Giáo viên tích hợp gỡ khó bằng kiểu “dạy chạy”

19/04/2023 06:30
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dạy mà thầy cô không hiểu nhiều về kiến thức môn học chỉ tội cho học sinh. Vì chất lượng của các em nên tôi không thể làm thế được mà thực hiện kiểu “dạy chạy”.

Có lẽ lật tung tất cả các cuốn sách từ điển ở Việt Nam cũng không thể tìm ra nghĩa của từ “dạy chạy”. Bởi, từ này mới xuất hiện gần đây khi giáo viên được phân công dạy tích hợp đã nghĩ ra để tự gỡ khó cho mình.

Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vnẢnh minh họa trên giaoduc.net.vn

Trải lòng của thầy giáo với 35 năm trong nghề về dạy học tích hợp

Trước mặt tôi là thầy giáo H. (đề nghị không nêu tên), giáo viên dạy Địa lý tại một trường trung học cơ sở. Thầy H. cho biết mình còn 5 năm nữa là về hưu nhưng vì rất mệt mỏi với việc dạy tích hợp hiện nay trong chương trình mới nên có ý định được về hưu trước tuổi theo diện tinh giản biên chế nhưng không được vì địa phương hiện thiếu quá nhiều giáo viên.

Thầy H. cho biết, mỗi tuần mình phải soạn 10 giáo án và phải đi dạy 2 buổi/ngày suốt cả tuần thay vì chỉ dạy 1 buổi/ngày đối với nhiều giáo viên bậc trung học hiện nay.

Lý do được đưa ra, do phải “dạy chạy” cùng một số đồng nghiệp khác. “Dạy chạy” tuy mệt về thời gian nhưng được cái vẫn thoải mái hơn nhiều kiểu phải dạy tích hợp, thầy H. chia sẻ chi tiết.

Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 không còn môn học độc lập như Địa lý, Lịch sử mà gộp thành môn Lịch sử và Địa lý. Vì thế, giáo viên chuyên môn Địa lý nay phải dạy cả Lịch sử và ngược lại.

Thầy H. khẳng định: “Lịch sử rất dài, có nghiên cứu bài cũng không thể nhớ nổi nhất là với những giáo viên đang ở độ tuổi về chiều như tôi. Dạy trong tâm trạng lo lắng thì bất an lắm. Học sinh hỏi, không thể trả lời các em thì tệ hại lắm.

Kiến thức không phải một bài để bỏ công ra học thuộc rồi lên giảng, kiến thức là một chuỗi liên kết nên rất khó. Học sinh giỏi mà hỏi một cái là tiêu. Thực ra, môn Địa lý và Lịch sử là 2 môn học khác nhau hoàn toàn. Nay gộp lại nên làm khó giáo viên.

Lẽ ra, cần đào tạo con người trước rồi mới thay sách, đằng này thay sách rồi bắt giáo viên phải dạy trái chuyên môn, làm ngược như thế bảo sao giáo viên không khổ”.

Thầy H. tiếp tục trải lòng: “Thật ra, tôi vẫn có thể dạy được. Chỉ cần lấy bài giảng trên mạng xuống, chỉnh sửa đôi chút, ghi thêm phần bài học, phần cần giảng giải là bấm vào bài để giảng thôi.

Tuy nhiên, dạy mà thầy cô không hiểu nhiều về kiến thức môn học thì chỉ tội cho học sinh. Vì chất lượng của các em nên tôi không thể làm thế được mà chúng tôi thực hiện kiểu “dạy chạy”.

Giải thích khái niệm “dạy chạy”, thầy H. cho biết: “Thời khoá biểu dạy tích hợp vẫn phân công bình thường nhưng các giáo viên trong tổ lại thống nhất với nhau thay đổi dạy linh hoạt.

Ví dụ, một tuần tôi có 8 tiết Lịch sử và 11 tiết Địa lý. Tới môn Lịch sử thì giáo viên có chuyên môn Lịch sử vào dạy, tới tiết Địa thì mình lại vào dạy thay.

Vì thế, giáo viên phải đi cả ngày nhưng đổi lại mình được dạy đúng chuyên môn, học sinh cũng được học với đúng thầy cô giáo”. Giờ thì tôi cũng mới hiểu ra, “dạy chạy” là kiểu dạy đổi tiết cho nhau như thế.

Phân công dạy tích hợp vẫn mỗi trường làm một kiểu

Trong CT GDPT 2018, với sự xuất hiện của hai môn tích hợp Lịch sử và Địa lí, Khoa học tự nhiên nhưng vẫn chưa có giáo viên có chuyên môn dạy tích hợp. Bởi thế, để tổ chức dạy học các môn học và hoạt động giáo dục này hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra một số hướng dẫn cho các nhà trường triển khai thực hiện.

