Tại sao bao vụ bạo hành trường học, thầy cô luôn là người sau cùng biết chuyện?

04/04/2019 06:15
Mai Hoa
(GDVN) - Thiếu vắng chuyện trò, giáo viên mất hẳn một kênh thông tin khá đắc lực. Điều này đã giải thích được vì sao bao vụ bạo hành thầy cô vẫn là người biết sau cùng.

Có thể nói bạo lực học đường đang diễn ra khá phổ biến trong các trường học hiện nay.

Ngoài những vụ đánh bạn giã man bị tung clip trên mạng vẫn còn không ít những vụ việc chưa bị bóc trần và nạn nhân trong cuộc vẫn đang phải âm thầm chịu đựng.

Bạo lực có thể xảy ra với bất cứ học sinh nào ở trường mà đôi khi thầy cô, cha mẹ cũng không hề biết.

Hình ảnh một nữ sinh cầm ghế đánh lên đầu bạn trong một clip được tung lên mạng xã hội
Hình ảnh một nữ sinh cầm ghế đánh lên đầu bạn trong một clip được tung lên mạng xã hội

Con thầy cô cũng bị bạo hành

Có ba là giáo viên trong trường nhưng không thể ngờ cô con gái học lớp 9 lại bị đám bạn nữ trong lớp bạo hành trong suốt thời gian dài mà không hề biết.

Đám bạn ấy thuộc nhóm học sinh cá biệt của lớp nên những học sinh khác vô cùng sợ hãi trong đó có con gái tôi.

Sau này, cô bé kể ngày nào bạn cũng bắt phải soạn bài dùm bạn. Làm bài tập xong phải cho bạn mượn chép vào, làm bài kiểm tra cũng phải đưa trước cho bạn.

Hôm nào đưa chậm bạn làm không kịp bị thì hôm ấy sẽ bị khủng bố, nhẹ thì bị chửi rủa, mạt sát, nặng bị tạt tai, đá đít.

Về nhà chưa bao giờ thấy con tâm sự hay nói gì về chuyện ấy. Cho đến một ngày, con đi học về nhà là vào phòng nằm không ra ăn cơm.

Nghĩ con mệt nên tôi vào phòng hỏi thăm mới phát hiện má của con đỏ lựng, sưng vù.

Lúc này thì con không thể chối và kể cho ba mẹ nghe mình bị bạn đánh vì đưa bài kiểm tra cho bạn chậm.

Kể thế nhưng con vẫn năn nỉ “Ba mẹ không được lên trường làm lớn chuyện. Mấy bạn ấy hung dữ lắm, chúng nó sẽ giết con chết mất”.

Đánh nhau ở ký túc xá, một học sinh bị đâm tử vong

Rồi con nức nở kể rằng, có một bạn cũng bị đánh như con, mẹ bạn nói với cô chủ nhiệm.

Sau khi bị cô chủ nhiệm răn đe, bắt viết bản kiểm điểm và xin lỗi bạn ấy thì từ đó về sau cô bạn của con bị tụi bạn đánh nhiều hơn thế.

Nói rồi con khẳng định “Ba mẹ không biết mấy đứa đó chúng hung dữ thế nào đâu”.

Thương con một phần, uất ức và giận dữ nhiều hơn vì có ba dạy ngay trong trường con mình còn bị bạn đánh. Vậy với những học sinh khác thì sao? Tôi thật sự không dám nghĩ tiếp.

Vừa nhu vừa cương

Là giáo viên, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với những học sinh này.

Phải thừa nhận một điều, tất cả thầy cô giáo đều phải ngán bởi sự lì lợm, ngang tàng của các em.

Lời nói, lời dạy của thầy cô cũng gần như mất tác dụng. Để “cầm cương” những con ngựa bất kham kiểu này, một số giáo viên khẳng định phải vừa nhu vừa cương và thật kiên nhẫn.   

Bởi thế, dù tức giận nhưng gia đình tôi không lên trường làm lớn chuyện. Là giáo viên ở trường nên ba cô bé gặp riêng giáo viên chủ nhiệm trao đổi và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm đưa giấy mời phụ huynh và gặp riêng những học sinh này làm việc.

Riêng tôi đến tận nhà cô bé (được xem là cầm đầu) nói chuyện với ba mẹ các em.

Trước là nói chuyện tình cảm, sau là nói chuyện về luật.

Tôi nói mình đã có đủ bằng chứng (lời khai của những học sinh đã từng bị đánh trong đó có con tôi, bằng chứng về những thương tích…) là đủ khởi kiện về tội bạo hành và mức hình phạt không phải là nhẹ dù các con chưa đủ 16 tuổi.

Dù không phải vào tù nhưng vào trường giáo dưỡng cũng chẳng dễ chịu tí nào.

Cô bé được xem là lì lợm nhất nhóm mặt xanh như tàu lá, lắp bắp xin cô bỏ qua cho con và hứa sẽ không hành hung các bạn nữa.

Ba mẹ cô bé cũng đã nhận lỗi và hứa sẽ giám sát con chặt chẽ hơn.

Từ thời điểm đó, giáo viên chủ nhiệm, giám thị nhà trường giám sát các em chặt chẽ hơn. Con tôi không còn bị bạn đánh và nhiều học sinh khác trong lớp cũng cho biết bạn chỉ chửi, không hùng hổ đánh đập như trước.

Trách nhiệm không chỉ nhà trường

Để chuyện bạo lực học đường xảy ra trách nhiệm không chỉ mỗi nhà trường. Thế nên dù có cách chức hiệu trưởng, có đuổi hoặc đình chỉ giáo viên thì bạo hành vẫn khó chấm dứt.

Tội ác dưới mái trường là tất yếu của sự dung dưỡng những điều dối trá

Vai trò của gia đình trong chuyện này vô cùng quan trọng.

Tính hung hăng, dữ tợn chẳng xem ai ra gì của một số học sinh chính là hệ quả của việc nuông chiều trong cách giáo dục con cái của nhiều gia đình.

Những biểu hiện lệch lạc về suy nghĩ cũng như hành động của một số em không được ba mẹ phát hiện kịp thời chính là mầm mống xảy ra tội ác.

Dù thời gian học sinh ở trường nhiều hơn ở nhà nhưng vào lớp chỉ việc học và học, học miệt mài, hỏa tốc vì sợ hết tiết không xong bài.

Giáo viên muốn nói chuyện, muốn giao lưu với các em cũng chẳng biết lấy thời gian trống ở đâu.  

Thiếu vắng chuyện trò, giáo viên mất hẳn một kênh thông tin khá đắc lực. Điều này đã giải thích được vì sao bao vụ bạo hành thầy cô vẫn là người biết sau cùng.

Hạn chế việc bạo lực học đường, ngoài việc mỗi gia đình phải xem lại việc giáo dục con cái, có sự quan tâm, chăm sóc, sát sao hằng ngày.

Thầy cô giáo cần tiếp cận những học sinh cá biệt của lớp bằng các biện pháp tâm lý để xem tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, thái độ của các em để giúp đỡ và có biện pháp thích hợp để điều chỉnh hành vi lệch chuẩn kịp thời.

Khi thật sự cảm nhận được sự quan tâm, tình yêu thương của thầy cô giáo dành cho mình, học sinh cũng sẽbớt hung hãn và ngang tàng hơn.

Mai Hoa