Vòng luẩn quẩn giữa kiểm tra lại và xét lên lớp biết bao giờ mới kết thúc?

21/07/2017 06:13
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Tổ chức kiểm tra lại và xét lên lớp là một công việc quan trọng mà các nhà trường đang tích cực chuẩn bị, tiến hành tổ chức để bước vào năm học mới 2017-2018.

LTS: Nhằm đưa ra những quan điểm về cách thức, quy trình kiểm tra và xét lên lớp ở một số trường hiện nay, tác giả Kiên Trung đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết của mình về vấn đề này.

Đồng thời, tác giả cũng đặt ra câu hỏi về cái vòng luẩn quẩn giữa kiểm tra lại và xét lên lớp ở nhiều địa phương hiện nay đến bao giờ mới kết thúc?

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Tổ chức kiểm tra lại và xét lên lớp là một công việc quan trọng mà các nhà trường đang tích cực chuẩn bị, tiến hành tổ chức để bước vào năm học mới 2017 - 2018. Các em học sinh bắt đầu tựu trường từ đầu tháng 8 theo Lịch kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai. 

Theo Lịch kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo các em học sinh tự trường từ đầu tháng 8 (Ảnh: giaoduc.net.vn)
Theo Lịch kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo các em học sinh tự trường từ đầu tháng 8 (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Lâu nay, ở bậc tiểu học rất hiếm trường có học sinh phải kiểm tra lại và rèn luyện lại trong hè. Còn ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông thì năm nào mà chẳng có diện học sinh học yếu phải kiểm tra lại, học sinh hạnh kiểm yếu phải rèn luyện, lao động trong hè. Trường ít thì vài chục em, trường nhiều có đến hàng trăm em. 

Cách thức, quy trình kiểm tra lại và xét lên lớp đều căn cứ vào quy định tại Thông tư 58 hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Công việc này là nhiệm vụ quen thuộc, đến hẹn lại lên của các đơn vị nhà trường, thường ít có văn bản chỉ đạo của cấp Phòng, Giáo dục và Đào tạo.

Song mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai ban hành văn bản số 1302/SGDĐT-GDTrH, ngày 13/7/2017 chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, trường phổ thông trực thuộc về việc tăng cường quản lí việc kiểm tra lại và xét lên lớp cho học sinh trung học. 

Theo đó, quản lý chặt chẽ, nghiêm túc, đúng quy chế ở tất cả các khâu ra đề, coi, chấm, nhận xét và đánh giá học sinh trong bài kiểm tra lại, đảm bảo nguyên tắc.

Việc ra đề kiểm tra lại phải căn cứ vào chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình môn học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo quy trình biên soạn đề. Mỗi môn phải có tối thiểu 2 đề và hướng dẫn chấm, giáo viên được phân công ra đề niêm phong, bảo mật nộp đề và hướng dẫn chấm cho hiệu trưởng bảo quản.

Hiệu trưởng tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên chọn đề chính thức và đề dự bị, lập biên bản bốc thăm gồm có đại diện lãnh đạo nhà trường, đại diện ban thanh tra nhân dân, đại diện tổ bộ môn.

Vòng luẩn quẩn giữa kiểm tra lại và xét lên lớp biết bao giờ mới kết thúc? ảnh 2

Kiểm tra cuối học kì, giáo viên chủ nhiệm ra đề thi và chấm bài

Việc chấm bài kiểm tra cần đảm bảo tính chính xác, công bằng, khách quan tránh trường hợp học sinh ngồi nhầm lớp. Toàn bộ hồ sơ kiểm tra lại và xét lên lớp phải được lưu trữ tại đơn vị để phục vụ cho thanh tra, kiểm tra. 

Trước khi tổ chức kiểm tra lại, các nhà trường báo cáo kế hoạch tổ chức kiểm tra, trong đó nêu rõ thời gian tổ chức kiểm tra, số học sinh kiểm tra lại tương ứng của từng bộ môn và thời gian chấm bài về Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học cơ sở) và Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông). 

Sau khi tổ chức kiểm tra xong, các nhà trường tập hợp đề kiểm tra lại và hướng dẫn chấm của tất cả các môn học, báo cáo kết quả xét lên lớp bằng file mềm về Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo. 

Các địa phương, đơn vị nhà trường trong cả nước nếu đều thực hiện đúng, giống như yêu cầu của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai thì tốt biết mấy. 

Lâu nay, việc kiểm tra lại và xét lên lớp ở nhiều đơn vị cũng để nảy sinh không ít phức tạp. Có giáo viên thì thích nhẹ nhàng, tháo khoán, nghĩ thương các em đến kiểm tra lại là tốt rồi còn chuyện có làm bài đạt yêu cầu hay không không quan trọng, cho điểm và xét lên lớp hết.

Có thầy, cô giáo thì cứng rắn, nguyên tắc, không làm được bài, thiếu điểm thì phải lưu ban, học lại cho chắc kiến thức như vậy mới biết lo học, đồng thời răn đe các học sinh khác. 

Có phụ huynh, học sinh lo sợ, xấu hổ khi bị ở lại lớp, biết lực học của mình quá yếu nên tìm cách nhờ người thân quen, giáo viên xin điểm kiểm tra lại ở nhà trường, các thầy, cô giáo tham gia chấm và xét lên lớp. 

Có Hiệu trưởng chỉ đạo các bộ phận giáo viên khi ra đề kiểm tra lại thật dễ, lúc chấm thì tìm cách nâng, cộng thêm điểm để các em được xét lên lớp chứ cho ở lại nhiều em đâm ra chán nản, bỏ học hoặc bỏ học nửa chừng lại thêm khổ phụ huynh, nhà trường. 

Vì thành tích, vì thương học trò, vì những mối quan hệ khác xét cho lớp cả, lên lớp lại ngồi nhầm lớp, học hành kém hay quậy phá trong lớp, các thầy cô chỉ còn biết tự trách mình, trách nhà trường, trách đồng nghiệp. 

Năm sau, những em đó lại thuộc diện kiểm tra lại, rèn luyện lao động hè, những tưởng lần này sẽ làm kiên quyết, đúng quy chế, không chiếu cố nữa… nhưng rồi nhiều thầy, cô lại thấy chúng nó “tội tội” và những thứ khác tác động, chi phối… thế là tiếp tục nâng đỡ, tháo khoán…. 

Cái vòng luẩn quẩn trong kiểm tra lại và xét lên lớp như thế này ở nhiều nơi biết bao giờ mới kết thúc?

KIÊN TRUNG