Sĩ số quá đông là nguyên nhân chính gây quá tải chương trình

08/11/2020 06:36
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vì sĩ số quá đông nên giáo viên để đảm bảo chương trình đành bỏ mặc học sinh còn yếu, không theo kịp chương trình mà tiếp tục dạy.

Hiện nay có khá nhiều các bài viết, ý kiến của giáo viên, phụ huynh cho rằng dạy theo chương trình, sách giáo khoa lớp 1 mới và cả các lớp hiện nay theo chương trình hiện hành là “nặng”, nhiều học sinh không theo kịp chương trình ngày càng có nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Theo quan điểm cá nhân tôi, việc học sinh không theo kịp chương trình, giáo viên dạy không đãm bảo cả lớp tiếp thu hay học sinh ngày càng quá tải, có nhiều học sinh yếu,… không phải do chương trình “nặng” hay sách giáo khoa “nặng” mà do nguyên nhân chính là do sĩ số học sinh trên lớp quá đông.

Thực tế, nếu bây giờ chương trình có “nhẹ” cỡ nào đi chăng nữa mà sĩ số mỗi lớp quá đông như hiện nay thì học sinh vẫn không thể tiếp thu đều, phát triển toàn diện được, thậm chí phản tác dụng.

Trong một lớp quá đông, giáo viên không thể triển khai các phương pháp, cách thức dạy học hiệu quả, cũng không thể kèm cặp, quản lý sự phát triển kiến thức, nhận thức của từng học sinh nên khi dạy sẽ có nhiều em không theo kịp chương trình.

Vì sĩ số quá đông nên giáo viên để đảm bảo chương trình đành bỏ mặc học sinh còn yếu, không theo kịp chương trình mà tiếp tục dạy.

(Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: Lã Tiến)

(Ảnh chỉ mang tính minh hoạ: Lã Tiến)

Học sinh yếu, tiếp thu chậm sẽ tiếp tục không theo kịp bài trước, đương nhiên sẽ không học được những bài tiếp theo, thì các em sẽ trở thành những học sinh ngồi nhầm lớp, vì lý do thành tích các em đó lại bị “lùa” lên các lớp cao hơn.

Vòng luẩn quẩn dạy, học sinh học yếu bị bỏ rơi, vì thành tích “lùa” lên lớp cứ tiếp diễn nên hiện nay chất lượng “ảo” thì tăng, chất lượng “thật” lại giảm.

Hiện nay, mặc dù có nhiều ý kiến chương trình, sách giáo khoa nặng nhưng tôi tin chắc rằng, khi cuối năm báo cáo thì chất lượng rất cao, chương trình thành công, có ai trong nghề mới biết đó là các báo cáo “láo”, trong số học sinh lên lớp đó có nhiều em không theo kịp chương trình, không đạt chuẩn năng lực, phẩm chất nhưng vẫn lên lớp 100%, thậm chí kết quả cao, rồi khi lên lớp các em sẽ học như thế nào khi kiến thức lớp 1 (chủ yếu đọc, viết) mà các em chưa đạt.

Tại sao hiện nay không chỉ lớp 1, 2 mà thậm chí có cả lớp 6, 7 vẫn có học sinh không đọc được, không viết được. Vì đâu ra nông nỗi này? Trách nhiệm của ai?

Người viết cho rằng chính là do sĩ số đông, chạy theo thành tích là nguyên nhân chính gây quá tải cho chương trình mới, sách giáo khoa mới chứ không phải do chương trình mới “nặng” là vì thực chất hiện nay chương trình là pháp lệnh, còn sách giáo khoa, các tài liệu khác chỉ là tài liệu tham khảo.

Chuẩn đầu ra của chương trình hiện nay so với chương trình mới cũng không khác là bao. Nếu đãm bảo được sĩ số hợp lý, thì các giáo viên, tổ chuyên môn có thể xây dựng lại phân phối chương trình phù hợp với trình độ học sinh, lớp ít học sinh thì chương trình nào giáo viên cũng có thể đảm bảo.

Kết hợp với quy định chuẩn đầu ra cho từng phần cụ thể, ban giám hiệu thường xuyên kiểm tra đánh giá một cách thiết thực thì việc học sinh đạt chuẩn năng lực và phẩm chất trong chương trình mới là điều không quá khó.

Tất nhiên vẫn sẽ có học sinh yếu, kém nhưng con số yếu này là có thể chấp nhận được.

Không thể chấp nhận được việc tốn rất nhiều tiền để thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục nhưng kết quả lại thấp hơn khi thực hiện chương trình cũ. Hay báo cáo thì cao, hoành tráng nhưng thực chất lại đi ngược lại, nhiều học sinh ngồi nhầm lớp hơn.

Một số giải pháp cấp bách hiện nay

Để thực hiện được việc giảm sĩ số học sinh trên lớp phải xem đó là nhiệm vụ hàng đầu trong việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Theo tôi có thể thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất: Giảm sĩ số là nhiệm vụ chính trị chấm dứt việc các đơn vị vượt số học sinh mỗi lớp theo quy định, xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân sai phạm quy định về sĩ số.

Tại thông tư điều lệ trường tiểu học vừa mới ban hành thì ở bậc tiểu học số lượng học sinh trên lớp tối đa 35 học sinh.

Còn tại bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông tối đa 45 học sinh.

Sĩ số theo quy định tại các thông tư điều lệ trường học trên theo tôi vẫn còn khá cao. Theo tôi, ở lớp 1,2 rất cần sự kèm cặp, uốn nắn, giáo dục các em thì tối đa không nên quá 30 học sinh, các khối lớp còn lại không quá 35 học sinh kể cả ở bậc phổ thông.

Nhưng hiện nay, có rất nhiều nơi không đảm bảo sĩ số, có lớp trên 45 thậm chí trên 50 học sinh mỗi lớp. Nếu vẫn giữ sĩ số như hiện nay, việc dạy học tích cực theo chương trình mới sẽ rất khó thực hiện, thậm chí sẽ thất bại. Cho dù có giảm tải bao nhiêu lần đi nữa thì vẫn không thể thực hiện được.

Thứ hai, cần tiếp tục mở rộng trường lớp, đảm bảo nghiêm sĩ số học sinh trên lớp học để việc thực hiện chương trình mới trong thời gian tới thành công.

Hạn chế các công trình không cần thiết, tránh lãng phí để dành mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mở rộng phòng học trong công cuộc đổi mới toàn diện phía trước.

Hiện nay còn nhiều nơi chưa đảm bảo cơ sở vật chất, phòng học cho việc dạy học 2 buổi/ngày cho chương trình mới.

Thứ ba, tiếp tục mở rộng trường tư, trường ngoài công lập để giảm áp lực trường công, giảm áp lực ngân sách.

Muốn giáo dục thành công, cạnh tranh công bằng, giảm áp lực ngân sách đó chính là sự phát triển mạnh mẽ công bằng của hệ thống trường ngoài ngân sách, giảm áp lực quá tải cho trường công, áp lực lên nguồn ngân sách của nhà nước và tạo cuộc cạnh tranh công bằng, lành mạnh cùng phát triển một cách thiết thực.

Cuối cùng là giải tỏa áp lực thành tích cho giáo viên, hãy chấp nhận một trường có một vài học sinh yếu kém, đừng vì áp lực thành tích mà “lùa” các em học sinh lên lớp, để ngày càng có nhiều học sinh ngồi nhầm lớp.

BÙI NAM