Thật buồn với chuyện bán mua giáo án, sáng kiến kinh nghiệm…của một số giáo viên

03/05/2020 07:44
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Mỗi cuốn giáo án có lẽ cũng không bao nhiêu tiền nhưng lương tâm, danh dự của người thầy liệu có còn khi cũng làm thầy mà phải bỏ tiền ra mua của đồng nghiệp?

Thời gian qua, khi vào facebook cá nhân, chúng tôi liên tục thấy bài của một trang facebook giáo viên một môn học phổ thông (chúng tôi không tiện nêu tên), trang này hiện đang có 17.489 thành viên tham gia.

Vì cũng là giáo viên dạy môn học này nên chúng tôi lick chuột vào tham gia trang này và được người quản trị trang chấp thuận.

Lúc đầu, chúng tôi chỉ nghĩ tham gia vào trang với những giáo viên cùng môn học để có thể chia sẻ, tham khảo những ý kiến của đồng nghiệp nhằm thực hiện tốt hơn công việc hàng ngày của mình. 

Thế nhưng, khi tham gia rồi thì hàng ngày chúng tôi không tránh khỏi thất vọng khi liên tục hiện hữu những bài viết đăng tin công khai để chào bán giáo án, sáng kiến kinh nghiệm, sơ đồ tư duy, clip…về các nội dung có liên quan đến môn học.

Một số người thầy thời nay đi mua giáo án chứ không soạn như trước nữa. Trong ảnh là thầy giáo vẫn soạn bài theo cách truyền thống. (Ảnh: baonghean.vn).

Một số người thầy thời nay đi mua giáo án chứ không soạn như trước nữa. Trong ảnh là thầy giáo vẫn soạn bài theo cách truyền thống. (Ảnh: baonghean.vn).

Thực tế, trên trang facebook này có nhiều bài viết chia sẻ rất bổ ích để giáo viên có thể học hỏi được kinh nghiệm trong giảng dạy hàng ngày.

Nhất là trong thời gian qua đã có có những phần mềm giúp cho giáo viên có thể soạn thảo được các bài học trực tuyến dễ dàng hơn và cả những bài giáo viên quay lại quá trình dạy trực tuyến của mình rất có chất lượng.

Những bài viết này được một số giáo viên đăng trên trang có lẽ giúp cho nhiều đồng nghiệp học hỏi được kinh nghiệm để lồng ghép được vào các bài giảng của mình.

Tuy nhiên, điều đáng buồn hơn cả là việc nhiều giáo viên công khai bán, mua ở trên trang này.

Người đăng bán giáo án, sáng kiến kinh nghiệm, đề kiểm tra, phân phối chương trình tinh giản... Người hỏi mua, xin xỏ có đủ cả và mỗi ngày có vô vàn những thông tin bán-mua như vậy.

Đặc biệt là khi Bộ thực hiện tinh giản nội dung trong học kỳ II vừa qua, việc soạn giáo án bắt buộc phải làm lại để co giãn cho phù hợp với việc giảm tải thì chuyện đăng tin bài để bán giáo án càng nhiều.

Có người đăng tin giới thiệu bài, có người hỏi xin, người kia không cho nên nhắn lại: “vậy bạn muốn xin không hả”…

Đành rằng, thời buổi bây giờ không ai cho không ai cái gì, nhất là khi một số người đã bỏ công sức ra để đầu tư soạn giáo án cả một học kỳ hay một năm học.

Thật buồn với chuyện bán mua giáo án, sáng kiến kinh nghiệm…của một số giáo viên ảnh 2Giáo án điện tử có làm giáo viên lười hơn không?

Người không muốn mất công, không muốn soạn giáo án, hoặc không có khả năng soạn giáo án lại muốn sở hữu thì chuyện mặc cả bán mua là chuyện thường tình. Thế nhưng, khi người thầy công khai mua bán giáo án sao mà nó chát chua đến vậy.

