Tóm lại giáo viên nào cần chứng chỉ hạng III, ai không cần?

19/03/2021 07:30
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chúng tôi cho rằng Bộ nên có những hướng dẫn rõ ràng việc giáo viên nào phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp một cách cụ thể.

Ngày 12/3/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.

Thông thường, những văn bản hành chính thì cơ quan ban hành phải sử dụng những ngữ rõ ràng để người đọc, người nghe có 1 cách hiểu và dễ thực hiện. Tuy nhiên, khi Bộ ban hành Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD thì có những từ ngữ mang tính đa nghĩa, hiểu thế nào cũng có thể được.

Vì thế, Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD vẫn khiến cho nhiều giáo viên dù chưa học hay đã học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp cũng cảm thấy rối rắm.

Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD vẫn khiến giáo viên...khó hiểu (Ảnh minh họa: VOV)

Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD vẫn khiến giáo viên...khó hiểu (Ảnh minh họa: VOV)

Giáo viên nào được bổ nhiệm hạng III phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp?

Theo hướng dẫn của các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT và nếu các địa phương, các trường học thực hiện đúng theo nội dung các Thông tư này thì đa phần giáo viên 4 cấp học từ mầm non đến phổ thông chỉ được xếp ở hạng III.

Vì giáo viên hạng II, hạng I có nhiều tiêu chí quá cao, giáo viên dạy lớp không đảm nhận chức vụ rất khó đạt được. Vậy nên, cho dù trước đây đa phần giáo viên có bằng đại học đã được bổ nhiệm là giáo viên hạng II thì bây giờ theo hướng dẫn mới có thể phải xuống hạng III.

Nhưng, nhiều giáo viên hạng II theo hướng dẫn của các Thông tư liên tịch số 20, 21, 22, 23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV trước đây thì họ đã tham gia học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II rồi.

Bây giờ, điều mà họ phân vân nhất là nếu xếp hạng theo các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT thì họ sẽ xuống hạng III, vậy có phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng III hay không?

Để trả lời các băn khoăn này của đội ngũ giáo viên thì tại điểm a, mục 2 của Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 12/3/2021 đã có hướng dẫn “chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III đối với:

i) Giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng sau ngày Thông tư 01,02 có hiệu lực thi hành và giáo viên mầm non hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới, giáo viên tiểu học hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III mới;

ii) Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông được tuyển dụng sau ngày Thông tư 03,04 có hiệu lực thi hành.

Những trường hợp không thuộc đối tượng nêu trên thì chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III theo quy định”.

Như vậy, theo hướng dẫn của Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD thì đối với giáo viên mầm non, tiểu học đang là giáo viên hạng III theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 20, 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV mà được “bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới” cùng với giáo viên 4 cấp học được tuyển dụng sau ngày 20/3/2021 thì mới phải học chứng chỉ hạng III.

Thế nhưng, cũng trong cũng trong Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD đã hướng dẫn: “Trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này.

Đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới”.

Rõ ràng, trong cùng một Công văn hướng dẫn thực hiện một sự việc nhưng giáo viên đã nhìn thấy sự mâu thuẫn. Phần trên thì nói: “chưa yêu cầu bổ sung”, phần dưới lại nói: “cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới”.

Với cách hướng dẫn như thế này khiến cho giáo viên lúc nào cũng phải “lo nợ” vì Công văn nói là “chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ” thì có lúc sẽ yêu cầu.

Nhưng, với cách hướng dẫn “nước đôi” như vậy thì lãnh đạo Phòng, Ban giám hiệu nhà trường họ có thể chỉ đạo theo nhiều hướng khác nhau. Bởi, họ có thể vin vào câu chữ của Bộ là “chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ” chứ Bộ có bỏ đâu. “Chưa cần” không có nghĩa là “không cần” chứng chỉ này!

Và, thực tế ngay sau khi Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD ra đời thì một số địa phương đã yêu cầu Ban giám hiệu nhà trường thống kê số lượng giáo viên chưa học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để gửi về trên.

Bộ cần nêu rõ quan điểm để giáo viên yên tâm giảng dạy

Với cách chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ có phần không đồng nhất như thế này rất dễ khiến cho Ban giám hiệu nhà trường lại yêu cầu giáo viên đi học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Bởi thực tế, chỉ cần có chủ trường là các trường đại học sư phạm sẽ tìm cách liên hệ với các địa phương để mở lớp đào tạo. Không dạy trực tiếp thì dạy trực tuyến. Họ có thể vin vào các Thông tư, Công văn của Bộ để đưa vào các kế hoạch của mình.

Những thư điện tử lại được chuyển tiếp từ cấp này xuống cấp khác và đến với giáo viên. Lúc đó, giáo viên lại nhấp nhổm không yên rồi cuối cùng đành đi học cho yên chuyện.

Nhưng, điều tréo ngoe nhất là theo các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT hướng dẫn thì giáo viên chủ yếu được xếp ở hạng III nhưng hiện nay các nhà trường thường, các địa phương đa phần là mở lớp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II.

Ngay cả khi có hướng dẫn của Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD thì Ban giám hiệu nhà trường vẫn tư vấn là các thầy cô đã được bổ nhiệm hạng II thì học chứng chỉ hạng II.

Vì thế, rất có thể giáo viên không chỉ học 1 chứng chỉ mà còn có thể phải học 2 chứng chỉ.

Chúng tôi cho rằng Bộ nên có những hướng dẫn rõ ràng việc giáo viên nào phải học chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp một cách cụ thể. “Chưa cần bổ sung” thì lúc nào “cần”- phải có một lộ trình, một mốc thời gian cụ thể.

Chứ trong nội dung một Công văn mà nói kiểu nước đôi: “Những trường hợp không thuộc đối tượng nêu trên thì chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III theo quy định” và ““cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới” thì giáo viên chúng tôi...chịu thua.

Không biết hiểu thế nào cho đúng tinh thần hướng dẫn của Bộ!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH