Thầy Nguyễn Cao lên án giảng dạy và học tập chỉ hướng tới việc thi cử

30/01/2018 06:00
Nguyễn Cao
(GDVN) - Một thực tế vì thành tích mà nhiều trường sẵn sàng bỏ các môn phụ, giáo viên chỉ việc “cấy điểm” cho phù hợp, thời gian còn lại chỉ tập trung vào các môn thi.

LTS: Trước gánh nặng trong việc học tập, ôn luyện của các em học sinh (đặc biệt là các em lớp 9 và 12), tác giả Nguyễn Cao đã chỉ ra những mặt còn tồn tại và sự tác động của căn bệnh thành tích đến chất lượng giảng dạy hiện nay.

Từ đó, tác giả cũng cho rằng, việc học chỉ coi trọng thành tích, coi trọng điểm số đang phải trả giá rất nhiều. Người phải trả giá nhiều nhất, không có ai khác chính là những em học sinh.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Nền giáo dục nước ta trong những năm qua vẫn còn quá nặng nề cho việc thi cử. Nhất là từ khi các em bước vào học lớp 9, lớp 12 thì bắt đầu bước vào giai đoạn học tập căng thẳng suốt ngày đêm.

Nhiều môn học được xem là môn phụ không được nhà trường, thầy cô cũng như các em học sinh coi trọng mà chỉ chủ yếu ôn tập những môn học mà Sở, Bộ tổ chức thi để nhằm mục đích duy nhất là đỗ vào các trường mà mình yêu thích ở các cấp học cao hơn.

Vì thế, học sinh bây giờ như những cỗ máy đã được cài tự động từ ngày này sang ngày khác.

Khi giảng dạy và học tập chỉ hướng tới việc thi cử mà bỏ qua những môn phụ (Ảnh minh họa: vtv.vn).
Khi giảng dạy và học tập chỉ hướng tới việc thi cử mà bỏ qua những môn phụ (Ảnh minh họa: vtv.vn).

Đối với các em học sinh lớp 12 thì thường là học xong học kì I là đã hoàn thành chương trình học trung học phổ thông.

Bắt đầu từ học kì II cho đến khi thi trung học phổ thông Quốc gia thì các em chủ yếu ôn luyện kiến thức và giải các dạng đề cùng với rất nhiều lần thi thử để tập duyệt cho kì thi chính thức.

Ngày trước, khi còn tổ chức 2 kì thi riêng biệt là kì thi tốt nghiệp và kì thi đại học thì các em học sinh chủ yếu là học theo khối thi cùng với một số môn thi tốt nghiệp.

Môn nào không thi tốt nghiệp, không nằm trong khối thi thì nhiều trường gần như cho học sinh không học môn học đó. Dù không học nhưng các thầy cô giảng dạy những “môn phụ” vẫn tổng kết điểm cho các em lớp 12 một cách đầy đủ và thậm chí điểm còn tương đối cao.

Giờ đây, khi 2 kì thi được gộp thành kì thi trung học phổ thông quốc gia thì các trường cũng chỉ tập trung vào những môn các em thi mà thôi. Các môn còn lại gần như …bỏ phế.

Học sinh lớp 9 cũng thường được các phòng giáo dục chỉ đạo các trường hoàn thành chương trình năm học trước kì thi khoảng 2-3 tháng để chuyên tâm cho việc ôn tập tuyển sinh 10.

Với tính cạnh tranh đầu vào của một số trường tương đối cao như ở các thành phố nên học sinh luôn phải học tập, ôn luyện với một cường độ rất lớn theo kế hoạch của nhà trường.

Nhà trường nào cũng sợ trường mình thua trường bạn về tỉ lệ học sinh đỗ và điểm thi thấp hơn trường bạn nên luôn bố trí dạy ôn thi với mật độ dày đặc trên các ngày trong tuần.

Với quy định hiện nay, học sinh lớp 9 không phải thi tốt nghiệp mà nhà trường xét tốt nghiệp nên chỉ có những em quá tệ mới trượt tốt nghiệp. Sau đó, lịch học của các em suốt tuần chỉ có 3 môn thi là Toán- Văn – Anh.

Suốt cả tuần chỉ học có 3 môn nên học sinh cũng ngao ngán mà giáo viên giảng dạy các môn này cũng thấy mệt mỏi với lịch dạy dày đặc.

Thầy Nguyễn Cao lên án giảng dạy và học tập chỉ hướng tới việc thi cử ảnh 2Các sĩ tử dồn sức ôn luyện trước kỳ thi Quốc gia

Nhiều khi thầy trò gặp nhau trong giờ học cũng chỉ biết động viên nhau cố gắng mà thực chất là thầy cũng ngán và trò cũng ngán với môn học ôn thi tuyển sinh 10. Bởi khi ôn thi tuyển sinh chỉ còn 3 môn nên mỗi tuần các em phải học cả chục tiết/môn.

Dù bất cập, dù ngao ngán nhưng vì thành tích của nhà trường, vì tương lai của học trò nên tất cả đều phải gồng mình để ôn tập, nhằm hướng tới kết quả tốt nhất cho kì thi chuyển cấp.

Việc hoàn thành chương trình học sớm hơn theo với quy định ai cũng biết nó không phù hợp với quy định của ngành.

Thế nhưng, trong hoàn cảnh trường nào cũng phải chạy đua với thời gian thì mới có thể có được thành tích như các trường bạn nên rồi tất cả cứ phải đua nhau. 

