Giáo sư dạy phổ thông – đổi mới tư duy hay làm màu?

18/03/2022 06:44
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Liệu có vị giáo sư, phó giáo sư nào chịu từ bỏ chức danh được bổ nhiệm để về làm việc tại một cơ sở giáo dục phổ thông?

Thỉnh thoảng câu chuyện thu hút nhân tài lại rộ lên, lúc ở trung ương, lúc ở địa phương tạo tiền đề cho không ít nghiên cứu và tác phẩm báo chí.

Bài “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” nêu định hướng thu hút nhân tài trong “Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài” của Bộ Nội vụ (công bố lấy ý kiến từ ngày 14/12/2020-07/02/2021), có đoạn:

“Từ năm 2026 đến năm 2030, 100% các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bảo đảm khung tỷ lệ tối thiểu từ 2% đến 5% trở lên nhân tài trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý; từ 10% đến 15% trở lên trong cơ cấu chuyên môn, nghiệp vụ”. [1]

Dự thảo của Bộ Nội vụ chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 kéo dài từ năm 2021 – 2025, đây là thời kỳ chuẩn bị, tập trung hoàn thiện, chuẩn hóa, đồng bộ thể chế pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài, triển khai thí điểm ở một số bộ, ngành, địa phương,…

Giai đoạn 2 từ năm 2026 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Tập trung triển khai thi hành Chiến lược đồng bộ từ Trung ương đến cấp cơ sở. Giữa năm 2030 tổ chức tổng kết việc thực hiện Chiến lược.

Bộ Nội vụ đã hình thành một “chiến lược quốc gia” nhằm thu hút nhân tài, nhưng “nhân tài” là gì thì cho đến nay vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Câu hỏi “Nhân tài là gì” khiến nhiều người nhớ đến một câu hỏi đã vang lên không ít lần trong phòng họp Quốc hội và rất nhiều diễn đàn: “Triết lý giáo dục của Việt Nam là gì”?

Có một sự giống nhau là câu trả lời cho hai câu hỏi trên đều chưa hoàn chỉnh, hoặc được người trả lời viện dẫn vòng vo bằng cách sử dụng cách giải thích trong từ điển, trong nghị quyết hoặc các văn bản mà nhà nghiên cứu có trong tay.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Năm 2018, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ:

“Tôi xin hỏi Bộ trưởng về cốt lõi triết lý giáo dục của Việt Nam. Triết lý giáo dục quan trọng như hiến pháp của quốc gia là kim chỉ nam cho hoạt động dạy và học. Trả lời cho câu hỏi này tại buổi họp báo ngày 29/4/2014, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo nhiệm kỳ trước có nêu triết lý trực tiếp của giáo dục Việt Nam là Nghị quyết 29 của Trung ương. Nhưng Nghị quyết 29 dài 12 trang, còn thông thường triết lý giáo dục phải là một phát biểu ở tầm tư tưởng nhưng cô đọng, xúc tích để ai cũng thấu hiểu và thực hiện như học đi đôi với hành, tiên học lễ, hậu học văn”. [2]

Một tác giả nêu định nghĩa “nhân tài – tài năng” như sau:

“Tài năng là sự kết hợp hoàn thiện nhất các năng lực nhất định đối với một hoạt động nhất định, giúp con người đạt được những thành tựu xuất sắc, mới mẻ, có ý nghĩa xã hội. Tài năng biểu thị chất lượng cao của năng lực, có thể biểu hiện trong bất cứ lĩnh vực hoạt động nào, thông qua đào tạo chu đáo và luyện tập công phu, hoạt động thực tiễn phong phú, phát triển tối đa các tố chất tương ứng”. [3]

Vì sao cho đến nay chưa thấy một nhà quản lý nào có thể diễn đạt những vấn đề cốt lõi, liên quan đến “triết lý giáo dục” và “nhân tài” một cách xúc tích, ngắn gọn mà phần lớn cứ phải vòng vo như vậy?

Phải chăng đội ngũ trí thức Việt Nam hiện tại chưa thể trả lời hai câu hỏi này?

Trên thế giới, nhiều người đồng ý với định nghĩa nhân tài là sự tổng hợp ba yếu tố:

Nhân tài = Năng lực + Cam kết + Cống hiến (Talent = Competence + Commitment + Contribution).

“Năng lực” có một phần là “của trời cho”, là sự thông minh bẩm sinh từ lúc lọt lòng, phần còn lại do rèn luyện, học tập mà có. Thông minh, học giỏi nhưng không có sự cam kết với cộng đồng, không có sự cống hiến cho xã hội thì đó không phải là nhân tài.

Với ý nghĩa đó, những người tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học loại giỏi hoặc xuất sắc chưa phải là nhân tài và vì vậy đưa ra các chế độ ưu đãi nhằm thu hút họ về cơ quan, đơn vị tuy không sai song chưa chắc đã nhận được nhân tài thực sự.