Cùng là những giáo viên được đào tạo từ các trường sư phạm ra. Cùng dạy một môn, một cấp học như nhau. Điều này cũng đồng nghĩa là họ được đào tạo về trình độ như nhau. Giáo viên đi dạy học mà không tự soạn được giáo án cho mình thì nên đánh giá về người thầy nằm ở ngưỡng trình độ nào đây?

Hàng ngày, thầy cô dạy cho học trò về lòng trung thực, về ý chí vươn lên, về những tấm gương vượt khó trong học tập và trong cuộc sống. Nhưng, bản thân người thầy ấy lại không thể “vượt khó” để soạn được bộ giáo án cho mình thì những bài dạy trên lớp hàng ngày có thực sự còn ý nghĩa nữa hay không?

Vậy mà, vẫn có nhiều người bỏ tiền ra mua giáo án để hàng ngày giảng dạy cho học trò, để đối phó với việc kiểm tra hành chính của nhà trường và tổ chuyên môn và thậm chí để tham gia các kỳ thi.

Vẫn có những giáo viên đi mua sáng kiến kinh nghiệm để về nộp cho trường nhằm có giải thưởng để xét danh hiệu thi đua cao như: chiến sĩ thi đua, bằng khen các cấp…

Không biết, khi đạt giải, được khen tặng các danh hiệu thi đua, được vinh danh trước mọi người trong những ngày lễ lớn thì những giáo viên này lên nhận có cảm thấy ngượng ngùng trước mọi người hay không. Có bao giờ những người thầy như thế cảm thấy băn khoăn về những gì mình đã đạt được?

Có lẽ, những giáo viên này sẽ không ngượng ngùng và họ còn hãnh diện vì những thành tích mà họ có được. Vì không ngượng ngùng nên trên trang facebook có hàng chục nghìn người tham gia công khai, khi họ nhắn tin, trao đổi việc bán mua này thì nhiều người nhìn rõ ảnh đại diện, tên, đơn vị công tác cụ thể…

Thật buồn với chuyện bán mua giáo án, sáng kiến kinh nghiệm…của một số giáo viên ảnh 3Có những giáo viên muốn…lớn cũng không được

Đừng đánh mất hình ảnh của người thầy

Thực tế, đối với công việc nào cũng vất vả, cũng áp lực và những người đang trực tiếp giảng dạy ở các nhà trường không tránh khỏi những khó khăn này. Nhưng, người thầy cần biết vượt qua những khó khăn, nhất là những việc mà bản thân mình có khả năng làm được. Chuyện soạn giáo án để đi dạy là việc làm cần thiết của người thầy.

Chỉ khi nào mình soạn, mình mới có thể đào sâu, hiểu kỹ vấn đề và mới có thể nắm bắt được trọng tâm của bài học. Bỏ tiền ra mua thì dễ, dễ vô cùng bởi mỗi cuốn giáo án một năm có lẽ cũng không đáng bao nhiêu tiền nhưng lương tâm, danh dự của người thầy liệu có còn khi cũng làm thầy mà phải bỏ tiền ra mua giáo án của đồng nghiệp?

Hãy làm bằng khả năng, năng lực của chính mình. Cái gì chưa hay, chưa đạt thì cố gắng ở những năm tiếp theo. Cuộc đời mỗi người thầy có mấy chục năm công tác nhưng chỉ có vài lần thay chương trình, thay sách…

Thành tích sau một năm công tác cũng rất quan trọng, có thành tích mới có quyền lợi, mới được khen thưởng cao và nâng lương trước thời hạn. Nhưng, thành tích mà không phải do mình phấn đấu thì còn gì vẻ vang, còn gì để người thầy tự hào?

Đừng vì thành tích mà phải bỏ tiền ra mua sáng kiến kinh nghiệm, sẵn sàng chà đạp lên tất cả danh dự để với tới nó. Nhưng, vốn nó không phải do mình bỏ sức lực mà do mình bỏ tiền ra, cộng với sự gian dối để có thành tích thì chẳng có gì để vui để tự hào với mọi người!

KIM OANH