Giáo viên có cần dạy đến đủ tuổi hưu mới nghỉ không?

22/11/2019 06:42
Lê Mai
(GDVN) - Theo Luật Bảo hiểm xã hội, chỉ cần đóng đủ 20 năm bảo hiểm là người lao động có quyền nghỉ việc, lĩnh lương hưu.

Ngày 20/11, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi trong đó điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028; đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Thực tế, cũng có những thầy giáo đang dạy học, tuổi thật đã trên 60, tuổi trên giấy tờ nhỏ hơn một vài năm, đang khắc khoải chờ đợi từng ngày để mong nghỉ chế độ.

Tại sao vậy? Do lịch sử để lại, việc quản lý hộ tịch hộ khẩu trước đây không chặt chẽ như hiện nay, nên việc khai tăng hay tụt tuổi là bình thường. Thầy giáo Tr. trường tôi cũng nằm trong số đó.

Giáo viên sắp về hưu. (Hình minh họa trên Tạp chí điện tử Saostar)
Giáo viên sắp về hưu. (Hình minh họa trên Tạp chí điện tử Saostar)

Thầy giáo trên 60 tuổi đi dạy như thế nào?

Đã 2 năm học nay, thầy T. chỉ xin dạy trung học cơ sở, dù thầy đủ chuẩn dạy chuẩn dạy trung học phổ thông; thầy T. cũng được anh em đồng nghiệp đánh giá có “phong độ” so với tuổi tác.

Yêu cầu của thầy T. với chuyên môn “Xếp thời khóa biểu cho mình đừng có xếp liên tục; muốn xếp tiết dạy, tiết nghỉ; trong tuần không nghỉ ngày nào cũng được; xin không làm công tác chủ nhiệm”.

Cứ dạy xong một tiết, áo thầy T. đẫm mồ hôi, lấy “lưng làm ghế” ngay tại phòng nghỉ giáo viên.

Mọi hoạt động khác của nhà trường thầy T. đều không tham gia được vì lý do “sức khỏe”; không ít lần ban giám hiệu đã phải làm “công tác tư tưởng” với học sinh để “hủy đơn” đề nghị đổi thầy giáo khác.

Thầy T. đã có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 9 năm, chủ tịch công đoàn tư vấn thầy nghỉ trước 9 tháng, hưởng 9 tháng lương thất nghiệp, vừa đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vẫn kiên quyết “bám trường, bám lớp”.

Giáo viên có cần dạy đến tuổi nghỉ hưu mới nghỉ không?

Thầy cô giáo 60-62 tuổi còn sức để dạy học trò nữa không?
Thầy cô giáo 60-62 tuổi còn sức để dạy học trò nữa không?

Theo Luật Bảo hiểm xã hội, chỉ cần đóng đủ 20 năm bảo hiểm là người lao động có quyền nghỉ việc; hay nói cách khác là có thể nghỉ việc khi đã đóng bảo hiểm xã hội đủ số năm, chờ đến đúng mốc tuổi quy định sẽ được lĩnh lương hưu.

Trên thế giới, chuyện nghỉ sớm chờ hưu trí khi đã đóng đủ năm bảo hiểm xã hội là khá phổ biến; người lao động chỉ nhận bảo hiểm xã hội một lần khi xảy ra rủi ro về sức khỏe hay tai nạn lao động.

Ở Việt Nam, theo thống kê của bảo hiểm xã hội, đã có hàng chục nghìn lao động đã chốt sổ bảo hiểm xã hội; tìm việc khác phù hợp điều kiện của bản thân hoặc nghỉ ngơi trong khi chờ đến tuổi lĩnh lương hưu.

Ngoài ra, người lao động nói chung, giáo viên nói riêng, có thể về hưu trước tuổi theo luật Bảo hiểm xã hội khi suy giảm sức khỏe từ 61% trở lên; nam từ 55 tuổi; nữ từ 50 tuổi.

Việc gắng sức đi làm chờ đến tuổi nghỉ hưu để có lương hưu cao nhất là một sai lầm của bất cứ ai.

Nghỉ hưu sớm, có thể lương hưu thấp hơn nhưng tuổi thọ kéo dài hơn; nghỉ hưu muộn có thể lương hưu cao hơn nhưng tuổi thọ ngắn hơn; tiền bạc không còn ý nghĩa khi chúng ta không còn sống.

Quyền nghỉ hưu thuộc về người lao động; quý thầy cô toàn quyền chủ động thời điểm nghỉ hưu có lợi nhất cho sức khỏe của mình, không cần phụ thuộc vào mức trần tuổi nghỉ hưu của Luật Lao động (sửa đổi).

Với thầy cô, sức khỏe không tốt, nghỉ hưu sớm, là biện pháp tốt nhất cho chính mình và học trò; không cần dạy đến tuổi nghỉ hưu mới nghỉ.

Tài liệu tham khảo:

1: //luatvietnam.vn/bao-hiem/nghi-huu-truoc-tuoi-cho-nguoi-lao-dong-563-21533-article.html

Lê Mai