Và, một thực tế là vì thành tích nên nhiều trường họ sẵn sàng bỏ các môn phụ, giáo viên chỉ việc “cấy điểm” vào cho phù hợp với quy chế. Phần thời gian còn lại chỉ tập trung vào các môn mà Sở hay Bộ tổ chức thi mà thôi.

Việc bố trí chỉ dạy một số môn thi không phải xảy ra riêng biệt ở một số trường hay một số địa phương mà đã diễn ra trong một diện rộng từ nhiều năm nay. Vì học chỉ với mục đích để đối phó với thi cử nên nhiều môn học không được nhà trường và học sinh coi trọng.

Chính vì cách dạy và học như vậy nên khi lên các cấp học cao hơn thì nhiều học sinh bị hẫng kiến thức một số môn học. Bởi thực tế, nhiều môn học ở cấp trên vẫn được bố trí học giống ở cấp dưới.

Nhưng, cấp dưới vì học đối phó, thậm chí là không học nên khi lên trên các em bị hẫng hụt. Và, điều dĩ nhiên, phần nhiều học sinh không được học hoặc không học thấu đáo nhiều môn được xem là kiến thức phổ thông.

Sự bất cập không chỉ là nhiều môn học bị ngó lơ mà việc chỉ học những môn để thi còn dẫn đến tình trạng các em học sinh phải đóng tiền học thêm trong nhiều tháng trời.

Bởi thực tế, học sinh được nhà trường bố trí học sớm chương trình, sau đó bước vào ôn tập thi nên những tháng còn lại các em phải đóng tiền học thêm để trả công dạy thêm cho giáo viên ôn luyện.

Việc thu tiền học thêm trên các buổi chính khóa cũng tùy thuộc vào từng trường, từng địa bàn. Ở những khu vực nông thôn thì chỉ vài chục nghìn đồng/môn/tháng nhưng các trường thành phố, nơi có điều kiện và mục tiêu của các em học sinh cũng cao hơn thì số tiền phải đóng hàng tháng cho mỗi môn học đến cả hàng trăm nghìn đồng.

Không chỉ đóng tiền học thêm mà các em còn phải đóng tiền để nhà trường tổ chức thi thử. Mỗi kì thi thử các em cũng phải đóng hàng chục nghìn đồng cho mỗi môn thi.

Chính vì thế, quãng thời gian chính khóa nhưng được nhà trường tổ chức ôn thi thì phụ huynh đang phải đóng một số tiền tương đối lớn.

Thầy Nguyễn Cao lên án giảng dạy và học tập chỉ hướng tới việc thi cử ảnh 3Nỗi khổ của những giáo viên môn phụ

Thực tế, nhiều giáo viên không muốn dạy như vậy nhưng sống trong môi trường của bệnh thành tích dần dần thầy cô cũng phải thích nghi.

Không giả dối, không dạy theo kế hoạch nhà trường thì chất lượng thấp. Điều dĩ nhiên là giáo viên sẽ bị quở trách, bị góp ý.

Vậy nên, dù biết trái với lương tâm, đạo đức nghề nghiệp nhưng rồi giáo viên dưới cơ sở cũng đành làm ngơ để đồng lõa với căn bệnh thành tích từ năm này qua năm khác.

Bởi làm thế mới có thể đảm bảo chỉ tiêu mà cấp trên giao. Lâu dần, những tiêu cực và chuyện dạy trước chương trình, chỉ dạy những môn thi trong các trường học cứ mặc nhiên tồn tại.

Chính vì cách dạy chỉ để đối phó với kì thi như hiện nay nên công cuộc đổi mới giáo dục cũng không thể nào thực hiện được, nhất là khi các em phải đối mặt với các kì thi quan trọng.

Điều này đã được giáo sư Nguyễn Minh Thuyết-Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới chia sẻ tại Hội nghị triển khai công tác chuẩn bị các điều kiện để áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức:

“Tôi đi dự giờ các cấp ở phổ thông thì thấy tiểu học đổi mới phương pháp tốt nhất, thậm chí bây giờ vào không còn nhận ra các trường tiểu học trước đây.

Đến trung học cơ sở, lớp 6, 7 đổi mới phương pháp tương đối tốt nhưng đến lớp 8,9 không nhiều đổi mới nữa rồi. Còn cấp trung học phổ thông thì gần như không đổi mới.

Nguyên nhân không phải các thầy cô ở cấp trên kém hơn ở cấp dưới mà vì áp lực của kỳ thi. Thi như giờ đây chỉ hỏi về kiến thức, kỹ năng giải bài tập thì thầy cô phải tranh thủ thời gian để cung cấp cho học sinh mình càng nhiều kiến thức, càng nhiều kỹ năng giải bài tập càng tốt. Học sinh cũng phải tranh thủ rèn luyện. Mình phải đối phó kỳ thi nên thầy cô khó đổi mới”.

Mỗi kì thi đi qua, các trường có số học sinh đỗ cao thì được cấp trên biểu dương, được phụ huynh khen ngợi và dĩ nhiên là các em học sinh thì vui mừng.

Tuy nhiên, việc học chỉ coi trọng thành tích, coi trọng điểm số đang phải trả giá rất nhiều. Người phải trả giá nhiều nhất, không có ai khác chính là những em học sinh.

Nguyễn Cao