Trường tự chủ chưa có cơ chế đặc thù, đột phá để thu hút được nhân tài

06/03/2022 07:19
PGS. Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cán bộ, giảng viên tài năng đang làm việc, cống hiến tại nhà trường phần lớn là do họ tự phấn đấu chứ không phải được phát hiện từ chính sách trọng dụng nhân tài.

Tự chủ đại học là một chủ trương đúng đắn, tạo điều kiện cần thiết để thực hiện quản trị đại học tiên tiến, phù hợp với xu thế phát triển và đã được quy định rõ trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học năm 2018.

Theo đó, các trường đại học được giao quyền tự chủ toàn diện, tự quyết định và có trách nhiệm giải trình về chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản và các hoạt động khác trên cơ sở quy định của pháp luật và năng lực của Nhà trường. Trong đó, tự chủ về chuyên môn, học thuật là nội dung cốt lõi trong trường đại học.

Điều này đòi hỏi trường đại học tự chủ phải có đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu của Trường. Nói cách khác, để làm chủ về chuyên môn, học thuật, các trường đại học tự chủ rất cần nhân tài và cần phải có chính sách thu hút nhân tài.

Nhân tài và vai trò của nhân tài trong học thuật

Nhân tài là một khái niệm động, đa chiều và có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Nhân tài được hiểu là người có năng lực và hiệu suất làm việc vượt trội, tạo ra sự khác biệt và hiệu quả rõ rệt để hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ nhất định trong một ngành, một lĩnh vực cụ thể.

Đồng thời, đó là những người có phẩm chất đạo đức tốt, tinh thần cống hiến và phụng sự, đóng góp tài năng của mình cho sự phát triển xã hội, tổ chức được xã hội, tổ chức thừa nhận, trọng dụng và tôn vinh. Có thể nói, nhân tài là người hội tụ đủ cả năng lực và phẩm chất, vừa có đức, vừa có tài, có giá trị đối với tổ chức.

Phó giáo sư Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội (ảnh: NTCC)

Phó giáo sư Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội (ảnh: NTCC)

Trong học thuật, nhân tài với năng lực trí tuệ, năng lực thực tiễn, tầm nhìn xuyên suốt, sáng tạo, am hiểu sâu sắc chuyên môn và có uy tín sẽ có nhiều đóng góp về tư tưởng, tầm nhìn, định hướng và các kết quả thực hiện trong một lĩnh vực chuyên sâu, tạo nên những giá trị trong học thuật, đào tạo, nghiên cứu và có những đóng góp về lý luận, thực tiễn cho sự phát của ngành, của lĩnh vực.

Các chính sách thu hút nhân tài ở nước ta

Trọng dụng nhân tài là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” là một tư tưởng lớn, xuyên suốt trong lịch sử xây dựng và phát triển đất nước. Trong những năm qua, chính sách thu hút, sử dụng nhân tài luôn được Đảng, Nhà nước, các Bộ-Ban- Ngành quan tâm và chú trọng bằng việc ban hành nhiều chính sách nhằm thu hút, sử dụng nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, trong đó có các cơ sở giáo dục.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 đã quy định nguyên tắc thu hút người tài, cụ thể là: “Nhà nước có chính sách phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ xứng đáng đối với người có tài năng. Chính phủ quy định khung chính sách trọng dụng và đãi ngộ đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ”.

Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu rõ quan điểm: “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững”.

Chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục đại học được quy định trong Điều 12 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học là “Thu hút, sử dụng và đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng giảng viên, chú trọng phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư đầu ngành trong cơ sở giáo dục đại học”.

Một số khó khăn trong thu hút nhân tài tại các trường đại học tự chủ hiện nay

Chủ trương, định hướng về thu hút nhân tài khá rõ ràng trong các cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên các văn bản, cơ chế, chính sách cán bộ như phát hiện, thu hút, trọng dụng, bảo vệ, tạo động lực đối với trí thức và người có trình độ cao chưa cụ thể, chưa phát huy tốt tiềm năng của đội ngũ.

Một thực tiễn trong các trường đại học đó là các cán bộ, giảng viên tài năng đang làm việc, cống hiến tại nhà trường phần lớn là do họ tự phấn đấu, nỗ lực, tự học tập, rèn luyện mà không phải được phát hiện từ cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ thực sự xứng đáng đối với nhân tài.

Trường Đại học Mở Hà Nội động viên, khen thưởng cho cán bộ, giảng viên có đóng góp trong nghiên cứu khoa học (ảnh; NTCC)

Trường Đại học Mở Hà Nội động viên, khen thưởng cho cán bộ, giảng viên có đóng góp trong nghiên cứu khoa học (ảnh; NTCC)

Mặc dù tự chủ về tổ chức, nhân sự nhưng các trường đại học phải tuân thủ Luật Viên chức trong tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nên bị ràng buộc bởi các quy định chung, không có cơ chế đặc thù, đột phá để thu hút được nhân tài cho nhà trường.

Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng đó là việc dành nguồn lực tài chính cho chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài hiện nay ở các trường đại học về cơ bản là khiêm tốn, chưa thực chất. Điều này ảnh hưởng tới việc tạo điều kiện về môi trường làm việc hiện đại và chế độ đãi ngộ đối với nhân tài.

