Giật mình với hàng chục áp lực chỉ tiêu mà giáo viên phổ thông đang phải "gánh"

27/08/2022 06:32
Nguyễn Nhật Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phần lớn các chỉ tiêu đều ở mức gần tuyệt đối hoặc tuyệt đối 100% là nguyên nhân hàng đầu gây áp lực cho giáo viên trong trường học hiện nay.

Câu chuyện giáo viên nghỉ việc thời gian qua đang thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận.

Nguyên nhân giáo viên nghỉ việc được nêu ra là lương không đủ sống, áp lực công việc, đòi hỏi của xã hội với thầy cô ngày càng cao, áp lực để 100% học sinh lên lớp, môi trường làm việc không hạnh phúc, cơ hội thăng tiến nghề nghiệp thấp…

Mới đây, trước năm học 2022-2023, nhiều trường học ở Nha Trang đã yêu cầu "những học sinh chưa tiêm tạm thời chưa đến trường (để đảm bảo an toàn phòng chống dịch), nhà trường xin ý kiến của cấp trên (có thể dạy online) cho những học sinh chưa tiêm" khiến phụ huynh bức xúc.

Nhiều giáo viên, lãnh đạo trường học ở tỉnh Khánh Hòa giải thích việc phải thông báo tiêm vắc xin COVID-19 cho học sinh… là bởi nhà trường, giáo viên cũng bị áp lực từ việc 'xét thi đua'.[1]

Chỉ tiêu trên giao, ép vào tiêu chí thi đua, đã gây áp lực với thầy cô giáo, nhà trường, làm méo mó hình ảnh giáo dục, gây bức xúc xã hội.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: DAD/Vietnamnet.vn

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: DAD/Vietnamnet.vn

Thầy cô giáo đang gánh những chỉ tiêu nào?

Từ thực tế, người viết xin liệt kê một số chỉ tiêu mà thầy cô đang phải “gánh”:

Thứ nhất, chỉ tiêu học sinh lên lớp cuối năm.

Thứ hai, chỉ tiêu học sinh khá, giỏi.

Thứ ba, chỉ tiêu học sinh đạt hạnh kiểm Khá, Tốt.

Thứ tư, chỉ tiêu duy trì sĩ số lớp.

Thứ năm, chỉ tiêu học sinh tham gia học luật giao thông.

Thứ sáu, chỉ tiêu đóng góp quỹ hội.

Thứ bảy, chỉ tiêu học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa.

Thứ tám, chỉ tiêu học sinh tham gia kế hoạch nhỏ.

Thứ chín, chỉ tiêu học sinh tham gia học ngoại ngữ với người nước ngoài.

Thứ 10, chỉ tiêu học sinh tham gia học kĩ năng sống.

Thứ 11, chỉ tiêu học sinh tham gia học thêm tại trường.

Thứ 12, chỉ tiêu học sinh tham gia các cuộc thi do ngành, trường tổ chức.

Thứ 13, chỉ tiêu học sinh tham gia chương trình xóa cận học đường.

Thứ 14, chỉ tiêu học sinh tham gia chương trình nước sạch uống tại vòi.

Thứ 15, chỉ tiêu học sinh bỏ rác, phân loại rác, đúng quy định.

Thứ 16, chỉ tiêu học sinh tham gia tết trồng cây.

Thứ 17, chỉ tiêu học sinh tham gia chương trình đền ơn, đáp nghĩa.

Thứ 18, chỉ tiêu học sinh tham gia hội khỏe Phù Đổng.

Thứ 19, chỉ tiêu học sinh tham gia chương trình nói lời hay, làm việc tốt.

….

Phần lớn các chỉ tiêu trên đều ở mức gần tuyệt đối hoặc tuyệt đối 100% là nguyên nhân hàng đầu gây áp lực cho giáo viên trong trường học hiện nay.

Là người trong cuộc, người viết nhận thấy các chỉ tiêu trên thực sự làm khó giáo viên và dẫn tới sự không trung thực trong giáo dục.

Chưa thực sự trung thực, nên ngay từ đầu năm, trong kế hoạch, phương hướng năm học mới, các cơ sở giáo dục đã đề ra các chỉ tiêu trên trời, không đúng với thực lực, là nhiệm vụ bất khả thi, nhưng buộc giáo viên thực hiện.

Nói thật mất lòng, làm thật, báo cáo thật coi chừng … mất thi đua, giáo viên cứ căn cứ vào chỉ tiêu mà … làm báo cáo cho đẹp.

Để giáo dục trung thực, để góp phần ngăn chặn làn sóng nghỉ việc của giáo viên, theo ý kiến của người viết, đơn giản nhất, năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục đề ra chỉ tiêu hợp lý, phù hợp với khả năng của mình.

Theo người viết, nên bỏ hẳn quy định “chỉ tiêu là tiêu chí bình xét hoàn thành nhiệm vụ thi đua cuối năm, của các cán bộ, giáo viên, người lao động".

Các cơ sở giáo dục không biến chỉ tiêu đầu năm thành "vòng kim cô" gây áp lực cho nhà giáo, buộc thầy cô phải làm đẹp học bạ, làm đẹp số liệu.

Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa XV, trong buổi thảo luận tại hội trường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ngày 1/6/2022, đại biểu Quốc hội Đinh Thị Ngọc Dung khẳng định Giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội:

"Một xã hội sẽ không phát triển nếu như thiếu nhận thức và không có nền giáo dục tốt, hay giáo dục mà không có giá trị trung thực, có cải cách mấy cũng bằng thừa”.[2]

Ngành giáo dục đang thực hiện chương trình mới với bao kì vọng, mong muốn chương trình mới thành công.

Muốn thành công, đầu tiên phải có giá trị trung thực, trung thực trong đánh giá, trung thực trong báo cáo..., để làm được điều đó phải nhìn chấp nhận sự thật.

Chấp nhận sự thật, có như thế mới lãnh đạo ngành giáo dục mới tìm ra giải pháp thật, chỉ tiêu thật, để thực hiện: dạy thật, học thật, thi thật, nhân tài thật.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2021 – 2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022 – 2023.Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên đã chỉ đạo ngành giáo dục và đào tạo thành phố ".... cần xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua khen thưởng theo phương châm là nói thật và làm thật, chấm điểm thật, thành tích thật, chủ động truyền thông đến từng gia đình, trường học, giúp phụ huynh nắm rõ thông tin về việc học của các em".

Thành phố Hồ Chí Minh đã tiên phong thực hiện "xây dựng hệ thống tiêu chí thi đua cần nói thật, làm thật, chấm điểm thật, thành tích thật", nên chăng, các địa phương khác trên cả nước cùng đồng tâm thực hiện.

Theo người viết, chỉ tiêu được xây dựng trên sự thật, khả năng thực hiện thật, dù có bao nhiêu chỉ tiêu chăng nữa cũng không gây áp lực cho thầy cô giáo, người hưởng lợi đầu tiên chính là học trò.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/bi-ap-luc-xet-thi-dua-thay-co-phai-di-van-dong-ca-nha-hoc-sinh-tiem-vac-xin-20220822221458151.htm

[2]https://vietnamnet.vn/giao-duc-ma-khong-co-gia-tri-trung-thuc-cai-cach-may-cung-bang-thua-2025613.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nguyễn Nhật Minh