Thăng hạng, tội nhất là giáo viên trung học cơ sở

06/10/2018 07:18
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Đáng lẽ ra, thang bậc, hệ số lương sau chuyển ngạch, thăng hạng phải tương đương nhau, đằng này, giáo viên trung học cơ sở sau khi thăng hạng lại bị thiệt thòi

LTS: Cho rằng, đối tượng giáo viên trung học cơ sở sau khi thăng hạng bị thiệt thòi rất nhiều so với giáo viên trung học phổ thông, tác giả Đỗ Tấn Ngọc đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Theo thông tư số: 02/2007/TT-BNV của Bộ Nội vụ ngày 25/05/2007 về việc xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức thì đối tượng giáo viên từ mầm non đến phổ thông được xếp ở các hạng có hệ số lần lượt như sau:

Giáo viên tiểu học, mầm non: Hạng IV (từ 1,86 đến 4,06); Hạng III (từ 2,1 đến 4,98); Hạng II (từ 2,34 đến 4,89).

Giáo viên trung học cơ sở: Hạng III (từ 2,1 đến 4,89); Hạng II (từ 2,34 đến 4,98); Hạng I (từ 4,0 đến 6,38).

Giáo viên trung học phổ thông: Hạng III (từ 2,34 đến 4,98); Hạng II (từ 4,0 đến 6,38); Hạng I (từ 4,4 đến 6,78).

Giáo viên mầm non, tiểu học hiện tại được xếp thành 12 bậc, mỗi bậc cách nhau 0,2 nhưng khi thăng hạng thì được thêm 2 bậc nữa, thành 14 bậc, mỗi bậc cách nhau 0,31.

Thăng hạng, tội nhất là giáo viên trung học cơ sở ảnh 1Nâng hạng nhà giáo, đoạn trường ai có qua cầu mới hay

Bậc lương cuối cùng khi thăng hạng cao hơn bậc lương cuối cùng của hiện tại là 0,83.  

Giáo viên trung học cơ sở hiện tại được xếp thành 10 bậc, mỗi bậc cách nhau 0,31 nhưng khi thăng hạng thì chỉ còn 9 bậc, mỗi bậc cách nhau 0,33, giống như thang, bậc lương giáo viên trung học phổ thông đang hưởng.

Bậc lương cuối cùng khi thăng hạng cao hơn bậc lương cuối cùng của hiện tại là 0,09.  

Giáo viên trung học phổ thông hiện tại được xếp thành 9 bậc, mỗi bậc cách nhau 0,33 nhưng khi thăng hạng thì được giãn ra thành 13 bậc mỗi bậc cách nhau 0,34.

Bậc lương cuối cùng khi thăng hạng cao hơn bậc lương cuối cùng của hiện tại là 1,4.  

Khi thăng hạng từ hạng II lên hạng I (Giáo viên trung học phổ thông được chuyển xếp lương từ 8 bậc (từ 4,0 đến 6,38) thành 9 bậc (từ 4,4 đến 6,78).

Bậc lương cuối cùng khi thăng hạng I cao hơn bậc lương cuối cùng của hạng II là 0,4.

Nhìn vào đây có thể thấy ngay rằng, giáo viên trung học phổ thông chuyển ngạch từ hạng III sang hạng II là được hưởng lợi nhiều nhất.

Nếu các giáo viên trẻ tuổi (khoảng 10 năm thâm niên trở lại) của mầm non, tiểu học và trung học cơ sở được thăng hạng từ hạng IV lên hạng III, từ hạng III lên hạng II thì mức độ chênh lệch giữa các thang, bậc lương cũ với các thang, bậc lương mới không đáng kể. Tính cụ thể ra, mỗi tháng chỉ thêm không quá 150.000 đồng.

Trong khi đó giáo viên trung học phổ thông trẻ tuổi (khoảng 10 năm thâm niên trở lại) thì có bước nhảy vọt từ thang, bậc lương cũ (hạng III) chuyển sang thang, bậc lương mới (hạng II): hệ số lương từ khoảng 2,34 đến 3,33 sẽ tăng lên hệ số lương khởi điểm là 4,0. Tính cụ thể ra, mỗi tháng thêm trên cả triệu đồng.

Giáo viên trung học phổ thông từ hạng III thăng hạng III được mở rộng khung lương thêm 4 bậc nữa từ 5,36 đến 6,38.

Còn giáo viên trung học cơ sở từ hạng III thăng hạng II lại thụt lùi từ thang bậc lương 10 xuống thang bậc lương 9, hưởng hệ số lương của giáo viên trung học phổ thông hạng III hiện hành.

Hệ số lương cuối cùng của hạng II chênh hệ số lương cuối cùng của hạng III hiện tại là 0,09, mỗi tháng chỉ thêm không quá 120.000 đồng.

Thăng hạng, tội nhất là giáo viên trung học cơ sở (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Thăng hạng, tội nhất là giáo viên trung học cơ sở (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Cũng là giáo viên thuộc bậc phổ thông (trừ mầm non) tuy bằng cấp khác nhau nhưng tính chất công việc đặc thù của môi trường giáo dục phổ thông gần như nhau, nhất là giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Đáng lẽ ra, thang bậc, hệ số lương sau chuyển ngạch, thăng hạng phải tương đương với nhau. Đằng này, đối tượng giáo viên trung học cơ sở sau khi thăng hạng bị thiệt thòi rất nhiều so với giáo viên trung học phổ thông.

Trong bài: “Giáo viên sẽ được xếp lương như thế nào sau khi thăng hạng?” của tác giả Bùi Nam đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 13/09/18) cũng đã nêu kiến nghị rất xác đáng:

Có nhiều trường hợp khi chuyển ngạch hầu như không tăng, trong đó cũng có trường hợp tăng khá nhiều (nhất là đối với giáo viên trung học phổ thông), mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách để cho việc xếp lương sau khi thăng hạng công bằng hơn và tạo điều kiện để giáo viên luôn phấn đấu không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và tay nghề”.

ĐỖ TẤN NGỌC