“Tự chủ đại học không phải để tăng học phí”

07/02/2017 08:37
An Nguyên
(GDVN) - Một trong những cam kết của Trường trong đề án tự chủ là mức tăng học phí đồng nghĩa với nâng cao chất lượng đào tạo, trang bị cơ sở vật chất hiện đại hơn.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học kinh tế (Đại học Đà Nẵng).

Theo đó, Trường được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học...

Nhân dịp đầu năm mới, PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã có những chia sẻ với Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam về những bước đột phá của Trường trong thời gian tới.

Những hướng đi mới

Theo thầy Nguyên, Việt Nam đang trong giai đoạn hội nhập quốc tế nên áp lực về tụt hậu rất lớn.

Nguồn ngân sách nhà nước cũng không thể đầu tư dàn trải trong lĩnh vực giáo dục, nhất là những ngành nghề có nhu cầu xã hội hóa cao.

“Mục tiêu của Chính phủ là tạo ra những trường đầu đàn, đủ khả năng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng chia sẻ về những hướng đi mới của Trường trong thời gian đến. An Nguyên
PGS.TS Trần Đình Khôi Nguyên, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng chia sẻ về những hướng đi mới của Trường trong thời gian đến. An Nguyên

Chứ không phải các trường cùng ngồi chờ bầu sữa ngân sách như thế thì mất cạnh tranh và sẽ tụt hậu xa hơn”.

Thầy Nguyên cho hay, ở miền trung chưa có trường đại học nào được giao cơ chế tự chủ và Đại học kinh tế Đà Nẵng là trường tiên phong.

Có ba vấn đề lớn trong tự chủ đại học là: tự chủ về bộ máy nhân sự, về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học và tự chủ về tài chính.

“Hiểu về tự chủ đại học là gồm cả ba lĩnh vực này chứ không phải tự chủ về tài chính không” thầy Nguyên nói.

Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

Thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

Cái quan trọng nhất trong vấn đề tự chủ là các trường phải xây dựng được chương trình đào tạo theo nhu cầu xã hội, theo hướng hội nhập quốc tế.

“Thực tế có nhiều mã ngành 5-10 năm mới được điều chỉnh. Trong khi đó, thực tiễn và nhu cầu xã hội thay đổi liên tục, khiến một số mã nghành trở nên lạc hậu.

Việc các trường tự chủ được phép mở ngành mới ngoài danh mục mã ngành cấp IV là một trong những cơ chế để tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học.

Theo đó, Trường có thể căn cứ vào nhu cầu thực tế để mở ngành mới” thầy Nguyên cho biết.

Về hợp tác quốc tế, nhà trường sẽ chủ động liên kết với các trường nước ngoài, mời chuyên gia đầu ngành của nước ngoài về tham gia giảng dạy.

“Cái này nhà trường được giao quyền chủ động, nếu không làm là mình sẽ bị tụt hậu ngay”.

Về bộ máy nhân sự, thầy Nguyên cho rằng, không thể thay đổi một sớm, một chiều.

Tuy nhiên, Trường cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm trước đó, để đến khi nhận “quyết định tự chủ” thì không bỡ ngỡ.

“Lâu nay, các giảng viên của Trường phải học và tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài (trừ người 45 tuổi mới được học trong nước).

Hiện 30% đội ngũ giảng viên của Trường Đại học Kinh tế là Tiến sĩ, hơn 95% có trình độ thạc sĩ và đa phần được đào tạo ở nước ngoài.

Đó là sự chuẩn bị của trường từ nhiều năm nay. Mình làm cái này để chuẩn bị cho vấn đề tự chủ, để có thể hợp tác quốc tế” thầy Nguyên chia sẻ.

Riêng việc nhận xét, đánh giá cán bộ, nhân viên theo đề án tự chủ có nhiều điểm tiến bộ so với trước đây.

“Nó đánh giá đúng tính chất mức độ công việc, cống hiến của từng người. Khen thưởng nhân viên, đánh giá đúng mức sự đóng góp của từng cá nhân.

Trước đây, thực ra có đánh giá nhưng do tâm lý còn “bầu sữa ngân sách” thì còn đánh giá chung chung. Giờ đánh giá thì căn cứ vào hiệu quả công việc" thầy Nguyên nói thêm.

Tăng học phí để nâng cao chất lượng đào tạo

Trước đó, đã có những lo lắng về việc nhà trường tăng học phí gần gấp đôi khi được giao cơ chế tự chủ.

Cần phân biệt giữa tự chủ tài chính và "tự lo" về tài chính

Cần phân biệt giữa tự chủ tài chính và "tự lo" về tài chính

Cụ thể, học phí trường là 7,5 triệu đồng/năm (học 10 tháng), còn bây giờ tăng lên 13,5 triệu đồng/năm theo quyết định của Chính phủ.

Lý giải về điều này, thầy Nguyên cho rằng, không phải vì tự chủ mà tăng học phí. “Khi nhà nước không còn cấp tiền thì phần tăng học phí để bù vào phần bị cắt.

Đó cũng là sự chia sẻ một phần của cộng đồng, xã hội để nhà trường đổi mới, phát triển.

Nhưng phần học phí tăng lên đó đi theo lộ trình chứ không phải do chuyển qua tự chủ mới tăng.

Bản thân việc tăng học phí khi chuyển sang cơ chế tự chủ cũng được quản lý bởi nhà nước.

Cụ thể, các trường đại học tự chủ đều bị khống chế mức thu học phí theo quyết định 86/CP về quản lý trần học phí của Chính phủ trong giai đoạn 2016 – 2020”.

Đây là mức tăng đã so sánh với điều kiện kinh tế miền Trung và hai đầu cầu (Hà Nội và TP.HCM).

Nhiều người nói đến tự chủ là nói đến tăng học phí nhưng không hình dung được rằng đây là cơ sở để nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Tăng học phí là để nâng cao chất lượng dịch vụ. Tự chủ là để nâng cao chất lượng đào tạo của xã hội. Làm cho nguồn lực đào tạo có tính cạnh tranh” thầy Nguyên nói.

Một trong những cam kết của Trường đại học Kinh tế trong đề án tự chủ là mức tăng học phí đồng nghĩa với việc nâng cao chất lượng đào tạo, trang bị cơ sở vật chất hiện đại hơn.

Hiện hơn 90% phòng học của trường được nâng cấp, cải tạo bảo đảm chất lượng học tập như các cơ sở đào tạo ở nước ngoài.

Hệ thống thư viện được đầu tư để học sinh có nguồn tài liệu tham khảo bao gồm cả  bản cứng và tài liệu điện tử.

“Quá trình tự chủ này là để tạo ra một trường đại học có chất lượng cao. Phải hiểu rõ về bản chất của quá trình tự chủ chứ không phải là tự chủ là tăng học phí.

Đây là quá trình chuyển đổi, tiến đến một trường đại học có chất lượng cao hơn, có uy tín hơn” thầy Nguyên cho hay.

An Nguyên