Giáo dục vị nhân sinh hay vị học thuật?

14/11/2023 06:38
Hướng Sáng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi xã hội quan tâm, tôn trọng nền tảng văn hoá, chú trọng tri thức khoa học và xem trọng vai trò của giáo dục thì ở đó sẽ có nền “giáo dục vị nhân sinh”.

Những ngày đầu tháng 11 năm 2023, nhà giáo, nhà trường trong cả nước rộn ràng chuẩn bị kỉ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, cũng là lúc trên các diễn đàn râm ran bàn tán câu chuyện nhà giáo “bán” bài báo khoa học, “để kiếm tiền”.

Câu chuyện thu hút sự quan tâm của rất nhiều người và có rất nhiều cảm nhận khác nhau - có người cảm thông chia sẻ, có người gay gắt trách móc. Đó là câu chuyện buồn, rất buồn cho cả 2 ngành được cho là “quốc sách hàng đầu” của nước nhà.

Có lẽ để hoá giải được, gốc rễ phải nhìn từ bản chất của vấn đề, đừng nên tập trung vào hiện tượng.

Ảnh minh hoạ: Baothainguyen.vn

Ảnh minh hoạ: Baothainguyen.vn

…vị học thuật

Thời Trung cổ, nền giáo dục bị áp đặt, gò bó tư duy. Sau đó, phong trào Phục Hưng văn hoá vào thế kỉ 16 ở châu Âu đã nổi lên, phá tan được những “bức tường” kiên cố của “đêm trường trung cổ” và đã giải phóng tinh thần cho loài người.

Nền giáo dục “mới” lúc bấy giờ đã mở toang “cánh cửa”, để con người phát huy hết trí năng thiên phú; khoa học được đề cao, giáo dục vị học thuật ra đời.

Một nền giáo dục hướng đến tự do học thuật dựa trên nền tảng nhân bản được ca ngợi. Lúc đó, nhà trường quan tâm đến cả 3: Trí dục, Đức dục và Thể dục. Thế nhưng dần dần, Trí dục vượt lên hàng đầu, đề cao “trau dồi kiến thức”, để thi cử, đo lường bằng định lượng với những con điểm.

Mặc dù, giáo dục vẫn quan tâm phát triển đạo đức, tâm hồn, thể mĩ, thể chất,… thế nhưng đo lường vẫn dựa trên những gì có thể lượng hoá được, do đó chủ yếu vẫn là kiến thức khoa học.

Khi khoa học được đề cao thì kết quả cũng dần thu nhận được bằng những thành tựu nổi bật. Để theo đuổi những thành tựu khoa học, giới thượng lưu sẽ có ưu thế vượt trội.

Họ chiếm lĩnh tri thức tinh hoa mà không phải bon chen việc kiếm tiền; từ đó mới có những ý tưởng vượt không gian và thời gian, và xuất hiện những nhà bác học vĩ đại. Có thể nói, hoạt động khoa học lúc bấy giờ không vì mưu sinh, không vì vụ lợi…

Người hoạt động khoa học tự do sáng tạo, không bị giới hạn tư duy bởi những “rào cản” định kiến; chỉ cống hiến vì đam mê, chinh phục ham muốn hiểu biết về thế giới, vũ trụ…

Mỗi khi khoa học vị học thuật, giáo dục cũng vị học thuật, tất cả đều đề cao lí trí, dần dần xem nhẹ các giá trị về tâm hồn, đạo đức, sức khoẻ… Điều đó được cho là làm sai lệch giá trị của con người, từng được nhắc đến và đề xướng cải cách.

Đến nay, loài người đã đi qua gần 1/4 của thế kỉ XXI, nền giáo dục của chúng ta đâu đó vẫn sa đà đề cao “truyền thụ kiến thức” phục vụ thi cử vì mục tiêu đỗ đạt, thành tích; nền khoa học cũng vừa mới hội nhập với “sân chơi” công bố quốc tế đã phải đối mặt với thị trường “mua bán” bài báo. Nhiều công bố chỉ vì thành tích, vì lợi ích và vì mưu sinh…

Có lẽ giờ đây nền giáo dục và khoa học của chúng ta cùng thời điểm với "người ta" nhưng không cùng thời đại, rất cần sự quan tâm của những người có chức trách, thay cho những trách móc, phê phán không khoan nhượng!

