nào lại không “thỏa thuận” với phụ huynh để mở lớp dạy thêm cho học sinh?

Rồi từ việc dạy thêm, học thêm sẽ nảy sinh ra bệnh thành tích là điều không thể tránh khỏi. Chẳng lẽ nhà trường thu tiền, dạy thêm cả năm mà kết quả không được nâng lên thì phụ huynh cho con học thêm làm gì.

Vì vậy, hạn chế và tiến tới triệt tiêu dạy thêm học thêm sẽ khống chế được bệnh thành tích trong ngành giáo dục.

Không có khó khăn nào mà không khắc phục được và cũng không có hạn chế nào mà lại không có hướng giải quyết triệt để.

Điều quan trọng là lãnh đạo ngành giáo dục, địa phương phải thực sự kiên trì, cương quyết trong chỉ đạo, không lơ là, bỏ qua những sai phạm đối với những người đứng đầu các trường học.

Lãnh đạo cũng không nên giao chỉ tiêu về thành tích và không nên tổ chức quá nhiều những cuộc thi không cần thiết đang tồn tại trong ngành giáo dục là mọi thứ sẽ khác.

Hy vọng một năm học mới sẽ có nhiều khởi sắc, nhiều thay đổi để những hạn chế, yếu kém bị đẩy lùi và môi trường giáo dục phải được lành mạnh, trung thực.

NGUYỄN NGUYÊN