Đổi mới về chính sách thu hút nhân tài trong các trường đại học tự chủ

Trong bối cảnh tự chủ đại học hiện nay, các trường đang rất nỗ lực trong việc nâng cao tiềm lực của cơ sở mình. Đặc biệt, phải kể tới trách nhiệm nâng cao năng lực đội ngũ giỏi với các chính sách phù hợp để thu hút nhân tài.

Trước hết, trường đại học cần xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ, xác định các vị trí trọng yếu với các tiêu chuẩn, tiêu chí cần thiết để thi tuyển, tuyển dụng nhân tài phù hợp với chiến lược phát triển nhà trường và phát triển các ngành đào tạo; chú trọng nhân sự giỏi chuyên môn, học thuật tại các tổ bộ môn, nhóm nghiên cứu mạnh.

Thứ hai, có chính sách đột phá, phù hợp để thu hút, mời gọi các giảng viên, đội ngũ trí thức tài năng thông qua chế độ đãi ngộ xứng đáng cả về vật chất, tinh thần và văn hoá nhà trường. Để làm được điều đó, nhà trường cần dành một nguồn lực tài chính đủ mạnh để đầu tư cho việc đãi ngộ, thu hút và trọng dụng nhân tài một cách thực chất.

Thứ ba, các trường đại học cần có tư duy trọng nhân tài để giữ chân được đội ngũ cán bộ, giảng viên tài năng, có uy tín trong chuyên môn và năng lực sáng tạo để làm chủ được học thuật khi thực hiện tự chủ. Đây là yếu tố rất quan trọng, tác động tới vị thế, thương hiệu và chất lượng đào tạo của nhà trường.

Thực tế, các nhà trường đã rất tích cực tìm kiếm, mời gọi các giảng viên, đội ngũ trí thức tài năng nhưng cần quan tâm để giữ nhân tài thông qua việc trân trọng các thành quả mà các cán bộ, giảng viên tài năng đã tạo dựng, cống hiến và tiếp tục tạo môi trường thuận lợi để các nhân tài sáng tạo và phát triển.

Thứ tư, sử dụng và sắp xếp, bố trí nhân tài hợp lý, hiệu quả. Cần phải thay đổi quan điểm thu hút, trọng dụng nhân tài bằng việc bố trí những người giỏi chuyên môn vào các chức danh lãnh đạo, quản lý để có chế độ đãi ngộ mà quan trọng là bố trí họ làm những công việc phù hợp để phát huy hết năng lực, sở trường của cá nhân họ, để họ có điều kiện để cống hiến và giúp đỡ các đồng nghiệp phát triển.

Đối với những nhân tài phù hợp với vị trí lãnh đạo, tổ chức điều hành thì bồi dưỡng, bổ nhiệm vào các chức vụ trong bộ máy tổ chức của nhà trường; những người có tài về chuyên môn, nghiệp vụ thì bồi dưỡng, trọng dụng họ phát triển con đường giảng dạy và nghiên cứu khoa học trong các tổ bộ môn, nhóm nghiên cứu mạnh; người giỏi về tay nghề có thể tham gia nhiều công việc cần sự khéo léo, tỉ mỉ…

Điều quan trọng là dù ở vị trí công việc nào, nhân tài cũng được tạo điều kiện môi trường làm việc chuyên nghiệp tốt nhất để phát huy hết năng lực cá nhân, được nhận chế độ đãi ngộ đặc thù, thậm chí là cao hơn cả lãnh đạo.

Thứ năm, nhà trường tôn trọng, tin tưởng, tạo điều kiện làm việc, phân công công việc phù hợp và có chính sách tạo động lực để phát huy tối đa năng lực, sở trường của mỗi thành viên trong trường, trong đơn vị để họ đều thấy giá trị đóng góp của mình trong trong chuyên môn, trong học thuật và trong các hoạt động, vì sự phát triển chung của tổ chức. Có như vậy, nhà trường không chỉ thu hút, tuyển dụng nhân tài mà còn bồi dưỡng, phát triển nhân tài ngay từ nguồn nhân lực tại chỗ.

Thứ sáu, cùng với chính sách chủ động của mỗi trường, các trường Đại học cần được giao quyền tự chủ để xây dựng chiến lược và ban hành các chính sách đột phá trong việc tuyển dụng, thu hút và trọng dụng nhân tài thực sự mà không quá lệ thuộc vào độ tuổi, văn bằng cũng như quy trình tuyển dụng.

Nhân tài là nguồn lực, là vốn quý, đóng vai trò trung tâm thúc đẩy sự tăng trưởng, tạo lợi thế cạnh tranh, quyết định tiềm lực và sức mạnh của nhà trường trong quá trình xây dựng và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh tự chủ đại học nói chung và tự chủ học thuật, chuyên môn nói riêng, việc thu hút, tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các cơ sở giáo dục đại học. Chính sách thu hút nhân tài trong các trường đại học sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và thực hiện trách nhiệm của nhà trường trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

PGS. Nguyễn Mai Hương - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Mở Hà Nội