Từ đề thi môn Ngữ văn trong kì thi quốc gia bàn thêm về phương pháp dạy học

29/06/2019 07:37
Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh
(GDVN) - Chúng tôi vẫn cho rằng đề thi môn Ngữ văn kỳ thi quốc gia năm 2019 là một đề thi vừa sức học sinh nhưng lại có tính phân hóa cao.

Sau khi đọc đề thi môn Ngữ văn kỳ thi Quốc gia năm 2019, nhằm đưa ra một số ý kiến nhận xét và đề nghị về việc ra đề, biên soạn sách giáo khoa, phương pháp dạy học môn Ngữ văn phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới và việc phát triển văn hóa đọc, Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.

Về chất lượng đề thi: Bỏ qua một ít phân vân khi ai đó có sự cảm nhận đoạn trích bài thơ “Trước biển” của nhà thơ Vũ Quần Phương có nội dung ngoài ý muốn của người ra đề thì chúng tôi vẫn cho rằng đề thi môn Ngữ văn kỳ thi quốc gia năm 2019 là một đề thi vừa sức học sinh nhưng lại có tính phân hóa cao đáp ứng cả 2 yêu cầu để vừa công nhận tốt nghiệp và vừa lấy kết quả xét tuyển vào cao đẳng, đại học.

Học sinh học mức trung bình có thể làm được bài đạt đủ điều kiện để tốt nghiệp trung học phổ thông và những học sinh có năng lực cảm thụ văn học và có sự hiểu biết kỹ lưỡng những kiến thức cơ bản về tiếng Việt thì sẽ đạt điểm cao để dự tuyển vào cao đẳng, đại học.   

Vì sao chúng tôi dám đưa ra nhận định trên. Bởi đề thi quốc gia năm 2019 đã chọn một khổ thơ trích trong một bài thơ không có trong chương trình phổ thông nhưng lại là một bài thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương một nhà thơ khá quen thuộc của các thầy giáo Ngữ văn và thế hệ trẻ trong cả nước để thi phần đọc hiểu đó là một đoạn trích trong bài thơ “Trước biển” của Vũ Quần phương (Thơ Việt Nam 1945-1985, Nhà xuất bản Văn học năm 1985).

Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi Quốc gia năm 2019.
Đề thi môn Ngữ văn kỳ thi Quốc gia năm 2019.

Với cách ra đề môn Ngữ văn mà học liệu dành cho phần trả lời các câu hỏi ở phần đọc hiểu và phần tập làm văn đều được lấy từ văn bản nghệ thuật (tác phẩm văn học) nó đã thể hiện rõ hơn tính tính đặc trưng của một đề văn.

Với cách ra đề này và nên ra đề theo cấu trúc có 2 phần chính: Phần đọc hiểu và phần làm văn, cả 2 phần của đề thi đều lấy các tác phẩm văn học làm ngữ liệu chứ không đưa ngữ liệu của văn nhật dụng vào đề thi.

Câu hỏi để kiểm tra kiến thức về từ ngữ, ngữ pháp thì chỉ kiểm tra những kiến thức cơ bản nhất, mang tính phổ thông nhất và hình thức ra đề này nếu được thực hiện trong một khoảng thời gian dài thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tạo được động lực tích cực cho học sinh trong việc học bộ môn Văn là quan tâm tới việc đọc tác phẩm văn học và tập trung ôn tập chu đáo những kiến thức cơ bản về từ ngữ, ngữ pháp tiếng Việt.      

Cách ra đề lấy ngữ liệu từ một văn bản văn học không có trong chương trình sách giáo khoa phổ thông và đưa trích đoạn hoặc một văn bản văn học có trong chương trình môn Ngữ văn phổ thông cho học sinh làm tập làm văn sẽ tạo nên sự tự giác của học sinh trong việc nâng cao văn hóa đọc.

Ngoài việc học các tác phẩm văn học đã có trong chương trình, học sinh sẽ quan tâm tới việc đọc thêm những tác phẩm văn học có giá trị của nền văn học nước nhà.

Tất nhiên việc ra đề môn Ngữ văn theo cách này phải tuân thủ nguyên tắc phần đọc hiểu (lấy ngữ liệu từ một tác phẩm ngoài chương trình phổ thông) chỉ nên có một mức điểm vừa phải (trên dưới 3 điểm) như mức tính điểm của đề thi Quốc gia năm 2019 này.

Số điểm còn lại cho phần Tập làm văn mà học liệu để làm căn cứ cho học sinh tập làm văn là học liệu được lấy từ một tác phẩm văn học các em đã được học trong chương trình phổ thông.

Đề thi môn Văn năm nay, thí sinh khó đạt điểm cao
Đề thi môn Văn năm nay, thí sinh khó đạt điểm cao

Mặt khác nhà trường và các thầy cô giáo dạy bộ môn ngữ văn cần quan tâm tới việc yêu cầu học sinh dành thời gian để đọc thêm các tác phẩm văn học có giá trị của nền văn học Việt Nam và văn học nước ngoài.