Đấy là chưa nói đến yếu tố cá nhân hay sự chủ quan của người/cơ quan tuyển dụng nhân sự bởi không ít trường hợp người ta vẫn theo nếp xưa nay là nhìn bằng cấp để “quy hoạch”.

Thông tin trên mạng xã hội cho thấy khoảng 500 công ty lớn của Mỹ đã sử dụng AI (Artificial Intelligence - trí tuệ nhân tạo) để tìm kiếm nhân tài thông qua phần mềm ATS (Hệ thống Quản trị Tuyển dụng – Applicant Tracking System). [4]

Với ATS, việc đánh giá năng lực, trình độ ứng viên được tự động và không bị các định kiến của người tuyển dụng chi phối. Nói cách khác, khi một ứng viên trở thành “người tài” theo lựa chọn của ATS thì ít nhất họ không phải là tài năng theo cảm tính của nhà tuyển dụng.

Gần đây, một vài tỉnh có chủ trương thu hút giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ về dạy tại trường trung học phổ thông chuyên, chẳng hạn giáo viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ nếu về làm việc tại Trường trung học phổ thông chuyên tỉnh Bắc Ninh sẽ được hỗ trợ 100 đến 220 triệu đồng.

Giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở ngoài tỉnh cam kết giảng dạy lâu dài (ít nhất 10 năm) tại Trường trung học phổ thông chuyên Bắc Ninh được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá một tỷ đồng.

Giả sử có giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tình nguyện trở thành viên chức giáo dục tại một trường trung học phổ thông chuyên thuộc một địa phương nào đó thì họ có còn được gọi là giáo sư, phó giáo sư?

Theo Luật Giáo dục 2019, câu trả lời là không.

Khi một nhà giáo trở thành biên chế cơ hữu tại trường trung học phổ thông, họ được gọi là giáo viên chứ không phải giảng viên, càng không phải là giáo sư hay phó giáo sư.

Việc nhiều người khi nghỉ hưu vẫn ghi chức danh giáo sư, phó giáo sư trước tên gọi là không phù hợp với quy định trong Luật Giáo dục và đáng tiếc là rất ít người muốn đoạn tuyệt với “truyền thống” hư danh đó.

Liệu có vị giáo sư, phó giáo sư nào chịu từ bỏ chức danh được bổ nhiệm để về làm việc tại một cơ sở giáo dục phổ thông hay họ vẫn tự nhận mình là giáo sư dù nghỉ hưu hàng chục năm, dù không “giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học” theo luật định?

Đến đây thì xuất hiện một vấn đề mà Bộ Giáo dục và Đào tạo - với chức năng quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo - nên sớm ban hành văn bản dưới luật giải thích khoản 1, điều 66 và khoản 1, điều 68, Luật Giáo dục ban hành năm 2019, theo đó:

Khoản 1, điều 66: “Nhà giáo giảng dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục khác, giảng dạy trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên; nhà giáo giảng dạy từ trình độ cao đẳng trở lên gọi là giảng viên”.

Khoản 1, điều 68: “Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng tiêu chuẩn giáo sư, phó giáo sư do cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm”.

Kiến nghị nêu trên không phải bây giờ mới được nêu lên nhưng tiếc rằng sự “oai vệ” của các từ “giáo sư, phó giáo sư” đã di căn vào máu của không ít người dù không thiếu trường hợp đó là căn bệnh nguy hiểm cho cả xã hội.

Các trường trung học phổ thông chuyên và ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có quyền bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư - đây là chức năng của cơ sở giáo dục đại học - và vì vậy việc thu hút giáo sư, phó giáo sư về trường chuyên nếu không phải là phi thực tế thì phải chăng chỉ là cách “làm màu” khi một số người làm công tác quản lý giáo dục địa phương muốn chứng tỏ sự “năng động” trong đổi mới toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Nếu địa phương muốn đưa giáo sư, phó giáo sư về dạy trường trung học phổ thông chuyên tại các tỉnh thì chỉ có cách mời họ thỉnh giảng một số tiết chứ khó có chuyện ai đó tình nguyện vứt bỏ chức danh giáo sư, phó giáo sư để nhận ưu đãi một tỷ đồng mua nhà ở.

Đấy là chưa nói, chắc gì giáo sư, phó giáo sư đã đủ năng lực sư phạm để giảng dạy tại các trường trung học phổ thông!

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dangcongsan.vn/xa-hoi/chien-luoc-quoc-gia-thu-hut-trong-dung-nhan-tai-569929.html

[2]https://kinhtedothi.vn/tong-thuat-chat-van-bo-truong-phung-xuan-nha-triet-ly-giao-duc-cua-viet-nam-la-gi.html

[3]https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/nhan-tai-va-tuyen-dung-nhan-tai-541312.html

[4]https://video.vietnamnet.vn/cac-cong-ty-hang-dau-cua-my-dung-cong-cu-gi-de-san-nhan-tai-a-96024.html

Xuân Dương