…vị nhân sinh

Khi phê phán nền giáo dục chỉ quan tâm “trau dồi kiến thức” để “ứng thí”; thiếu rèn luyện kĩ năng, yếu thể chất, khô khan ở tâm hồn; tạo nên những con người “lí thuyết suông”, xa rời thực tế kiểu “gà công nghiệp” thì cũng là lúc người ta bắt đầu chuyển hướng, đề cao giáo dục “vị nhân sinh” thay “vị học thuật”.

Ở khía cạnh nào đó, những nhà “cải cách” đề xướng giáo dục “vị nhân sinh” theo kiểu đề cao giáo dục “làm người” và “làm việc” thay cho “trau dồi kiến thức”.

Và tất nhiên là mỗi khi đề cao cái này thì cũng hạ thấp cái kia. Khi quan tâm đến “làm người” theo nghĩa là phải tuân thủ lễ nghĩa, phép tắc, phê phán tự do, sự “khác người”; đề cao “làm việc” để sống khoẻ, để làm giàu… sẽ có xu hướng tạo ra những cá nhân sống vì bản thân hơn vì tập thể…

Người học chủ tâm học bí quyết, học kĩ năng sống, kĩ năng kiếm tiền thay cho rèn luyện tư duy, tích luỹ tri thức như trước.

Người học ngày càng quan tâm nhiều hơn đến những ngành nghề dễ có việc làm, dễ giàu có hơn chọn ngành nghề để phát huy năng lực bản thân, phù hợp với sở thích, sở trường và sự đam mê…

Từ một nền giáo dục có chủ đích đề cao khuôn mẫu, thực dụng sẽ phản chiếu nên một xã hội có “phông nền” tương tự!

Khoa học ở châu Âu của những thế kỉ trước cho dù giáo dục được cho là “vị học thuật” nhưng “không vụ lợi”; người làm khoa học cũng không vì mưu sinh. Do đó tính khách quan của khoa học được xem trọng. Sức tưởng tượng vô hạn cùng với sự đam mê vô bờ bến đã tạo nên những con người vĩ đại có đóng góp to lớn cho nhân loại, rất đáng trân trọng.

Thế giới của chúng ta hôm nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức trên phạm vi toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy thoái đa dạng sinh học, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh lây lan, chiến tranh leo thang,…

Càng nhiều thách thức thì theo lẽ tự nhiên, khoa học sẽ phát huy vai trò. Thế nhưng, trớ trêu thay, mặc dù những thách thức kể trên là rất lớn, có nguy cơ đe doạ đến sự tồn vong của loài người nhưng số đông vẫn ít quan tâm. Mối quan tâm lớn của số đông vẫn là kinh tế và công nghệ!

Công nghệ số, cách mạng 4.0 và dự báo sẽ là 5.0 cũng khó có thể cứu nổi loài người trước những “phản công” của thiên nhiên. Đó là quy luật, là bản chất… được tri thức của nhân loại đúc rút từ lâu.

Khoa học hiện đại đã chứng minh rất nhiều điều giá trị, nhưng tri thức của nhân loại không chỉ là những phát minh, những công trình được công bố… mà còn là cả một kho báu tri thức trong dân gian tích luỹ qua thời gian và đã trở thành văn hoá.

Mỗi khi xã hội quan tâm, tôn trọng nền tảng văn hoá, chú trọng tri thức khoa học và xem trọng vai trò của giáo dục thì ở đó sẽ có nền “giáo dục vị nhân sinh”.

Giáo dục vị nhân sinh sẽ khai tâm, khai trí và giải phóng con người, để con người biết sống, thực sống và phụng sự “đạo sống” vì cộng đồng, vì nhân loại, vì muôn loài và vì cả vụ trụ quanh ta.

Thời đại nào, xã hội nào mà văn hoá – khoa học – giáo dục được kết nối, được chú trọng, được xác lập làm nền tảng đúng nghĩa thì thời đại đó mới chính là thời đại văn minh.

Ngày nay, chúng ta có Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) - những ngày kỉ niệm có ý nghĩa, với mục đích lớn lao là để tôn vinh khoa học và giáo dục, tôn vinh nhà giáo và nhà khoa học, thế nhưng việc ứng xử với khoa học và với giáo dục như cách hiện nay thì khó có thể chấp nhận 2 ngành này là “quốc sách hàng đầu”.

Chấn hưng văn hóa, khoa học và giáo dục Việt Nam hiện nay là vấn đề cấp bách và trọng trách này không chỉ của riêng ai!

Hướng Sáng