Giáo viên đang "tự bơi" khi tổ chức dạy Nội dung GDĐP, Hoạt động TNHN

25/12/2022 06:35
Minh Khoa
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Qua trao đổi với các em học sinh lớp 6, 7 khi học các Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nhiều em không hứng thú.

Qua 2 năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 ở bậc trung học cơ sở, ngoài các môn tích hợp, còn có Nội dung Giáo dục địa phương và Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp khiến cả ban giám hiệu, thầy và trò vô cùng khó khăn, vất vả, áp lực.

Ảnh chụp màn hình sách Trải nghiệm, hướng nghiệp 7 - Bộ Chân trời sáng tạo

Ảnh chụp màn hình sách Trải nghiệm, hướng nghiệp 7 - Bộ Chân trời sáng tạo

Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đang làm khó cho trường, giáo viên

Nội dung giáo dục địa phương (cấp trung học cơ sở) mỗi năm có 35 tiết dạy có tới 6 phân môn khác nhau, đó là: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Âm nhạc và Mĩ thuật, Giáo dục công dân (cấp trung học phổ thông: Giáo dục kinh tế và pháp luật).

Là nội dung bắt buộc nhưng hiện nay đối với lớp 3, 7, 10, nhiều địa phương chưa có sách dạy khi đã gần hết học kỳ I, nên nhiều nơi vẫn chưa đưa vào giảng dạy.

Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở cấp trung học cơ sở có đến 105 tiết/năm cũng có nhiều phân môn khác nhau.

Hiện nay Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp do giáo viên chủ nhiệm hoặc do giáo viên thiếu tiết đảm nhận.

Cả Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp đều làm khó ban giám hiệu vì phân công dễ gặp giáo viên phản ứng nhất vì không có ai có chuyên môn, không được đào tạo bài bản, khoa học, mà dù có đào tạo cũng khó nắm bắt kiến thức của 3-6 phân môn để giảng dạy.

Phân công 1 giáo viên thì không ai đủ năng lực, phân công nhiều giáo viên thì vất vả thời khóa biểu, vất vả trong việc phân công ra đề kiểm tra, chấm điểm, báo cáo,…

Tổ trưởng chuyên môn cũng không biết đâu mà lần, tổ nào cũng có Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, nên các tổ trưởng cũng phải kiêm luôn quản lý 2 nội dung trên, phải thực hiện các phụ lục 1,2, kiểm duyệt các phụ lục 3,4 theo Công văn 5512 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Và, đương nhiên kiểm duyệt cả ma trận, bản đặc tả, đề kiểm tra, đáp án giữa kỳ, cuối kỳ của 2 nội dung trên.

Mà tổ trưởng chuyên môn nếu không dạy nội dung trên cũng rất khó khăn trong quản lý, kiểm tra.

Tổ trưởng chuyên môn hiện nay đã quá vất vả, áp lực những hồ sơ tổ chuyên môn, hiện nay phải gánh thêm việc quản lý Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, khiến nhiều người ngao ngán.

Đối với giáo viên hiện nay là người được phân công trực tiếp làm hồ sơ, giảng dạy các nội dung trên vô cùng bức xúc, áp lực,…

Bức xúc vì là một giáo viên được đào tạo đơn môn nhưng phải giảng dạy thêm cả 4-5 phân môn mình không được đào tạo, không biết cách dạy như thế nào triển khai ra sao, ra đề kiểm tra đánh giá như thế nào,…

Giáo viên dạy lớp hiện nay cũng vô cùng khó khăn khi xây dựng việc dạy học Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Đối với Nội dung giáo dục địa phương hiện nay thường được giao cho 1 giáo viên dạy, vì nó có đến 6 phân môn và đương nhiên giáo viên vừa dạy vừa “mò”, vừa “sợ” dạy sai, “sợ” học sinh hỏi.

Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, hiện nay sách giáo khoa chỉ xây dựng 35 tiết/năm học, trong khi đó, phân bố Hoạt động này đến 105 tiết năm (tương đương 3 tiết/tuần), 70 tiết còn lại do giáo viên tự xây dựng, tự “bơi” mà không có ai có đủ chuyên môn hướng dẫn kể cả phó hiệu trưởng, tổ trưởng chuyên môn.

Sách Trải nghiệm, hướng nghiệp 7 chỉ thiết kế 35 tiết, giáo viên dạy 105 tiết/năm - Ảnh minh họa

Sách Trải nghiệm, hướng nghiệp 7 chỉ thiết kế 35 tiết, giáo viên dạy 105 tiết/năm - Ảnh minh họa

Giáo viên cũng không thể tự tổ chức các hoạt động trải nghiệm như tham quan, cắm trại, du lịch,.. vì không có kinh phí, cũng không dám tổ chức cho học sinh hoạt động ngoài nhà trường, dễ xảy ra rủi ro và cũng ảnh hưởng đến hoạt động của lớp trong việc học các môn học khác.

Do bố trí đến 105 tiết/năm học nhưng không có tài liệu, hướng dẫn nên giáo viên gần như chỉ đến lớp giữ lớp, rất áp lực.

Một số giáo viên phản ánh, bức xúc thì được cho là thiếu trách nhiệm, và thường được trả lời rằng cả nước phân công thế, làm gì có ai có chuyên môn mà so sánh, so bì!

Giáo viên vừa dạy vừa dò, đề kiểm tra thì đa số được sao chép trên mạng hoặc xin cho rồi chấm qua loa và cuối cùng tất cả đều được chấm đạt chỉ có ban giám hiệu, tổ trưởng, giáo viên là khổ sở.

Học sinh bơ phờ vì Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp

Giáo viên vừa dạy vừa “mò”, chủ yếu thực hiện đủ hồ sơ, việc giảng dạy thường chỉ dạy qua loa, chiếu lệ, đối phó,…nên đương nhiên học sinh lãnh đủ.

Về lý thuyết, chương trình Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp này hướng đến học sinh được tăng tính trải nghiệm, yêu quê hương, đất nước, tăng tính tích cực, hướng nghiệp,…nhưng khi triển khai lại bị phản tác dụng.

Do chưa đủ giáo viên có chuyên môn, đồ dùng, kinh phí, chương trình không thuyết phục,…nên triển khai các nội dung này đã 2 năm nhưng vẫn “bế tắc” và dự kiến thời gian tới học sinh, giáo viên, nhà trường còn khổ sở dài với 2 nội dung này.

Qua trao đổi với các em học sinh lớp 6, 7 khi học các Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, các em tỏ ra không hứng thú vì giáo viên dạy rất “chán” và thường chỉ giữ lớp.

Các em phải học Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cảm thấy không hứng thú chỉ tốn thời gian, không thấy tác dụng gì, và cuối bài kiểm tra thường xuyên, ai làm gì cũng được xếp loại đạt 100% theo chỉ tiêu (cả Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp khi đánh giá chỉ xếp loại Đạt, Chưa đạt theo Thông tư 22/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Giáo viên khó dạy, học sinh khó học, gần như học hay không đều được đánh giá đạt 100% thì động lực nào để các em cố gắng học tập, giáo viên có động lực để giảng dạy.

Những vướng mắc, bất cấp khi triển khai Nội dung giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, rất cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng có phương án tháo gỡ.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Minh Khoa