Cụ thể, với môn Lịch sử và Địa lí, chương trình môn học này bao gồm 2 phân môn là Lịch sử và Địa lí. Việc phân công giáo viên dạy môn học này, Bộ hướng dẫn các nhà trường căn cứ tình hình thực tế đội ngũ giáo viên, Hiệu trưởng sẽ phân công thầy cô dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên.

Đối với môn Khoa học tự nhiên, chương trình môn học bao gồm các chủ đề: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời.

Các chủ đề được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, có kết hợp ở mức độ nhất định với cấu trúc đồng tâm, đồng thời có một số chủ đề liên môn, tích hợp nhằm hình thành các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Về phân công giáo viên, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công thầy cô dạy học các chủ đề phù hợp với năng lực chuyên môn của thầy cô. [1]

Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, mỗi trường học lại có một cách phân công chuyên môn khác nhau. Có trường vẫn dựa vào chuyên môn được đào tạo của giáo viên trước đây để phân công giảng dạy những môn tích hợp theo kiểu giáo viên có chuyên môn nào vẫn chỉ dạy phần chuyên môn đó.

Việc phân công chuyên môn như thế này, không gây áp lực cho giáo viên và học sinh vẫn được học với những thầy cô giáo có kiến thức sâu rộng và chuyên môn vững vàng.

Có trường học lại buộc giáo viên phải giảng dạy theo môn học tích hợp. Giáo viên dạy Lịch sử buộc phải dạy cả Địa lý, giáo viên Địa lý phải dạy luôn môn Lịch sử. Giáo viên Sinh dạy cả Lý và Hoá. Giáo viên Hoá dạy cả Lý và Sinh…

Lý giải của một số hiệu trưởng để giáo viên vừa dạy vừa học và tự hoàn thiện mình để nhanh chóng đáp ứng tốt yêu cầu của chương trình mới.

Việc phân công chuyên môn khiên cưỡng, áp đặt như thế này đã tạo rất nhiều áp lực cho giáo viên vì không dạy đúng năng lực sở trường của mình. Đã có không ít thầy cô giáo lớn tuổi dù còn yêu nghề nhưng vẫn phải xin về hưu trước tuổi do không thể dạy trái chuyên môn.

Có trường trên danh nghĩa vẫn phân công giáo viên dạy tích hợp nhưng lại ngầm “bật đèn xanh” để các thầy cô tự đổi tiết dạy cho nhau như chia sẻ của thầy giáo H.

Giải pháp nào giúp việc dạy tích hợp hiệu quả?

Chương trình giáo dục cũng đã ban hành và thực hiện, việc nhiều thầy cô giáo dạy tích hợp than thở đến thời điểm này cũng chẳng thể giải quyết được gì. Bởi thế, làm thế nào để việc dạy và học tích hợp đạt hiệu quả vẫn luôn là nổi trăn trở của giáo viên, của mỗi nhà trường.

Thứ nhất, nhà trường cần thực hiện tốt việc đánh giá đúng năng lực chuyên môn của từng giáo viên để phân công giảng dạy tích hợp cho thật hợp lý. Ở nhiều trường học hiện nay, vẫn có những thầy cô giáo có kiến thức sâu rộng, có đủ năng lực để đảm nhận giảng dạy tốt môn tích hợp.

Những giáo viên lớn tuổi, không đủ khả năng giảng dạy môn tích hợp cần được linh động vẫn giảng dạy đúng chuyên môn của mình.

Thứ hai, nên giao chuyên môn về cho tổ chuyên môn để tổ trưởng toàn quyền điều tiết khi phân công giáo viên trong tổ giảng dạy đúng sở trường. Các giáo viên trong tổ có thể linh động hỗ trợ lẫn nhau sẽ tránh được nhiều áp lực khi giảng dạy tích hợp mang lại.

Thứ ba, giảm bớt việc dự giờ thao giảng các cấp ở 2 tổ Lịch sử và Địa lý và Khoa học tự nhiên mà thay vào đó là những buổi sinh hoạt chuyên môn trao đổi việc dạy tích hợp sao cho hiệu quả.

Thứ tư, song song với những giải pháp ấy là việc địa phương sẽ tạo điều kiện về thời gian cũng như hỗ trợ về kinh phí để giáo viên đi học bồi dưỡng chuyên môn về nội dung tích hợp để nâng cao năng lực và kỹ năng sư phạm.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://dangcongsan.vn/giao-duc/phan-cong-giao-vien-day-mon-hoc-moi-o-lop-6-phu-hop-nang-luc-chuyen-mon-583895.html

Phan Tuyết