Triết lý giáo dục nào cho Việt Nam?

26/05/2019 08:05
NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG
(GDVN) - Cá nhân tôi mong giáo dục Việt Nam lựa chọn một triết lý giáo dục dựa trên chữ “Nhân” làm nền tảng của mọi cải cách giáo dục và xã hội.

LTS: Đặt ra câu hỏi "Triết lý giáo dục nào cho Việt Nam?", tác giả Nguyễn Thị Lan Hương, nghiên cứu sinh về giáo dục tại Hoa Kỳ đã có bài viết chia sẻ cùng quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc Việt Nam, theo tôi hiểu, chúng ta tồn tại được như một đất nước và dân tộc độc lập, bởi sự vững mạnh của lòng dân, trong đó chữ “Nhân” có lẽ đúng với nhân dân Việt Nam, nếu lựa chọn về tính cách con người, tính cách dân tộc.

Chúng ta, khi nói tôi là người Việt Nam, chúng ta tự hào, nhưng chúng ta cũng luôn nhớ đến những nguyên lý sống, những vần thơ hào hùng của dân tộc:

Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín”: những nguyên tắc hành xử của một con người

Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân thay cường bạo

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”  – Nguyễn Trãi

Triết lý giáo dục nào cho Việt Nam? ảnh 1Để có triết lý thì phải trả lời được bản chất của nền giáo dục Việt Nam là gì?

Với những gì mà OECD, với UNESCO và gần đây hơn, các chủ đề về giáo dục công dân toàn cầu do UN-SDG đưa ra, người ta hay đề cập đến khái niệm công dân toàn cầu, nhưng chúng ta vẫn phải dựa vào “đặc trưng, tính cách mỗi cá nhân và của dân tộc”. 

Cá nhân tôi mong giáo dục Việt Nam lựa chọn một triết lý giáo dục dựa trên chữ “Nhân” làm nền tảng của mọi cải cách giáo dục và xã hội, bởi không những đó là gốc của đất nước, mà nó luôn đúng với mọi thời đại, dù công nghệ hay tiến bộ xã hội phát triển đến đâu. 

Ý nghĩa là chữ "Nhân" – lấy nhân nghĩa, lấy con người, làm đầu trong mọi hoạt động, trong giáo dục, trong ứng xử xã hội Việt Nam và với bạn bè quốc tế. 

Điều này cũng không xa lạ gì, nếu đối chiếu với quan điểm Nhân quyền (hiện đại) mà UNESCO và Việt Nam đều cam kết thực thi.

Khi Quốc hội đang bàn về triết lý nào cho Việt Nam [1], với gợi ý ban đầu là: Nhân dân – Dân tộc – Khoa học – Hiện Đại, xin có vài dòng chia sẻ ý kiến cá nhân về những từ ngữ này và điều gì chúng ta nên tư duy về triết lý, hay xa hơn ngoài triết lý của giáo dục. 

Triết lý giáo dục của Việt Nam

Trước tiên, xin được bàn về gợi ý triết lý giáo dục đưa ra bởi Quốc hội: Nhân dân – Dân tộc – Khoa học – Hiện đại. 

Đây là đúc kết những gì chúng ta thực lòng mong muốn trong giáo dục và xã hội Việt Nam. Rất thú vị, tuy nhiên do bởi:

(i) Chữ Nhân dân và chữ Dân tộc có cùng một ý nghĩa.

(ii) Khi nói Khoa học và Hiện đại cùng nhau nó có tính lặp lại, bởi Khoa học được hiểu là khoa học hiện đại, cập nhật cùng thế giới.

Nên, theo tôi có thiển ý, chúng ta có thể sử dụng 2 nhóm “Dân tộc – Khoa học”, từ gợi ý về triết lý giáo dục của Quốc Hội. 

Triết lý giáo dục nào cho Việt Nam? (Ảnh minh họa: vov.vn).
Triết lý giáo dục nào cho Việt Nam? (Ảnh minh họa: vov.vn).

Tuy nhiên, triết lý sống, triết lý giáo dục của một dân tộc này không chỉ phản ánh về dân tộc và khoa học, như chia sẻ ở trên, chữ “Nhân” là một chữ gắn liền với nhân dân, với tính cách con người và dân tộc Việt và hay nhất là trong triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng hòa trước đây, họ đã lựa chọn chữ “Nhân bản” với cùng một ý niệm: chúng ta sống vì con người, giáo dục vì con người, giáo dục để làm người và nên người [2].

Thế nên, theo quan điểm cá nhân, chữ “Nhân bản” nên có trong triết lý giáo dục Việt Nam, để luôn nhắc chúng ta, sống và giáo dục để làm người.