Với cách ra đề như đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi Quốc gia năm nay và nhiều năm tiếp theo sẽ góp phần tạo động lực để phát triển văn hóa đọc cho học sinh.

Các em không chỉ đọc, nghiên cứu các tác phẩm văn học có trong chương trình môn ngữ văn phổ thông mà còn có kế hoạch đọc thêm những tác phẩm văn học có giá trị của nước nhà, cũng như các tác phẩm là tinh hoa văn học của nhân loại.

Khi chúng ta đồng ý với nhau đề thi  môn Ngữ văn năm nay đã đạt chuẩn sư phạm về mặt cấu trúc và nó sẽ góp phần nâng chất lượng dạy học bồi đắp thêm lòng mê say học văn cho học sinh thì chúng ta cũng cần nghiêm túc xem xét lại một số vấn đề về biên soạn sách giáo khoa, vấn đề phương pháp dạy học, vấn đề duy trì và phát triển văn hóa đọc cho học sinh phổ thông để làm cho môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai đạt hiệu quả hơn:

1 - Để học sinh làm tốt đề thi môn Ngữ văn như đề thi năm nay nên chăng trong chương trình giáo dục phổ thông mới cần có nội dung giới thiệu danh mục các tác phẩm văn học tham khảo cho học sinh từng khối lớp để sau này người soạn đề thi chọn làm ngữ liệu cho loại câu hỏi ở phần đọc hiểu.

Trong quá trình dạy học giáo viên phải quan tâm tới việc giới thiệu danh mục các tác phẩm văn học tham khảo mà học sinh phổ thông cần tìm đọc và phải có kế hoạch kiểm tra xem học sinh có thật sự dành thời gian cho việc đọc, nghiên cứu các tác phẩm không có trong chương trình phổ thông nhưng học sinh cần đọc tham khảo.

Tất nhiên danh mục các tác phẩm giới thiệu cho học sinh đọc thêm cũng cần ở mức độ vừa phải, không đưa ra một danh mục nhiều tác phẩm quá làm các em choáng ngợp.

Khi sách giáo khoa đã có thêm phần danh mục đọc thêm thì hàng năm khi ra đề thi quốc gia hoặc thi đại học người ra đề phải chọn ngữ liệu ra đề từ các tác phẩm đã được nằm trong danh mục đọc thêm để ra đề thi cho phần đọc hiểu và ngữ liệu cho phần làm văn thì phải lấy từ các tác phẩm văn học đã được đưa vào chương trình bộ môn Ngữ văn của trường phổ thông. 

2 - Trước thực trạng văn hóa đọc đang có nhiều thay đổi. Người đọc do những thành tựu của Công nghệ Thông tin đưa lại và do sự xuống cấp về chất lượng dạy học môn Ngữ văn trong nhà trường cho nên một tỷ lệ rất cao dân số Việt Nam quan tâm dành thời gian để đọc thông tin trên mạng Internet mà không quan tâm đến việc đọc văn.

Vì vậy, nên chăng trong sách giáo khoa của chương trình sách giáo dục phổ thông mới cần đưa vào sách giáo khoa mới phần thư mục các tác phẩm đọc thêm và khi kiểm tra cuối năm hoặc khi thi trung học phổ thông quốc gia các đề thi sẽ dùng các tác phẩm đã học trong chương trình phổ thông và các tác phẩm trong danh mục đọc thêm để làm cho ngữ liệu cho đề thi.

Đề Văn không chỉ giải quyết việc thi cử mà còn đặt ra vấn đề nhân sinh
Đề Văn không chỉ giải quyết việc thi cử mà còn đặt ra vấn đề nhân sinh

Nếu làm được như vậy thì chắc chắn sẽ góp phần nâng cao văn hóa đọc cho học sinh.

Có lẽ đó là một giải pháp tối ưu nhất có khả năng kiểm soát được trách nhiệm của người dân, của học sinh trong việc thực hiện văn hóa đọc.     

3 - Đề văn năm nay nếu học sinh có khả năng cảm thụ văn học thì sẽ có được bài làm đạt điểm cao.

Nhưng, để cho các em cảm thụ được sâu sắc văn bản đã đưa ra ở cả 2 phần Đọc hiểu và tập làm văn như đã dẫn ở trên thì chắc chắn sẽ phải có vai trò quan trọng của người dạy.

Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo hàng chục năm nay triển khai chủ trương đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy người học làm trung tâm….

Nhưng, theo ý chúng tôi chỉ có người thầy mới là trung tâm giúp các em hiểu được một cách sâu sắc đoạn trích trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Không có vai trò của người thầy thì số đông học sinh không hiểu hết những tầng ý nghĩa sâu xa của đoạn trích…

Bởi vậy, chúng tôi kiến nghị: Chúng ta có đổi mới phương pháp dạy học đến mức độ nào, đi theo hướng nào đi nữa thì cũng không nên bỏ phần bình giảng của người thầy trong giờ giảng văn.

Thạc sỹ Nguyễn Đình Anh