LTS: Sau nhiều bài viết phản ánh về những giờ sinh hoạt nhàm chán và gây căng thẳng cho học sinh, tác giả Thiên Ấn chia sẻ phương pháp để học sinh thêm hứng thú với những giờ sinh hoạt chung.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!
Sinh hoạt 15 phút đầu buổi học
Từ ngày thành lập (năm 1992) đến nay, trường THPT Huỳnh Thúc Kháng ở thành phố Quảng Ngãi là một trong ít trường phổ thông vẫn duy trì tốt sinh hoạt 15 phút đầu buổi hằng ngày.
Đã thành thói quen, nền nếp, hầu hết, giáo viên chủ nhiệm ở đây có mặt tại lớp trong 15 phút đầu buổi.
Giáo viên chủ nhiệm nắm bắt thông tin, tình hình, diễn biến của cả tập thể lớp, chấn chỉnh, nhắc nhở, uốn nắn những lệch lạc, hạn chế cũng như biểu dương, khen ngợi các việc làm hay, kết quả, thành tích tốt của các em.
Nhờ sự sâu sát, thường xuyên, quản lý chặt chẽ của các thầy, cô giáo chủ nhiệm nên tình hình học tập, rèn luyện đạo đức của học sinh ở các lớp có nhiều chuyển biến tốt.
Giờ sinh hoạt lớp hiệu quả là nhờ thầy cô liên tục sáng tạo, đổi mới. (Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại) |
Các em cá biệt, chưa ngoan, ham chơi, chán nản học hành được giáo dục, uốn nắn, quan tâm, động viên kịp thời, những biểu hiện tiêu cực giảm dần.
Có người bảo, học sinh ở bậc trung học phổ thông, cần gì phải quản lý, đến sinh hoạt lớp thường xuyên như thế, để các em tự quản, lâu lâu giáo viên chủ nhiệm lên thăm chừng là được rồi.
Đấy là quan điểm, suy nghĩ của người ta. Còn chúng tôi thiết nghĩ, giáo viên chủ nhiệm thường xuyên đến lớp thăm nom, nhắc nhở, theo dõi, tác động, chỉ dẫn vẫn là việc làm cần thiết, nên tiếp tục phát huy hơn nữa, đặc biệt trong hoàn cảnh trường chúng tôi, một số học sinh ý thức học tập, tu dưỡng hạnh kiểm chưa tốt.
Sinh hoạt 1 tiết cuối tuần
Tiết sinh hoạt cuối tuần là quy định bắt buộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với giáo dục phổ thông, từ bậc tiểu học đến bậc trung học phổ thông.
Nhiều thầy, cô giáo ở các trường đã làm rất tốt vai trò, trách nhiệm của mình ở tiết sinh hoạt cuối tuần.
Các lớp khác đã về, nhưng cô vẫn bắt cả lớp ngồi lại vì cô mắng chưa xong! |
Giờ sinh hoạt có giáo án sinh hoạt lớp hẳn hoi; cách tổ chức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, mang tính giáo dục cao.
Theo đó, cần động viên, khen ngợi học sinh là chính, phê bình, kiểm điểm là phụ; học sinh hứng thú, không bị nhàm chán, hoặc có tâm lý lo lắng, sợ hãi mỗi khi đến tiết sinh hoạt.
Tuy nhiên, có không ít giáo viên chủ nhiệm còn cứng nhắc, thiếu hiểu biết tâm lý học trò… thường biến tiết sinh hoạt ấy thành tiết kể tội, mắng chửi, phê bình học sinh, tập thể lớp một cách gay gắt, thường xuyên, hiếm khi có lời khen, khích lệ đối với các em.
Nhiều học sinh, khi được hỏi, các em sợ nhất là tiết nào ở trường, đều đồng thanh trả lời là tiết sinh hoạt cuối tuần.
Sai sót nhỏ thôi nhưng cô giáo chủ nhiệm nói rất nặng nề, nghiêm trọng, cứ nhắc đi nhắc lại trong những tiết sinh hoạt tiếp theo.
Có bạn trong tuần bị mắc lỗi, biết cuối tuần thầy giáo chủ nhiệm sẽ ca bài ca phê phán và xấu hổ với các bạn trong lớp nên đành phải viện lý do nghỉ học buổi hôm đó.
Một năm học thường có 37 tuần học có 37 tiết sinh hoạt cuối tuần. Các giáo viên chủ nhiệm làm thế nào để 37 tiết sinh hoạt ấy thực sự lắng đọng, có tính định hướng tốt, tạo được tâm lý nhẹ nhàng, thỏa mái, hứng khởi trong mỗi học sinh, bớt hẳn đi sự phê bình, kể tội các em quá nhiều.
Để có được điều đó, các thầy cô giáo chủ nhiệm cần kiểm nghiệm lại mình, thấu hiểu tâm tư, cảm xúc học sinh và biết cách chuẩn bị, thiết kế thật tốt các tiết sinh hoạt lớp, luôn tạo được niềm vui, hứng thú từ các em.
Tiết chào cờ đầu tuần
Đây là tiết mở đầu cho hoạt động giáo dục của thầy và trò trong cả tuần. Ban Giám hiệu mỗi trường có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức cho hoạt động của tiết này.
Báo chí gần đây từng phản ánh có một số trường học dùng tiết chào cờ chỉ để phê bình, kể tội các sai phạm lỗi lầm của học trò.
Sau những quyết định kỷ luật của Hiệu trưởng, hàng loạt học sinh có sai phạm bị đứng lên giữa hàng trăm, hàng ngàn ánh mắt của học sinh đang ngồi bên dưới tập trung, dõi theo.
Đúng là có những học sinh cá biệt, vi phạm có hệ thống, giáo dục nhiều lần mà chẳng chịu thay đổi thì cần ra quyết định kỷ luật, nêu tên trước cờ để giáo dục em đó và răn đe các em khác.
Lâu lâu mới làm việc ấy thì có tác dụng. Còn cứ sáng tiết hai đầu tuần lúc nào cũng có hàng chục em bị nêu tên với các lỗi về tác phong, hút thuốc lá, gây gổ đánh nhau… thì không nên, học sinh sẽ nhờn, bị ám ảnh về tâm lý, tinh thần.
Tình trạng học sinh hoảng sợ, mệt mỏi, căng thẳng với tiết chào cờ là có thật.
Nhà trường, Ban Giám hiệu không thể theo lối mòn, tuần nào cũng đọc tổng kết, số liệu, phê bình, khiển trách học sinh vi phạm nội quy mà cần đổi mới mạnh mẽ hình thức hoạt động tiết chào cờ theo hướng gọn nhẹ, phong phú, đa dạng về nội dung, đối tượng trình bày, phát biểu.
Mỗi tháng, có một chương trình văn nghệ, tiểu phẩm từ giáo viên, học sinh. Giai điệu, lời ca, tiếng hát, đối thoại… cất lên cảm thấy nhẹ nhàng, tươi mới, tâm hồn bay bổng.
Đan xen các đánh giá, tổng kết là những câu chuyện kể, sự việc có thật, cảm động, đầy tình yêu thương, mang tính thời sự với cách kể, cách nói truyền cảm của thầy và trò chắc chắn sẽ tạo ra sinh khí mới cho hoạt động của tiết chào cờ đầu tuần.
Học sinh sẽ đón nhận, hứng thú biết bao khi các tiết chào cờ được nhà trường, thầy cô giáo luôn biết làm mới mà không giảm đi tính giáo dục các phẩm chất, năng lực cho học trò.