Có thể ai đó cười tôi, nghĩ tôi đang quay về thời đại cũ, xin thưa, trong trường đại học kiểu mới nhất ở Mỹ, một trong những mục tiêu giáo dục họ đưa ra là “Giáo dục làm người” (Being a human), đặc biệt trong thời đại số hóa mọi thứ như hiện nay! [3]

Khi chúng ta nghĩ về Nhân bản – Dân tộc, tôi luôn nghĩ đến những gì chúng ta làm và cần làm cho hơn 4 triệu người Việt ở nước ngoài. 

Hơn 40 năm thống nhất đã qua, với việc soạn thảo và ghi chép lại lịch sử công bằng cho tất cả các bên trong lịch sử dân tộc, với một triết lý giáo dục mới, liệu có là một cơ hội nhắc nhở tất cả chúng ta, cùng nhìn đến Con Người Việt, Dân Tộc Việt, dù ở phương trời nào?

Thật đáng trân trọng cho Việt Nam Cộng hòa khi nền giáo dục từ những năm 1960, họ đã ghi nhận và đề cao Nhân bản trong giáo dục con người và có lẽ đây là dịp tốt để chúng ta cùng nhắc lại những gì là tốt đẹp trong giáo dục con người trước năm 1975, để cùng học tập và cùng chia sẻ ý nghĩa giáo dục cho một dân tộc thống nhất.

Ngoài ra, với internet và công nghệ thời đại mới của thế kỷ 21, chúng ta sống chung với thế giới, dù là ở Việt Nam, chúng ta có quan hệ ngoại giao với hơn 160 quốc gia, hàng chục quốc gia có đầu tư và làm ăn với Việt Nam, cả thế giới và Việt Nam như là một, trách nhiệm của một quốc gia và một dân tộc với thế giới là gì?

Triết lý giáo dục nào cho Việt Nam? ảnh 3Triết lý giáo dục Việt Nam phải đề cao pháp trị và sự tử tế

Nó cần được thể hiện trong triết lý giáo dục của Việt Nam, bởi dân tộc này chưa khi nào từ chối thực hiện trách nhiệm của mình với anh em bạn bè quốc tế, dù trong những năm tháng khó khăn nhất.

Vì thế, với lời kêu gọi của Liên Hiệp Quốc về một thế giới chung, thịnh vượng và hòa bình, theo tôi nghĩ, chúng ta nên khẳng định, dù chúng ta luôn tự hào về nhân nghĩa của mình, về văn hóa và tính cách dân tộc, nhưng chúng ta luôn đứng cùng với thế giới.

Chúng ta luôn đứng về sự phát triển, tiến bộ trong giáo dục, khoa học, công nghệ, vì hòa bình và thịnh vượng chung và luôn là một thành viên có trách nhiệm với Liên Hợp Quốc, với các quốc gia và nhân dân trên toàn thế giới. 

Trách nhiệm này, không chỉ là trách nhiệm của quốc gia với quốc gia, mà hơn tất cả, chúng ta đồng lòng ghi nhận, tất cả đều là anh em và đều là con người. 

Thế nên, trong triết lý giáo dục của Việt Nam, có lẽ chúng ta nên có ghi nhận rõ “trách nhiệm toàn cầu”, nhằm hướng những hoạt động giáo dục và xã hội Việt Nam là để đào tạo những con người có trách nhiệm, với bản thân, với dân tộc và với tất cả những gì đang xảy ra trên thế giới này.

Xin được thưa ngay, ý tưởng về trách nhiệm toàn cầu của người dân Việt này được bác Nguyễn Hiến Lê viết năm 1954 trong cuốn “Tự Học, Một nhu cầu thời đại” [4].

Như vậy, theo thiển ý của tôi, nếu chúng ta góp nhặt được những tư tưởng lớn của những thế hệ trước và thế hệ hiện đại ngày nay, có lẽ chúng ta có thể có mấy ý sau làm nền tảng triết lý giáo dục mới cho Việt Nam: Nhân bản – Dân tộc – Khoa học – Trách nhiệm toàn cầu.

Xin được các anh em bạn bè gần xa cùng suy nghĩ để hình dung về một triết lý sống cho một dân tộc, chứ không chỉ là triết lý giáo dục dành cho con trẻ.

Bài viết thể hiện nhận thức, góc nhìn, góp ý riêng của tác giả.

Tài liệu tham khảo:

[1] http://baochinhphu.vn/Chinh-tri/Dai-bieu-Quoc-hoi-de-nghi-lam-ro-triet-ly-giao-duc-Viet-Nam/366500.vgp;

[2] http://daodoiquinguyen.com/giao-duc-thoi-viet-nam-cong-hoa/; https://trithucvn.net/van-hoa/nen-giao-duc-mien-nam-truoc-1975-trich-luoc.html

[3] https://mitpress.mit.edu/books/building-intentional-university, Appendix B

[4] https://sachvui.com/ebook/tu-hoc-mot-nhu-cau-thoi-dai-nguyen-hien-le.1408.html

NGUYỄN THỊ LAN HƯƠNG