Thầy cô dạy trực tuyến vất vả lắm rồi, cần lắm sự cảm thông, xin đừng soi mói

23/09/2021 06:46
Xuân Quang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh cần biết thông cảm và chia sẻ những trăn trở cũng như những áp lực của người thầy trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

Hơn hai tuần dạy học online được thực hiện trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, sự khó khăn, vất vả không chỉ ở phụ huynh, học sinh mà trên hết thảy là sự nhọc nhằn và áp lực luôn đè nặng trên vai của người thầy.

Nếu như trước đây, việc theo dõi và đánh giá giờ dạy chỉ thực hiện trong ngành, thì bây giờ sự phán xét, đưa ra kết luận nghiệt ngã hơn, đôi khi thật vô lí bởi những người cùng tham gia học trực tuyến với học sinh.

Chúng tôi không hàm ý chung cho tất cả, chúng tôi đề cao những người luôn tôn trọng và biết thông cảm cho người thầy.

Lối chê trách, xem thường vị trí của người thầy trong xã hội trước các em học sinh làm chúng ta lo lắng cho sự “an toàn” trong giáo dục, đành rằng việc ứng dụng công nghệ qua các phần mềm vẫn đang làm khó các thầy cô, sự thiếu chuyên nghiệp trong việc xử lý những tình huống về Internet hay máy móc cũng là điều dễ hiểu, khi mà thời đại Zoom hay Google meet trở thành phương tiện hữu hiệu để chuyển đổi môi trường học tập.

Khi mà các em được trải nghiệm trong lớp học ảo, biết bao điều mới mẻ xuất hiện cùng một lúc, sự thích nghi hay chưa đồng bộ giữa con người và máy móc, thiết bị vẫn đang xảy ra.

Việc ghi nhận hình ảnh, âm thanh như một minh chứng cho sự nhận định để rồi quy chụp cho người thầy có làm chúng ta trăn trở, âu lo?

Biết rằng, giáo viên là người luôn ý thức trước mọi việc, luôn được cảnh báo, nhắc nhở của đồng nghiệp và các cấp lãnh đạo nhưng vẫn không tránh khỏi những thiếu sót nhất định.

Mắc sai lầm trong cuộc sống có thể vẫn đang diễn ra hằng ngày với mọi người nhưng không được xảy ra với giáo viên hay sao?

Tiếc thay có một số quan điểm quyết nâng tầm quan trọng theo chủ ý để chê trách, bôi nhọ hay dùng những lời nói không mấy thiện cảm dành cho người thầy.

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện các clip lên án người thầy hành xử thiếu chuẩn mực.

Là những lời quát tháo học sinh hay đuổi sinh viên ra khỏi lớp, mắng sinh viên là "óc trâu", ... làm xấu đi hình ảnh của người thầy trong mắt học trò và xã hội.

Ảnh minh họa: AN

Ảnh minh họa: AN

Theo phản ánh của một số cơ quan truyền thông, trong cả đoạn clip, nam sinh liên tục dùng những ngôn từ không phù hợp với môi trường giáo dục, xưng “tôi”, "thằng này"… với người thầy, thậm chí còn văng tục trước mặt nhiều bạn học trong lớp.

Hay trước đó, câu chuyện sinh viên Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh bị đuổi khỏi lớp online chỉ vì xin thầy giảng lại do trời mưa to, không nghe được lời giảng, và thầy đã quát mắng ngay trong giờ học trực tuyến đang làm nhức nhối người làm giáo dục như chúng tôi.

Liệu có thể coi áp lực hay tổn thương sức khỏe tinh thần là những nguyên nhân dẫn tới những hành xử thái quá của một vài nhà giáo thời gian qua?

Thêm vào đó, việc truyền thông, mạng xã hội liên tục đăng tin, phóng đại các vụ việc về hành vi chưa đúng chuẩn mực của một số rất ít thầy cô, trong khi có thể sự việc chưa được rõ ràng cũng khiến người thầy càng căng thẳng và lo âu khi thực hiện việc giảng dạy trực tuyến mỗi ngày.

Chúng ta đều biết rằng những kĩ năng tương tác trong lớp học ảo, những lỗi kĩ thuật trong quá trình dạy học trực tuyến chưa được đào tạo kĩ lưỡng trong trường sư phạm; tất cả họ phải nỗ lực tự học, tự trau dồi kiến thức và kĩ năng cũng như vận dụng các phần mềm dạy học để cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Trong điều kiện có thể, họ tự trang bị những phương tiện tốt nhất để dạy học. Tại sao chúng ta không biểu dương khích lệ người thầy? Tại sao chúng ta không rộng lòng chấp nhận những thiếu sót xảy ra ngoài ý muốn? Và tại sao chúng ta không đứng trên lập trường của người thầy để cảm nhận những suy tư, trăn trở và nhiều âu lo trước sự đổi thay của môi trường dạy học?

Chúng ta có nhận thấy rằng sự bất lực vẫn hằn trên gương mặt người thầy trong mỗi giờ lên lớp? Khi mà trong môi trường học tập không chỉ có học sinh.

Sự trách phạt học sinh cũng phải được cân nhắc cẩn thận, ngôn từ cũng như các yếu tố phi ngôn ngữ cũng được sử dụng hết sức thận trọng. Áp lực thay cho người thầy của chúng ta!

Thầy cô dạy lớp Một càng khó khăn hơn gấp bội, “nét chữ, nết người” được rèn luyện trong môi trường gián tiếp, sự tương tác phần lớn dựa trên sự hỗ trợ của người nhà các em, thật sự muôn vàn khó khăn!

Có ai đó nói rằng dạy học online cho các cháu mẫu giáo vào lớp Một như việc diễn tả màu sắc cho người khiếm thị.

Đối với các em lớn hơn, việc đưa ra đáp án cho một bài toán hay giúp học sinh giải quyết nó bằng trí lực của mình là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Từ đó ta có thể biết rằng để giúp học sinh hiểu và vận dụng kiến thức để làm các bài tập trong nhà trường cũng như giải quyết những tình huống trong cuộc sống, giáo viên luôn là người phải chuẩn bị nhiều phương án dạy học; luôn dành thời gian nhất định cho bài soạn, có khi hàng giờ, hàng tuần; đặc biệt trong những tuần dạy học online, người thầy còn phải biết chuyển đổi nội dung, cách thức từ việc dạy học bình thường sang dạy học trực tuyến.

Trên phương diện cá nhân, tôi nghĩ rằng các bậc phụ huynh cần biết thông cảm và chia sẻ những trăn trở cũng như những áp lực của người thầy trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Xuân Quang