Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất kế hoạch học tập trực tiếp trở lại

28/10/2021 08:33
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh vừa ký tờ trình đề xuất kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Ngày 27/10/2021, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ký tờ trình 2918/Ttr-SGDĐT gửi ông Dương Anh Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, trình dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn

Theo đó, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): Tổ chức dạy học trực tiếp, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Những cơ sở giáo dục ngoài công lập nếu đảm bảo các điều kiện an toàn thì có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa rước học sinh.

Đảm bảo giãn cách, đảm bảo đánh giá an toàn theo bộ tiêu chí đánh giá an toàn Covid trong ngành giáo dục do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L)

Củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học qua internet khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Các cơ sở giáo dục đại học được tổ chức dạy học trực tiếp nếu đáp ứng Bộ tiêu chí an toàn trường học, đảm bảo đội ngũ nhà giáo và sinh viên tham gia dạy học trực tiếp đã được tiêm đủ liều vắc xin, đảm bảo các quy định phòng chống dịch Covid-19 của địa phương.

Với các địa bàn được xác định dịch ở cấp 3 (nguy cơ cao): Tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy trực tuyến, dạy trên truyền hình, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.

Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1,2,6,9 và 12.

Tổ chức học trực tiếp cho học sinh, sinh viên, sinh viên bố trí lệch ca, lệch giờ, không tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người học/lớp theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn Covid-19 trong ngành giáo dục do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành, được Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 đánh giá an toàn.

Với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): Tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.

Cấp học mầm non, phổ thông thì giáo viên hướng dẫn, phụ huynh hỗ trợ, giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập, vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp, phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học qua truyền hình, có phương án chuyển tài liệu học tập đến những học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến, học qua truyền hình.

Ngoài việc đề xuất công tác chuẩn bị ở góc độ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, nhân viên các trường, Sở Giáo dục thành phố đề xuất với giáo dục mầm non thì trong thời gian đầu chỉ giữ trẻ 1 buổi, không ăn sáng, không tổ chức bán trú, chia đôi lớp và bố trí lệch buổi.

Giáo dục phổ thông, Giáo dục thường xuyên thì giao từng trường chủ động xây dựng phương án tổ chức hoạt động nhà trường, để linh hoạt thực hiện việc dạy học phù hợp với quy định cấp độ dịch tại địa phương nơi trường trú đóng, được Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 đánh giá an toàn.

Dự thảo kế hoạch này cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, ban ngành có liên quan như Ủy ban nhân dân quận, huyện và thành phố Thủ Đức, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Tài chính, Công an Thành phố Hồ Chí Minh.

Để tận dụng tối đa khoảng thời gian học trực tiếp, cần nhanh chóng hoàn thành sửa chữa cơ sở vật chất nhà trường, sau khi trưng dụng phục vụ phòng chống dịch Covid-19.

Vì vậy, kiến nghị giao Ban Quản lý xây dựng các công trình địa phương chủ trì thực hiện, có cơ chế phê duyệt, cấp kinh phí nhanh, tiết kiệm tối đa khoảng thời gian bị chậm trễ do các thủ tục hành chính.

Kinh phí hoạt động của các trường, để triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, để bổ sung giáo viên, mua sắm, sửa chữa…rất khó khăn. Giáo viên vừa phải tổ chức dạy trực tiếp, vừa dạy trên môi trường internet, vừa tham gia phòng chống dịch…nên khối lượng công việc rất lớn. Đề xuất có phương án cấp bổ sung kinh phí hoạt động cho các trường công lập (tùy cấp học theo phân cấp sẽ do Ủy ban nhân dân quận huyện hay Sở Giáo dục chủ trì).

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Việt Dũng